Tại Hội nghị, TS Nguyễn Xuân Trường - Vụ trưởng Vụ Địa phương I, Ban Nội chính Trung ương đã trình bày chuyên đề "Một số kết quả nổi bật trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Công tác giáo dục liêm chính để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực".
Báo cáo chuyên đề, TS Nguyễn Xuân Trường, nhấn mạnh, thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, có bước đột phá, toàn diện, rõ rệt, đạt nhiều kết quả rất quan trọng. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Việc phòng, chống tham những, tiêu cực được tiến hành gắn với công tác cán bộ với phương châm “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ", vừa giữ nghiêm kỷ cương, vừa thể hiện rõ nét tính nhân văn, để lại dấu ấn tích cực, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Đặc biệt, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đổi mới, tăng cường, góp phần nâng cao nhận thức và tạo đồng thuận cao trong xã hội.
TS Nguyễn Xuân Trường cũng nêu ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, như: Phòng chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm phòng ngừa từ xa, từ sớm, cả gốc lẫn ngọn; kiên trì xây dựng văn hoá liêm chính, đẩy mạnh giáo dục liêm chính; đề cao sự gương mẫu, quyết liệt, "nói đi đôi với làm" và "làm đi đôi với nói", "đã nói là làm" của người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện thể chế để "không thể tham nhũng, tiêu cực".
Đồng thời nhanh chóng phát hiện, xử lý nghiêm minh, đồng bộ các hành vi tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; đẩy mạnh kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng ngay trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng; kiểm soát xung đột lợi ích; khắc phục những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai; siết chặt kỷ luật, giám sát cán bộ, đảng viên.
Tại hội nghị, các đồng chí tại điểm cầu Bộ Xây dựng cũng đã nghe đồng chí Đặng Hữu Ngọ - Vụ trưởng Vụ Dân vận các cơ quan Nhà nước, Ban Dân vận Trung ương quán triệt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội khoá XV thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 10/11/2022.
Luật quy định nội dung, cách thức thực hiện và phát huy dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Bên cạnh đó, Luật đã cụ thể hoá đầy đủ phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Việc thực hành dân chủ ở cơ sở cũng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hành phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giúp công tác này đi vào thực chất, quyết liệt và hiệu quả hơn.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thể - Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương đề nghị các cấp uỷ trong Đảng bộ Khối cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền sâu rộng các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thúc đẩy sự tự giác, thống nhất cao về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đồng chí Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cấp uỷ tổ chức Đảng trong toàn Đảng bộ quán triệt, thông tin đầy đủ đến cán bộ, đảng viên nhằm giúp cán bộ, đảng viên nắm bắt kịp thời, hiểu đúng, đầy đủ và tham gia thực hiện hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, giáo dục liêm chính; thực hiện nghiêm việc công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Đồng thời, các cấp uỷ tổ chức Đảng trong toàn Đảng bộ nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức đảng, đảng viên trong việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; đề cao trách nhiệm của cấp uỷ Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tính tiền phong gương mẫu và quyết tâm chính trị cao của tổ chức Đảng và đảng viên trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cùng với đó, xây dựng văn hoá công vụ đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, trong đó tập trung vào giáo dục liêm chính góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, đảng viên, người lao động; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên công chức, viên chức, người lao động vừa hồng, vừa chuyên; xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh.