TÓM TẮT:
Chương trình đào tạo ngành Quy hoạch tại Việt Nam đang đứng trước những thách thức do các thay đổi về công nghệ, kinh tế, môi trường, đặc biệt nhu cầu hội nhập. Do đó, mục tiêu của bài báo hướng đến xác định nhu cầu cốt lõi, các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, khung chương trình đào tạo ngành Quy hoạch, nhằm phù hợp tính linh hoạt đa quốc gia của thị trường lao động và các tiêu chuẩn quốc tế. Bài báo sử dụng phương pháp tổng hợp - phân tích - so sánh, phương pháp định lượng bằng thuật toán. Đề xuất đưa ra sẽ là tài liệu tham khảo cho công tác xây dựng chương trình đào tạo ngành Quy hoạch taị các cơ sở giáo dục
Từ khóa: Quy hoạch; chương trình đào tạo; toàn cầu hóa
ABSTRACT:
The construction/spatial planning education in Vietnam is facing challenges due to changes in technology, economy, environment, especially the need for globalization. Therefore, the goal of the article is to identify core needs, general and specific goals, and curriculum framework, in order to match with the multinational flexibility of the labor market and international standards. The article uses methods of synthesis - analysis - comparison, quantitative method. The proposals will be a reference document for the development of curiculumn for Planning educational institutions.
Keywords: Urban planning; curriculum; globalization
1. TỔNG QUAN ĐÀO TẠO NGÀNH QUY HOẠCH TẠI VIỆT NAM THEO ĐỊNH HƯỚNG HỘI NHẬP QUỐC TẾ
Đào tạo ngành Quy hoạch Vùng và đô thị tại Việt Nam chính thức được bắt đầu từ những năm 1990, các chương trình đào tạo ngành quy hoạch tại Việt Nam không chỉ tập trung vào việc đào tạo Kiến trúc sư phục vụ cho công tác phát triển không gian đô thị, mà còn mở rộng và đa dạng hóa, bao gồm cả các chương trình đào tạo về quản lý đô thị, quy hoạch hạ tầng, cảnh quan,...
Từ những năm 2000 trở đi, đào tạo ngành quy hoạch tại Việt Nam tiếp tục được cải tiến và phát triển. Các chương trình đào tạo đã được thích nghi với các thay đổi về công nghệ, kinh tế và môi trường. Đặc biệt, các chương trình đào tạo đang được nâng cao và thay đổi để đáp ứng với yêu cầu của thị trường lao động và các tiêu chuẩn quốc tế.
Ngành Quy hoạch Vùng và đô thị (thuộc Khoa Kiến trúc và Quy hoạch) là một trong những ngành được đào tạo tại Trường Đại học Xây dựng, khởi nguồn từ sự thành lập của Bộ môn Quy hoạch thuộc trường Đại học Bách khoa vào năm 1961.
Năm 2009, Ngành Quy hoạch Vùng và đô thị được chính thức thành lập, tuyển sinh khóa sinh viên Quy hoạch đầu tiên.
Năm 2019, bổ sung thêm chuyên ngành Quy hoạch Kiến trúc, và thạc sỹ Quản lý và Phát triển không gian đô thị. Chương trình đào tạo đại học và sau đại học được thiết kế trên quan điểm tăng tính liên thông giữa các ngành, tăng tính liên ngành - nền tảng rộng trong từng chương trình, có kiến thức, kỹ năng quy hoạch vững chắc, thái độ linh hoạt đáp ứng bối cảnh xã hội trong thời kỳ Công nghệ số và Toàn cầu hóa.
Chương trình đào tạo cử nhân và kiến trúc sư đã được xây dựng bao gồm các môn học cung cấp nền tảng rộng bao trùm các lĩnh vực gần như kiến trúc, cảnh quan, môi trường, hạ tầng, các kiến thức chuyên sâu về Quy hoạch bao gồm Lý thuyết quy hoạch, Thiết kế đô thị, Quy trình và phương pháp quy hoạch,… cung cấp kỹ năng thông qua hệ thống đồ án được xây dựng theo các loại hình đồ án quy hoạch xây dựng tại Việt Nam, các chuyên đề, và thực tập.
Mặc dù đã bao phủ nội dung chuyên môn rộng và sâu, tuy nhiên đứng trước ngưỡng cửa hội nhập, đòi hỏi chương trình đào tạo ngành Quy hoạch Vùng và đô thị cần có những đổi mới, là nền tảng cho các chương trình trao đổi và giao lưu quốc tế sau này.
Bài báo được thực hiện dựa trên kinh nghiệm làm việc 5 năm trong xây dựng chương trình đào tạo.
Mục tiêu của bài báo:
- Tổng quan các yêu cầu để hội nhập của chương trình đào tạo ngành quy hoạch
- Đề xuất Mục tiêu chương trình
- Phân tích Chuẩn đào tạo ngành quy hoạch PAB của Ủy ban đánh giá các chương trình Quy hoạch tại Bắc Mỹ
- Đề xuất Khung chương trình đào tạo cho nhóm các kiến thức thuộc cơ sở ngành và chuyên ngành Quy hoạch.
Các phương pháp thực hiện bao gồm: phương pháp tổng hợp - phân tích - so sánh, phương pháp định lượng sử dụng thuật toán thống kê.
2. NỘI DUNG
2.1. Yêu cầu Quốc tế hóa
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, gần đây các trao đổi về mục tiêu và nội dung khóa học quy hoạch đã tăng lên rất nhiều. Sự công nhận lẫn nhau giữa các chương trình đào tạo tại các quốc gia khác nhau là nhân tố mới thúc đẩy khả năng di chuyển của sinh viên sau tốt nghiệp.
Toàn cầu hóa và sự linh hoạt di chuyển đòi hỏi sinh viên quy hoạch cần được đào tạo để tôn trọng và có trách nhiệm bảo vệ các nền tảng văn hóa khác nhau, có trách nhiệm xã hội, có khả năng đọc hiểu và tuân thủ khung pháp lý, quy trình phê duyệt của địa phương, kiến tạo bản sắc địa phương. [1]
2.2. Yêu cầu Công nhận tín chỉ giữa các trường đại học
Nguyên tắc công nhận lẫn nhau có nghĩa các trường/viện đào tạo khác nhau công nhận chương trình của nhau, điều đó dẫn đến việc các trường/ viện này xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá của một khung thống nhất.
Công nhận tín chỉ tương đương cũng đặt ra vấn đề linh hoạt do các trường/ viện đại học khác nhau có thể bố trí số lượng tín chỉ khác nhau cho cùng một môn. Tuy nhiên các đồ án giữa các cơ sở giáo dục khác nhau cần có cùng số tín chỉ. Việc công nhận tín chỉ tương đương sẽ khuyến khích và tăng tính sẵn sàng trong hoạt động giao lưu/ trao đổi của giảng viên và sinh viên. [1,2]
2.3. Yêu cầu thống nhất nội dung cốt lõi của các chương trình
Nhiều khóa học Cử nhân và Thạc sỹ gần đây đã chú trọng vào một khía cạnh đặc biệt trong đào tạo học thuật và thực hành quy hoạch đô thị như các khóa học về Đô thị bền vững, Đô thị thông minh, Biến đổi khí hậu. Điều này thúc đẩy sự đa dạng trong lĩnh vực chuyên môn quy hoạch đô thị.
Tuy nhiên, chương trình phải đảm bảo giáo dục toàn diện các năng lực cốt lõi, dẫn đến cần có sự tương đương trong môn học và nhóm kiến thức nền tảng. Do đó các chương trình giảng dạy quy hoạch cần có sự nhất quán trong việc cung cấp kiến thức cốt lõi để đảm bảo thực hành nghề nghiệp của các nhà quy hoạch đô thị và trách nhiệm xã hội, khả năng cân bằng lợi ích công tư. [1]
2.4. Yêu cầu Định hướng nghề nghiệp.
Sinh viên Quy hoạch sau khi ra trường có thể làm việc trong các cơ quan nhà nước, công ty tư nhân, hoặc tự mở công ty riêng. Quy hoạch đô thị lấy mục tiêu là phát triển và tổ chức môi trường kiến trúc cảnh quan đô thị, tạo ra các đô thị đáng sống, trong đó phải tính đến lợi ích công tư, phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu hiện tại của người dân, có tầm nhìn cho tương lai. Quy hoạch đô thị cũng cần tính đến sự tham gia của các chủ thể khác nhau.
Sinh viên Quy hoạch bên cạnh các nội dung về kỹ thuật, cần nắm được các yêu cầu xã hội, kinh tế, sinh thái, văn hóa, các quy định pháp lý
Quy hoạch đô thị cần được nhìn nhận như một hoạt động dài hạn, liên tục, được hướng dẫn bởi quy trình, bao gồm nhiều quy mô khác nhau, từ quy mô bất động sản tại khu vực nhỏ, đến quy mô quốc gia.
Các nhà quy hoạch đô thị làm việc trong nhiều lĩnh vực bao gồm các lĩnh vực trực tiếp (thiết kế đô thị, quy hoạch sử dụng đất, cải tạo và chỉnh trang đô thị, tái phát triển đô thị,…) và các lĩnh vực liên quan như quản lý đô thị, tham gia, thẩm định, cân bằng lợi ích trong quy trình thực hiện quy hoạch.
Các mục tiêu sau đây phải được xác định rõ ràng khi xây dựng chương trình:
- Mục tiêu của sinh viên là gì, cần xem xét đến khả năng xin việc và phát triển cá nhân.
- Chương trình phù hợp với thực tế thực hành nghề nghiệp như thế nào
- Sự khác biệt/ nổi bật của chương trình so với các trường/ việc khác
- Chương trình đã có các chủ đề đặc biệt hoặc tính đặc thù của chương trình [1]
2.5. Mục tiêu chung về năng lực và trình độ
Một trong những yêu cầu cơ bản của quy hoạch đô thị là cân bằng lợi ích giữa các bên. Quy hoạch đô thị có thể coi như một công cụ cho các chính sách tìm kiếm sự tương thích xã hội và giải quyết xung đột. Cùng với kiến thức và kỹ năng chuyên môn, năng lực cần thiết trong thực hiện quy trình quy hoạch là khảo sát, đánh giá, cân đối các vấn đề.
Quá trình học phải chuẩn bị cho sinh viên các năng lực này, trong đó việc cân đối các vấn đề đòi hỏi kiến thức toàn diện về thực thể xã hội, khả năng chuyển đổi thành các quan điểm cá nhân, lập kế hoạch phù hợp. Do đó, các nội dung sau đây cần được coi là các nội dung cơ bản:
- Khả năng phân tích dựa trên các luận cứ
- Khả năng lên ý tưởng và đưa ra giải pháp
- Khả năng để đàm phàn với các bên liên quan
Sinh viên cần được giảng dạy để:
- Nhận diện được hiện trạng không gian có tính đến các vấn đề sinh thái, kinh tế, xã hội, kiến trúc, văn hóa, kỹ thuật; phân tích và đánh giá dựa trên các tiêu chuẩn nghề nghiệp và tiềm năng phát triển
- Nhận diện được các vấn đề và đưa ra phương án sử dụng đất điều hòa lợi ích các bên, có tính đến phát triển không gian sáng tạo, đột phá
- Nhận diện được mối tương quan liên ngành và giới hạn năng lực chuyên môn, quản lý các vấn đề khoa học, tự định hướng và hợp tác
- Giải pháp linh hoạt thông qua các phương pháp chính thống và phi chính thống, thực hành các ý tưởng về không gian tự tin, có cấu trúc, có tính tích hợp
- Cởi mở với những nhiệm vụ và thách thức mới, khả năng tích hợp với chuyên ngành gần và liên quan trong thực hành quy hoạch, luôn sẵn sàng với các biến động trong đô thị [2,3]
2.6. Chuẩn đào tạo của Ủy ban đánh giá chương trình Quy hoạch Bắc Mỹ (PAB)
Các chuẩn đào tạo về quy hoạch trên thế giới thường được thiết lập bởi các tổ chức và hiệp hội chuyên ngành trong lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch. Hai hệ thống chuẩn đào tạo phổ biến trên thế giới là của Mỹ và châu Âu, bao gồm: Chuẩn đào tạo của Ủy ban đánh giá chương trình đào tạo ngành Quy hoạch (Planning Accrediation Board - PAB) - Bắc Mỹ, và Chuẩn đào tạo của Viện Quy hoạch Hoàng gia, Chuẩn đào tạo AESOP, châu Âu.
Trong khi các chuẩn đào tạo ngành quy hoạch của châu Âu chú trọng vào bảo tồn và tôn trọng giá trị văn hóa địa phương, chuẩn đào tạo của Bắc Mỹ đề cập đến các khía cạnh phát triển [2,3]. Do đó, bài báo lựa chọn Chuẩn đào tạo của Bắc Mỹ PAB để tham chiếu.
Sứ mệnh của Ủy ban đánh giá chương trình đào tạo ngành Quy hoạch (Planning Accrediation Board) - Bắc Mỹ là phát triển các chương trình đào tạo ngành quy hoạch và đảm bảo chất lượng cho nguồn nhân lực KTS Quy hoạch trong tương lai. PAB đã đưa ra các giá trị cần thiết lập và khung kiến thức - kỹ năng như sau:
- Giá trị: Chương trình đào tạo ngành quy hoạch phải đưa các giá trị sau vào nguyên tắc xây dựng và đảm bảo các giá trị sau được hình thành trong chương trình:
Công bằng, Đa dạng, Công bằng xã hội, Hòa nhập: vai trò các nhà quy hoạch trong mở rộng lựa chọn và cơ hội cho tất cả các thành phần tham gia, có tính đến các nhóm yếu thế, giảm bất bình đẳng xã hội, thúc đẩy bình đẳng xã hội và kinh tế
Tính bền vững, khả năng phục hồi, công bằng khí hậu: các yếu tố về chính trị và xã hội đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng, giảm các yếu tố bất lợi gây nên biến đổi khí hậu, tạo dựng tương lai công bằng và thích ứng biến đổi khí hậu
Trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp: các vấn đề chính của đạo đức quy hoạch và các câu hỏi liên quan đến sự tham gia cộng đồng.
- Kiến thức và Kỹ năng: Chương trình cần bao gồm các nội dung sau:
Kiến thức chung trong bối cảnh toàn cầu hóa: Lý thuyết Quy hoạch và Lịch sử Quy hoạch, Luật Quy hoạch và các cơ quan pháp lý, Phát triển đô thị và nông thôn
Kỹ năng thực hiện quy hoạch: bao gồm Quy trình và Phương pháp thực hiện Quy hoạch, Kỹ năng và công cụ phân tích, Kỹ năng lãnh đạo và trao đổi.
PAB hiện đã đánh giá 93 chương trình đào tạo quy hoạch trên khắp các bang Bắc Mỹ. [3]
2.7. Khung chương trình đào tạo theo nhóm kiến thức và kỹ năng theo chuẩn PAB
Thông qua 15 chương trình đào tạo Cử nhân đã được Ủy ban đánh giá chương trình đào tạo ngành Quy hoạch (PAB) - Bắc Mỹ công nhận, kết hơp với các yêu cầu của chương trình đào tạo quy định bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo, bằng phương pháp sử dụng thuật toán thống kê, bài báo đã tổng hợp được số tín chỉ tối thiểu của các nhóm kiến thức như sau:
Nhóm kiến thức chung:
- Mục đích và ý nghĩa của quy hoạch: 3 tín chỉ
- Lý thuyết Quy hoạch: 8 tín chỉ
- Hệ thống pháp lý ngành: 2 tín chỉ
- Lịch sử định cư và lịch sử quy hoạch: 4 tín chỉ
- Khả năng dự báo và xây dựng tầm nhìn: 2 tín chỉ
- Tính toàn cầu trong Quy hoạch: 5 tín chỉ
Kiến thức hành nghề - Kỹ năng Quy hoạch:
- Kỹ năng nghiên cứu: 3 tín chỉ
- Kỹ năng đồ họa: 10 tín chỉ
- Kỹ năng viết và thuyết trình: 2 tín chỉ
- Phương pháp nghiên cứu đô thị: 5 tín chỉ
- Lập và triển khai quy hoạch: 11 tín chỉ
- Quy trình Quy hoạch: 2 tín chỉ
- Kỹ năng lãnh đạo: 8 tín chỉ
Giá trị và đạo đức hành nghề:
- Tính đa dạng và công bằng xã hội: 4 tín chỉ
- Quản lý nhà nước và sự tham gia các bên: 2 tín chỉ
- Phát triển bền vững và đảm bảo chất lượng môi trường: 5 tín chỉ
- Tăng trưởng và phát triển kinh tế: 5 tín chỉ [3,4]
3. KẾT LUẬN
Các chương trình đào tạo ngành Quy hoạch tại Việt Nam đang được thay đổi để thích nghi với những biến đổi về công nghệ, kinh tế, môi trường, trong đó đặc biệt chú trọng đến khía cạnh Toàn cầu hóa và nhu cầu hội nhập quốc tế.
Tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội trong những năm qua cũng đã và đang tiến hành nghiên cứu, cải tiến chương trình theo hướng hội nhập, tăng tính liên thông giữa các chương trình, tăng tính liên ngành, cung cấp các chủ đề chuyên sâu đáp ứng các thách thức đương đại.
Bài báo đã tổng quan được 4 yêu cầu: Yêu cầu về quốc tế hóa, Yêu cầu công nhận tín chỉ giữa các trường Đại học, Yêu cầu hình thành nền tảng cốt lõi của chương trình, Yêu cầu về định hướng nghề nghiệp. Đối với mục tiêu của chương trình, bài báo đã tổng hợp và đưa ra Mục tiêu chung và Mục tiêu cụ thể.
Đối với lựa chọn chuẩn đào tạo, bài báo đã đi sâu và Chuẩn đánh giá của chương trình quy hoạch Bắc Mỹ (PAB), đưa ra 3 giá trị cốt lõi, 3 nhóm kiến thức chung, 3 nhóm kỹ năng. Bài báo cũng đưa ra nhóm kiến thức và định lượng tín chỉ cho các nhóm kiến thức.
Các nội dung của bài báo là tài liệu tham khảo cho công tác xây dựng chương trình đào tạo. Các nội dung này cần được bàn thảo, kết hợp với các yêu cầu đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết hợp với thực tiễn phát triển đô thị của Việt Nam để hình thành chương trình đào tạo ngành quy hoạch, góp phần đào tạo các Kiến trúc sư Quy hoạch phục vụ cho công tác quy hoạch xây dựng, phát triển đất nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Association of European Schools of Planning (AESOP), “Excellence in Planning Education: Local, European & Global Perspective”, 2015. [Online]. Available at: https://archive.ectp-ceu.eu/
[2]. Akkreditierungsverbund für Studiengänge der Architektur und Planung (ASAP), “Criteria for the Accreditation of Courses of Study in Urban Planning/ Spatial Planning- 4th Edition”, 2014. [Online]. Available at: https://www.asap-akkreditierung.de/images/dokumente/
[3]. Planning Accreditation Board (PAB), “PAB Accreditation Standard and Criteria”, 2022. [Online]. Available at: https://www.planningaccreditationboard.org/standards-review/
[4]. Bộ Giáo dục và Đào tạo, “Thông tư số 17/2021/TT-BGDDT của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Quy định về chuẩn chương trình đào tạo, xây dựng, thẩm định, và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học “, 2021. [Online]. Available at:: Cổng thông tin điện tử Chính phủ http://chinhphu.vn.