Dành quỹ đất xây dựng các cơ sở giáo dục khi quy hoạch khu đô thị mới

06:00 05/09/2024
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục rà soát, tổ chức, sắp xếp cơ sở giáo dục; dành quỹ đất xây dựng các cơ sở giáo dục khi quy hoạch khu đô thị mới.

Trên đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 04/9/2024 về việc tăng cường các điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024 - 2025.

Ngày khai giảng. Nguồn ảnh INT

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, giáo dục khuyết tật; điều chỉnh hợp lý quy mô lớp học; thu gọn các điểm trường lẻ, bảo đảm nguyên tắc thuận lợi nhất cho trẻ em, học sinh và người dân; phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền, địa phương.

Đồng thời tăng cường trách nhiệm quản lí nhà nước về lựa chọn, cung ứng, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục của địa phương theo đúng quy định, bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời số lượng sách giáo khoa cho năm học mới 2024 - 2025; có phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh diện chính sách, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm gắn với nâng cao chất lượng; đẩy mạnh tự chủ đại học, nhất là tự chủ về tài chính; tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học; đẩy mạnh mô hình đào tạo không vì lợi nhuận bậc đại học.

Rà soát, có giải pháp phù hợp, hiệu quả khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non. Tăng cường chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục rà soát, tổ chức, sắp xếp cơ sở giáo dục, giảm các điểm trường lẻ, tăng các trường bán trú, nội trú; dành quỹ đất xây dựng các cơ sở giáo dục khi quy hoạch khu đô thị mới.

Chú trọng phát triển các cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập ở khu vực đông dân cư, khu công nghiệp; tăng số trường bán trú và nội trú, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo; tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục thường xuyên.

Cùng với đó, tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; nghiên cứu có cơ chế, chính sách để thu hút giáo viên đến công tác và gắn bó lâu dài tại địa phương.

Vấn đề thiếu trường, thiếu lớp công lập ở các cấp học, từ bậc mầm non đến phổ thông trung học là thực trạng nhức nhối diễn ra nhiều năm nay.

Nhiều nơi, nhất là tại các đô thị lớn, bậc mầm non, trường mầm non công lập chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu, còn lại trẻ phải học ở trường tư thục. 

Bên cạnh vấn đề thiếu trường lớp của cấp mầm non và tiểu học, cấp trung học cơ sở ở nhiều đô thị cũng thiếu trường công một cách trầm trọng. 

Một ví dụ, theo thống kê, Hà Nội hiện có 174 dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô từ 2 ha trở lên, trong đó 55 dự án không quy hoạch bố trí trường học, 119 dự án có quy hoạch xây dựng 393 trường học. Tuy nhiên, đến nay mới hoàn thành xây dựng 117 trường học, chưa triển khai xây dựng 269 trường.

Theo quy định, một xã, phường nếu có từ 3.000 đến 5.000 dân thì phải có ít nhất một trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập, nhưng thực tế hiện nay một số phường ở đô thị lớn có hàng chục chung cư, khu đô thị, quy mô hàng chục nghìn dân nhưng trường công lập không được xây mới để đáp ứng quy mô này. 

Bình luận