1. Tổng quan nghiên cứu
Trong bối cảnh đô thị hóa và gia tăng dân số nhanh, lượng nước thải sinh hoạt tại Việt Nam đang gia tăng đáng kể. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đang đứng trong nhóm 30 quốc gia có lượng nước thải lớn nhất thế giới, với khoảng 12 triệu m³ nước thải đô thị phát sinh mỗi ngày (Tạp chí Môi trường 2022, 2023, Thời báo Kinh tế, 2023).
Tuy nhiên, theo báo cáo của các chuyên gia Hội Cấp thoát Nước Việt Nam, tỷ lệ lượng nước thải phát sinh được thu gom trong hệ thống thoát nước ước tính chỉ đạt 60% và chỉ có khoảng 15% lượng nước thải hiện được xử lý tại các nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các đô thị trên toàn quốc, phần lớn còn lại được xả thải trực tiếp ra môi trường mà không qua xử lý (WorldBank, 2024, Tổng cục thống kê Việt Nam, 2025).
Hệ thống thoát nước tại Việt Nam hiện nay chủ yếu là hệ thống thoát nước chung, trong đó nước thải sinh hoạt và nước mưa được thu gom chung và xử lý tại các nhà máy xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên, mô hình này đang gặp phải nhiều vấn đề như quá tải, hiệu quả xử lý thấp và chi phí đầu tư cao (WorldBank, 2012).
Một số đô thị tại Việt Nam như Đà Lạt, Huế (khu đô thị mới), Nha Trang và Cam Ranh đã triển khai hệ thống thoát nước riêng hoặc nửa riêng, góp phần nâng cao hiệu quả thu gom nước thải sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực đô thị. Nước thải sinh hoạt được thu gom từ hệ thống thoát nước riêng, thường có nồng độ chất hữu cơ (BOD, COD) và dinh dưỡng (N, P) cao. Việc xử lý nước thải có tải trọng hữu cơ cao vừa đem lại thuận lợi và khó khăn trong công tác lựa chọn công nghệ sinh học xử lý hiệu quả và tiết kiệm chi phí.
Mục tiêu nghiên cứu này là đánh giá đặc tính nước thải sinh hoạt thu gom từ hệ thống thoát nước riêng, là cơ sở quan trọng trong lựa chọn công nghệ xử lý nước thải và vận hành hiệu quả nhà máy xử lý đáp ứng yêu cầu xả thải. Nghiên cứu điển hình tại Nhà máy xử lý nước thải Đà Lạt với số liệu được thu thập trong 5 năm.
Từ đó bàn luận khả năng ứng dụng công nghệ xử lý nước thải phù hợp với đặc tính nước thải tại các đô thị ở Việt Nam, thảo luận tiềm năng tái sử dụng nước thải sau xử lý, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Hệ thống thu gom và xử lý nước thải TP Đà Lạt được đầu tư theo từng giai đoạn nhằm nâng cao năng lực xử lý nước thải đô thị. Giai đoạn 1 được triển khai từ năm 2002, sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại từ cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch (Danida) trong khuôn khổ Dự án Vệ sinh TP Đà Lạt, đã hoàn thành và đi vào vận hành từ năm 2007, với quy mô phục vụ khoảng 7.245 hộ dân trên diện tích 260 ha và công suất xử lý đạt 7.400 m³/ngày.đêm.
Giai đoạn 2 của dự án được thực hiện với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới, mở rộng phạm vi thu gom và tăng công suất thêm 5.000 m³/ngày.đêm, nâng tổng công suất xử lý lên 12.400 m³/ngày.đêm. Giai đoạn này hoàn tất và được đưa vào vận hành từ tháng 12/2018, nâng tổng số hộ dân được phục vụ lên 11.209 hộ, với phạm vi bao phủ lên đến 569 ha.
Hệ thống thoát nước đặc thù thu gom nước thải sinh hoạt và đô thị, riêng tách với nước mưa, góp phần quan trọng trong việc cải thiện chất lượng môi trường nước và giảm thiểu ô nhiễm tại khu vực trung tâm TP Đà Lạt.
Nước thải được thu gom về trạm bơm thoát nước chính, đưa về nhà máy xử lý nước thải tập trung của TP Đà Lạt. Nhà máy gồm hai mô-đun xử lý tương ứng với 2 giai đoạn phát triển kết hợp công nghệ kỵ khí và hiếu khí nhằm xử lý hiệu quả nước thải sinh hoạt và công nghiệp có tải lượng hữu cơ cao. Quy trình chính bao gồm: tiếp nhận - song chắn rác -lắng cát - bể Imhoff - bể lọc sinh học hiếu khí (giai đoạn 1)/Bể lọc sinh học kỵ khí (giai đoạn 2) - lắng thứ cấp - hồ sinh học - khử trùng.
Đối tượng trọng tâm của nghiên cứu này là nước thải đầu vào của hệ thống thoát nước riêng, lấy số liệu thu thập trong 5 năm, từ 2020-2024 và kết quả phân tích mẫu nước thực tế tại trạm bơm chính của hệ thống thoát nước tập trung của TP Đà Lạt và tại công trình tiếp nhận của nhà máy xử lý nước thải thành phố.
Các chỉ tiêu đánh giá bao gồm: nhiệt độ, độ pH, tổng hàm lượng cặn lơ lửng (TSS), nhu cầu oxy hóa học (COD) và nhu cầu oxy sinh học trong 5 ngày (BOD5), amoni và nitrat hoặc tổng nitơ (NH4-N, NO3-N và TN-N), photpho hoặc tổng photpho (PO4-P/TP-P).
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng 4 phương pháp chính:
(1) Khảo sát thực địa, nhằm đánh giá hệ thống hệ thống thoát nước TP Đà Lạt, thu thập mẫu nước và phỏng vấn nhân viên vận hành;
(2) Tổng quan tài liệu và kế thừa kinh nghiệm, dựa trên phân tích số liệu thứ cấp từ báo cáo quan trắc, phân tích nội bộ và dữ liệu từ đơn vị đo đạc đạt chuẩn VIMCERTS trong giai đoạn 2020-2024, nhằm làm rõ đặc tính nước thải, công nghệ xử lý và đối chiếu với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành;
(3) Phỏng vấn chuyên gia, nhằm khai thác ý kiến chuyên môn trong công tác đánh giá đặc tính và hiệu quả xử lý nước thảim đề xuất công nghệ xử lý và giải pháp vận hành bền vững, dựa trên kinh nghiệm thực tiễn và mô hình đã áp dụng thành công trong nước và trên thế giới;
(4) Phân tích sắc xuất thống kê số liệu, để biểu thị phân bổ giá trị trọng tậm, tin cậy.
3. Kết quả và thảo luận
3.1. Diễn biến thành phần các chất ô nhiễm trong nước thải đô thị
Hình 1 biểu thị diễn biến thành phần các chất ô nhiễm trong nước thải thu gom trong hệ thống thoát nước riêng TP Đà Lạt, trong 5 năm gần đây (2020-2024).
Kết quả nghiên cứu cho thấy nước thải đô thị từ hệ thống thoát nước riêng tại Đà Lạt có thành phần các chất ô nhiễm khá ổn định trong 5 năm, thế hiện nồng độ đặc trưng đối với nước thải nước thải sinh hoạt được thu gom trong hệ thống thoát nước riêng, gần như không bị pha loãng và tác động bởi nước mưa và nước chảy tràn bề mặt của đô thị. Hàm lượng cặn lơ lửng trung bình dao động 180-360 mg/L dao động quanh biên độ 200-250 mg/L.
Hàm lượng chất hữu cơ, biểu thị qua giá trị COD và BOD cao, giá trị trung bình 600 mg/L và 300 mg/L tương ứng, ổn định qua các năm. Hàm lượng dinh dưỡng theo N trong nước thải tính theo chỉ số amoni cao điển hình cho nước thải sinh hoạt, xấp xỉ 60 mg/L, nitrat không xuất hiện do nước thải đầu vào do thế oxy hóa âm. Hàm lượng phosphate dao động quanh giá trị 9 mg/L.
Phân tích kết quả đo lưu lượng nước thải theo giờ trong mỗi ngày, cho thấy lưu lượng thu gom về hệ thống khá ổn định giữa các mùa trong năm, lưu lượng dao động về đến nhà máy 400-600 m3/h, lưu lượng trung bình 520m3/h, cao hơn về các thời điểm tháng 7-10.
Từ các kết quả thu thập và đo đạc thống số nước thải thực tế, nếu tính trên tải lượng các chất ô nhiễm theo người trong, ta có 50-60 g TSS, 65-75 g BOD5; 150-170 g COD, 16-18 g NH4-N và 2.0-2.5 g PO4-P/người.ngày đêm.
Nếu so với các thông số tham khảo trong văn bản pháp quy hiện hành như TCVN 7957:2023 hiện hành (Bảng 21 - Tải lượng ô nhiễm trong nước thải sinh hoạt), các giá trị thông số cặn thấp hơn xấp xỉ 0.9 lần nhưng các chất ô nhiễm hữu cơ (BOD5 của nước chưa lắng) cao hơn 1.15-1.2 lần, các chỉ số dinh dưỡng ni tơ amoni cao hơn 1.8-2 lần và photpho ở ngưỡng giá trị max.
Sự sai khác về chỉ số amoni sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình chuyển hóa các chất và các điều kiện vận hành công trình, chất lượng nước thải sau xử lý. Điều này cho thấy vai trò rất quan trọng của công tác đánh giá sát thực các thông số ô nhiễm trong nước thải đầu vào để làm căn cứ tính toán tải lượng và thiết kế các công trình xử lý nước thải, đảm bảo hiệu quả quá trình xử lý đáp ứng chất lượng nước sau xử lý theo yêu cầu đặt ra.

3.2. Đặc tính nước thải của hệ thống thoát nước riêng TP Đà Lạt, Việt Nam
Các thông số đặc trưng được sử dụng giúp đánh giá mức độ ô nhiễm của nước thải tiếp nhận vào nhà máy xử lý và định hướng lựa chọn phương pháp xử lý phù hợp. Tỷ lệ giữa các chỉ số thành phần các chất có trong nước thải phản ánh bản chất các dạng tồn tại các chất trong nước thải đầu vào, Bảng 1 phân tích tỷ lệ hàm lượng các chất ô nhiễm trong nước thải đô thị thu gom trong hệ thống thoát nước riêng thành phố Đà Lạt, trong 5 năm gần đây (2020-2024).
Tỷ lệ COD/BOD₅ dao động từ 1.1-2.5 cho thấy nước thải có khả năng phân hủy sinh học, thích hợp cho xử lý sinh học, tương ứng tỷ lệ BOD₅/COD là 0,4-1.0 xác nhận nước thải có tải lượng hữu cơ cao, thích hợp với quá trình chuyển hóa sinh học để loại bỏ, nhưng đồng thời dễ gây mùi. Tỷ lệ NH₄/COD là 0,08-0.13 và TSS/COD là 0,4 lần lượt chỉ ra nguồn gốc sinh hoạt phù hợp với nước thải đô thị.
Bảng 1. Tỷ lệ hàm lượng các chất ô nhiễm trong nước thải đô thị thu gom trong hệ thống thoát nước riêng TP Đà Lạt, trong 5 năm (2020-2024).
*: giá trị điển hình được tham khảo tại (Metcalf and Eddy, 1991) và TCVN 7957-2023.
Tỷ lệ BOD₅/NH4-N là 4.5-7.2, là khoảng giá trị cao, thuận lợi cho quá trình khử nitrat sinh học, nhưng cần lưu ý đảm bảo lượng cấp khí trong tính toán thiết kế bể xử lý sinh học quá trình nitrat hóa. Tỷ lệ BOD₅/TSS là 0.8-1.2, phù hợp với giá trị trung bình thường thấy, phản ánh bản chất các hạt cặn sơ cấp, vốn có trong nước thải phần lớn là cặn hữu cơ dễ phân hủy sinh học. Giá trị trung bình 1,0 thường được dùng để xác định tải lượng bùn tối đa phù hợp với nước thải đô thị.
Tỷ lệ BOD5/NH4-N và tỷ lệ BOD5/PO4-P đầu thấp nhu cầu cân bằng C/N/P hình thành sinh khối vi sinh vật trong hệ xử lý sinh học hiếu khí (BOD5/NH4-N/PO4-P 100:5:1), chứng tỏ hàm lượng N và P trong nước thải đầu vào cao, dư thừa 2.3-3.6 lần NH4-N và 0.3-3.0 lần PO4-P cho quá trình tạo sinh khối trong hệ bùn hoạt tính truyền thống. Để quá trình loại bỏ N thông qua quá trình nitrat hóa và khử nitrat hiệu quả, lượng oxy cần cung cấp trong phương trình phản ứng nitrat hóa theo lý thuyết 4.57 mg oxygen/mg NH4-N và lượng C hữu cơ trong tỷ lệ khuyến cáo 8.6 mg BOD/mg NO3-N bị khử, xấp xỉ 2.5-3.0 cho tỷ lệ BOD/NH4-N. Để loại bỏ 50%N trong nước thải đầu vào, đáp ứng yêu cầu TN theo cột B, QCVN 40:2011/BTNMT (40 mg/L) thì lượng C hữu cơ trong nước thải đầu vào đối với nhà máy là có khả năng tự đáp ứng.
3.3. Thảo luận về đặc tính nước thải và hiệu quả công nghệ xử lý nước thải đô thị tại Việt Nam
So sánh với giá trị thành phần các chất trong nước thải đô thị Việt Nam, nước thải thu gom từ hệ thống thoát nước riêng đặc thù như ở Đà Lạt có tỷ lệ COD/BOD5 thấp hơn nhưng tỷ lệ BOD5/TSS và BOD5/NH4-N/PO4-P thuận lợi cho quá trình xử lý bằng phương pháp sinh học để loại bỏ các chất hữu cơ và dinh dưỡng hiệu quả.
Theo báo cáo của các đô thị khác, nước thải đô thị tại Việt Nam có đặc điểm tải lượng hữu cơ theo chỉ số BOD5 trung bình 50-150 mg/L, tỷ lệ COD/BOD5 từ 2–2.5, NH4-N từ 4-25 mg/L và TP dao động từ 2-10 mg/L (Tran, 2002, Hạ et al., 2012, WorldBank, 2012). Thành phần còn bao gồm chất rắn lơ lửng, kim loại nặng và chất hoạt động bề mặt, gây ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý sinh học.
Tuy nhiên, nhiều nhà máy gặp khó khăn khi tỉ lệ BOD/TN chỉ đạt 1.6-4.1, nhiều nơi chỉ xấp xỉ 1.3-1.8, dẫn đến hiệu quả xử lý N (quá trình khử nitrat) thấp (Tran, 2002). Thực tế, công nghệ bùn hoạt tính khó đạt tải lượng hữu cơ như thiết kế sẽ dẫn đến hệ quả xử lý tốn kém, phức tạp và đòi hỏi bổ sung nhiều hóa chất tạo điều kiện thỏa mãn quá trình sinh học khử nitrat và photpho diễn ra.
Việc hiểu rõ thành phần và tính chất nước thải đô thị là cơ sở quan trọng để lựa chọn phương pháp xử lý phù hợp, đảm bảo hiệu quả và bền vững cho hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tại Việt Nam. Thiết kế công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, tăng cường khảo sát đầu vào, tối ưu hóa vận hành và chú trọng đến xử lý bùn thải là rất thiết kế để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của hệ thống xử lý nước thải đô thị.
Hiệu quả vận hành của các nhà xử lý nước thải tại trong nước cho thấy hệ thống thoát nước riêng biệt kết hợp với công nghệ xử lý phù hợp, như bể kỵ khí, lọc sinh học tại Nhà máy xử lý nước thải Đà Lạt, đã giúp nâng cao hiệu suất xử lý COD lên đến 90%, đồng thời giảm chi phí vận hành và tiết kiệm năng lượng, chi phí điện năng chỉ xấp xỉ 0.4 kWh/1m3 nước thải (số liệu thu thập và phân tích mẫu tại Nhà máy Xử lý nước thải, 2024).
Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình thoát nước riêng cũng gặp phải một số thách thức như chi phí đầu tư ban đầu cao, yêu cầu về mặt bằng và công nghệ xử lý phù hợp. Việc nắm bắt đặc tính nước thải là nền tảng cho thiết kế và lựa chọn công nghệ xử lý hiệu quả, phù hợp điều kiện đô thị Việt Nam.
Đối với nước thải thu gom từ hệ thống thoát nước riêng, với đặc thù thành phần các chất hữu cơ và dinh dưỡng, công nghệ xử lý N và P bằng phương pháp sinh học có tính kinh tế và hiệu quả.
Hầu hết công nghệ sinh học cốt lõi được sử dụng tại các nhà máy xử lý nước thải đô thị hiện nay là bùn hoạt tính (Activated Sludge, AS). Theo Giáo sư Nguyễn Việt Anh (2024) và báo cáo của Ngân hàng thế giới (WorldBank, 2012), trong số hơn 80 nhà máy xử lý nước thải đô thị đã và đang xây dựng tại Việt Nam, hơn 70% các nhà máy áp dụng công nghệ bùn hoạt tính truyền thống (Conventional Activated Sludge, CAS) như Bình Hưng (TP.HCM), hoặc công nghệ bùn hoạt tính tích hợp pha (kỵ khí -) thiếu khí - hiếu khí ((Anaerobic) - Anoxic - Oxic, AAO) như Trúc Bạch, Kim Liên, Bắc Thắng Long (Hà Nội), Nam Viên; mương oxy hóa (OD), hồ sinh học được áp dụng tại một số địa phương như Buôn Mê Thuột, Bình Hưng Hòa (TP.HCM), Phú Mỹ Hưng, Sơn Trà, Hoa Cương, Phú Lộc và Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), Bắc Giang, Phan Rang-Tháp Chàm. Nhiều nhà máy sử dụng công nghệ bùn hoạt tính theo mẻ (Sequential Batch Reactor, SBR) để tối ưu hóa diện tích và quá trình vận hành như Yên Sở, Hồ Tây, Bảy Mẫu, Cầu Ngà, Vinhomes Ocean Park (Hà Nội), Bắc Giang-II, Bãi Cháy, Hà Khánh (Quảng Ninh). Công nghệ lọc sinh học (Biotrickling filter, BTF) chỉ được áp dụng ở số ít các nhà máy như Đà Lạt, Hà Thanh (Bình Định).
Thực tế, công nghệ bùn hoạt tính (AS) chiếm ưu thế ứng dụng hơn bởi hiệu quả xử lý chất hữu cơ và dinh dưỡng (N-P) cao, và hơn cả là có nhiều kinh nghiệp từ các nhà máy đã và đang vận hành hơn so với công nghệ lọc sinh học (BTF).
Về nguyên lý và khả năng tiếp nhận và xử lý nước thải, công nghệ lọc sinh học có khả năng kết hợp xử lý một phần N tốt hơn công nghệ bùn hoạt tính truyền thống (CAS); chi phí tiêu thụ năng lượng thấp; có khả năng linh hoạt với nước thải có nồng độ hữu cơ không cao; diện tích đất sử dụng ít, và quản lý vận hành đơn giản. Việc lựa chọn công nghệ xử lý nước thải phù hợp với đặc tính nước thải và điều kiện cụ thể của từng địa phương là rất quan trọng.
3.4. Tái sử dụng nước thải đô thị sau xử lý, xu hướng chiến lược và động lực phát triển
Trong bối cảnh khan hiếm tài nguyên nước do gia tăng dân số và biến đổi khí hậu, tái sử dụng nước thải đang dần trở thành một giải pháp chiến lược để đảm bảo an ninh nguồn nước và đáp ứng nhu cầu cung cấp nước toàn cầu.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, ngành nông nghiệp tiêu thụ đến 70% tổng lượng nước ngọt khai thác toàn cầu, và con số này có thể lên đến 90% ở các quốc gia thu nhập thấp (van Staveren et al., 2016, Anh et al., 2019a, Jones et al., 2021). Điều này gây áp lực lớn lên nguồn nước ngọt, đặc biệt tại các vùng khô hạn và bán khô hạn.
Tái sử dụng nước thải là quá trình thu gom, xử lý và sử dụng lại nước thải cho các mục đích có lợi như tưới tiêu, công nghiệp, hoặc phục hồi môi trường (Anh et al., 2019a, Anh et al., 2019b). Theo Jones et al. (2021), sản lượng nước thải toàn cầu đạt khoảng 359,4 tỷ m³/năm, nhưng chỉ 63% được thu gom và 52% (tương đương 188,1 tỷ m³/năm) được xử lý (Jones et al., 2021).
Trong đó, tỷ lệ nước thải được tái sử dụng trong nông nghiệp dao động từ 1,5% đến 20% (Sato et al., 2013). Ngoài cung cấp nguồn nước thay thế, nước thải tái sử dụng còn chứa các chất dinh dưỡng quan trọng như nitơ (N), phospho (P), kali (K), sắt (Fe), kẽm (Zn), đồng (Cu) và mangan (Mn) - giúp cải thiện độ phì nhiêu của đất và giảm nhu cầu phân bón hóa học (Sato et al., 2013, Bedbabis et al., 2014, Hardie et al., 2022, Xu and Yao, 2022).
Các quốc gia điển hình khan hiếm nguồn nước ngọt như như Mỹ, Hà Lan, Đan Mạch, Hàn Quốc, Singapore, Israel, Úc và Trung Quốc, đã áp dụng thành công mô hình tái sử dụng nước thải trong (Jazbec and Turner, 2018, Heurkens and Dąbrowski, 2020, Hajjar et al., 2025).
Mô hình hệ thống thoát nước riêng tại Buiksloterham (Amsterdam, Hà Lan) thu hồi nước mua, giảm chi phí năng lượng xử lý nước thải và khối tích công trình xử lý, tái sử dụng nước xám, giảm tiêu thụ tài nguyên (ước tính giảm 25% nhu cầu tài nguyên đến năm 2034).
Hơn nữa, phân tách và thu gom nước tiểu cho phép thu được 90% chất dinh dưỡng (nước tiểu là 1% của dòng nước thải nhưng chứa 85% nitơ, 50% photphat trong nước thải đô thị) (Gladek et al., 2015). Việc mở rộng mô hình này là một hướng đi quan trọng để đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030 (Economic and Affairs, 2016).
Tái sử dụng nước thải sau xử lý tại Việt Nam hiện đang ở giai đoạn khởi đầu, với nhiều tiềm năng nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức. Việc tái sử dụng nước thải chủ yếu tập trung vào các mục đích như tưới cây, rửa đường, và bổ sung nước cho hệ thống sông hồ, chưa được áp dụng rộng rãi cho tưới tiêu hoặc các mục đích có yêu cầu cao hơn như cấp nước sinh hoạt hay sản xuất công nghiệp (Anh et al., 2019a, Anh et al., 2019b, Quân et al., 2021).
Tại Buôn Mê Thuột, việc tái sử dụng nước thải sau xử lý để cấp nước tưới cây cà phê đang được chú trọng nhằm giải quyết vấn đề thiếu nước và bảo vệ môi trường. Trong lĩnh vực công nghiệp, một số doanh nghiệp lớn như Heineken Việt Nam đã triển khai mô hình tái sử dụng nước thải để giảm chi phí và bảo vệ môi trường (Anh et al., 2019b).
Tuy nhiên, việc áp dụng còn mang tính tự phát, chưa được quy định rõ ràng trong các quy hoạch và chính sách quốc gia. Để thúc đẩy tái sử dụng nước thải, cần có khung pháp lý chặt chẽ, tiêu chuẩn chất lượng nước tái sử dụng cụ thể cho từng mục đích sử dụng, và sự tham gia chủ động của các doanh nghiệp ngay từ giai đoạn thiết kế dự án.
4. Kết luận và kiến nghị
Việc nghiên cứu đặc tính nước thải đô thị từ hệ thống thoát nước riêng tại Đà Lạt đã chỉ ra rằng nước thải trong khu vực chủ yếu là nước thải sinh hoạt với thành phần ô nhiễm đặc trưng, bao gồm hàm lượng chất hữu cơ cao (COD, BOD₅) và các chất dinh dưỡng như nitơ (NH₄-N) và photpho (PO₄-P).
Các thông số này cho thấy nước thải ở Đà Lạt phù hợp với các phương pháp xử lý sinh học, đặc biệt là trong việc xử lý các chất hữu cơ và dinh dưỡng. Tỷ lệ COD/BOD₅ và tỷ lệ BOD₅/TSS, BOD₅/NH₄-N/PO₄-P cho thấy tính khả thi của việc sử dụng phương pháp sinh học để xử lý nước thải hiệu quả.
Tuy nhiên, các chỉ số như NH₄-N và PO₄-P cao hơn mức tải lượng khuyến cáo của tiêu chuẩn thiết kế, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của bể xử lý sinh học và cần phải được tính toán cẩn thận trong thiết kế và vận hành hệ thống xử lý.
Công tác đánh giá và giám sát chất lượng nước thải đầu vào là yếu tố quan trọng để xác định công nghệ xử lý phù hợp, từ đó đảm bảo hiệu quả xử lý và đáp ứng yêu cầu chất lượng nước sau xử lý. Kết quả nghiên cứu không chỉ đóng góp vào việc phát triển công nghệ xử lý nước thải bền vững, mà còn giúp nâng cao tỷ lệ thu gom và xử lý nước thải tại các đô thị, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
* Tít bài do Toà soạn đặt
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Các văn bản pháp quy:
[1]. QCVN 40:2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.
[2]. TCVN 7957:2023- Thoát nước - Mạng lưới và công trình bên ngoài - Tiêu chuẩn thiết kế;
Các bài báo và báo cáo khoa học:
[3]. Anh, N. V., Ứ. T. L. Chi, V. T. M. Thanh and N. T. My (2019a). Xử lý, tái sử dụng nước thải, NXB Xây dựng.
[4]. Anh, N. V., N. T. My, T. T. Hương and V. T. M. Thanh (2019b). "Kiểm soát ô nhiễm và tái sử dụng nước thải - nghiên cứu điển hình với ngành công nghiệp gang thép." Tạp chí Môi trường, Tổng cục Môi trường, Bộ TNMT I/2019: 21-26.
[5]. Bedbabis, S., B. Ben Rouina, M. Boukhris and G. Ferrara (2014). "Effect of irrigation with treated wastewater on soil chemical properties and infiltration rate." Journal of Environmental Management 133: 45-50.DOI: https://doi.org/10.1016/j.jenvman.2013.11.007.
[6]. Economic, U. N. D. o. and S. Affairs (2016). The Sustainable Development Goals Report 2016, United Nations.
[7]. Gladek, E., S. Van Odijk, P. Theuws and A. Herder (2015). Circular Buiksloterham, Transitioning Amsterdam to a Circular City.
[8]. Hạ, T. Đ., T. T. V. Nga and T. H. Sơn (2012). "Ứng dụng công nghệ AO-MBR để xử lý nước thải sinh hoạt Hà Nội." Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Viện KH&CN Việt Nam 50(2B): 40-47.
[9]. Hajjar, T., R. H. Mohtar, L. Abou Jaoude and S. F. Yanni (2025). "Treated wastewater reuse for irrigation in a semi-arid region." Science of The Total Environment 966: 178579.DOI: https://doi.org/10.1016/j.scitotenv.2025.178579.
[10]. Hardie, M., S. Green, G. Oliver, N. Swarts, B. Clothier, R. Gentile and D. Close (2022). "Measuring and modelling nitrate fluxes in a mature commercial apple orchard." Agricultural Water Management 263: 107410.DOI: https://doi.org/10.1016/j.agwat.2021.107410.
[11]. Heurkens, E. and M. Dąbrowski (2020). "Circling the square: Governance of the circular economy transition in the Amsterdam Metropolitan Area." European Spatial Research and Policy 27: 11-31.DOI: 10.18778/1231-1952.27.2.02.
[12]. Jazbec, M. and A. Turner (2018). Creating a circular economy precinct.
[13]. Jones, E. R., M. T. H. van Vliet, M. Qadir and M. F. P. Bierkens (2021). "Country-level and gridded estimates of wastewater production, collection, treatment and reuse." Earth Syst. Sci. Data 13(2): 237-254.DOI: 10.5194/essd-13-237-2021.
[14]. Metcalf and I. Eddy (1991). Wastewater engineering, Treatment, Disposal and Reuse. United States of America, McGraw-Hill, Inc.
[15]. Quân, N. V., T. T. H. Nga, P. T. Thúy and N. M. Khải (2021). "Xử lý nước thải sinh hoạt và tái sử dụng nước thải sau xử lý tại Việt Nam." Tạp chí Môi trường Chuyên đề Tiếng Việt I/2021.
[16]. Sato, T., M. Qadir, S. Yamamoto, T. Endo and A. Zahoor (2013). "Global, regional, and country level need for data on wastewater generation, treatment, and use." Agricultural Water Management 130: 1-13.DOI: https://doi.org/10.1016/j.agwat.2013.08.007.
[17]. Tran, D. H. (2002). Study on Wastewater treatment for brewery factories in Vietnam, Ministry of Education and Tranining. 2/2002.
[18]. Van Staveren, M. F., J. F. Warner and M. Shah Alam Khan (2016). "Bringing in the tides. From closing down to opening up delta polders via Tidal River Management in the southwest delta of Bangladesh." Water Policy 19(1): 147-164.DOI: 10.2166/wp.2016.029.
[19]. WorldBank (2012). Vietnam - Urban wastewater review: Performance of the wastewater sector in urban areas : a review and recommendations for improvement (English). East Asia and the Pacific region urban sanitation review. Washington DC.
[20]. Xu, Z. and L. Yao (2022). "Opening the black box of water-energy-food nexus system in China: Prospects for sustainable consumption and security." Environmental Science & Policy 127: 66-76.DOI: https://doi.org/10.1016/j.envsci.2021.10.017.
Các báo/website điện tử:
[21]. Tạp chí Môi Trường. (2022). Tuần hoàn, tái sử dụng nước thải sau xử lý trong công nghiệp – Tiềm năng và thách thức. Tạp chí Môi Trường. Truy cập từ https://tapchimoitruong.vn/wpm/nghien-cuu-23/tuan-hoan-tai-su-dung-nuoc-thai-sau-xu-ly-trong-cong-nghiep--tiem-nang-va-thach-thuc-28668
[22]. Tạp chí Môi trường (2023), Kinh nghiệm tái sử dụng nước thải ở các nước phát triển và công nghệ tái chế nước thải công nghiệp tại Việt Nam. Truy cập ngày 30.12.2023 từ https://tapchimoitruong.vn/chuyen-muc-3/kinh-nghiem-tai-su-dung-nuoc-thai-o-cac-nuoc-phat-trien-va-cong-nghe-tai-che-nuoc-thai-cong-nghiep-tai-viet-nam.
[23]. Thời báo Kinh tế Việt Nam (2023), Mỗi ngày, hơn 10 triệu mét khối nước thải chưa qua xử lý được thải ra môi trường. Truy cập ngày 30.12.2023 từ https://vneconomy.vn/chu-tich-hoi-cap-thoat-nuoc-moi-ngay-co-hon-10-trieu-m3-nuoc-thai-chua-qua-xu-ly-xa-ra-moi-truong-gay-o-nhiem.htm.
[24]. Tổng cục Thống kê Việt Nam. (2025). Thực trạng xử lý nước thải và bảo vệ môi trường tại Việt Nam - Kinh nghiệm từ Đan Mạch. GSO.gov.vn. Truy cập ngày 21.04.2025 từ https://www.gso.gov.vn/en/other-news/2025/01/the-status-of-wastewater-treatment-and-environmental-protection-in-vietnam-and-lessons-from-denmark.
[25]. World Bank, 2024. Vietnam needs $9B worth of water infrastructure investment: Truy cập ngày 21.04.2025 từ https://e.vnexpress.net/news/environment/vietnam-needs-9b-worth-of-water-infrastructure-investments-world-bank-4727773.html.