Sản phẩm nội nhưng chất lượng ngoại
Chia sẻ tại hội nghị, ông Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết, sở đã tiếp nhận danh mục khoảng 400 sản phẩm, linh kiện công nghiệp hỗ trợ của hơn 20 doanh nghiệp FDI đưa đến trước thềm hội nghị. Trên cơ sở đó, sở đã làm việc với 200 doanh nghiệp trong nước, sắp xếp 300 cuộc kết nối trực tiếp để các bên có thể trao đổi nhu cầu đơn hàng với nhau.
Trước đó, có hơn 1.330 cuộc kết nối cung ứng đơn hàng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đã được sở và các đơn vị liên quan thực hiện và đã có 370 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh thành khác tham gia cung ứng sản phẩm vào chuỗi cung ứng toàn cầu của 96 doanh nghiệp FDI sản xuất sản phẩm đầu cuối.
Ông Kazutomi Miura, đại diện Tập đoàn Takara Nhật Bản, cho biết, đây là lần đầu tiên tập đoàn tham gia tìm kiếm trực tiếp nhà cung ứng sản phẩm công nghiệp cho sản phẩm gia dụng. Trước đó, tập đoàn đã nhận cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ từ 3 doanh nghiệp Việt Nam cho các sản phẩm nguyên liệu là nhôm đúc và ép nhựa. Sản phẩm của các công ty được sử dụng cho 2 nhà máy tại Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, trong xu hướng mở rộng năng lực sản xuất nên công ty kỳ vọng sẽ có thể tìm kiếm nhiều hơn những nhà cung ứng khác.
Ông Kazutomi Miura nhận xét, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe nhất của doanh nghiệp Nhật Bản; giá thành ngày càng cải thiện theo hướng cạnh tranh hơn so với sản phẩm cùng loại đang sản xuất tại Nhật Bản, Trung Quốc. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt còn yếu trong năng lực quản trị doanh nghiệp để duy trì ổn định chất lượng hàng hóa.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp như Công ty TNHH Sharp Manufacturing Vietnam, Công ty TNHH Won Seal Tech, Công ty CP Trung Nam Electronics Manufacturing Service, Công ty TNHH Konica Minolta… đã “săn” được nhiều nhà cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt cho chuỗi cung ứng. Tuy quy mô cung ứng của các doanh nghiệp Việt còn hạn chế nhưng chất lượng sản phẩm đã tiệm cận tiêu chuẩn toàn cầu. Việc chọn doanh nghiệp Việt đưa vào chuỗi cung ứng là giải pháp để “nuôi dưỡng” nguồn cung ứng và giúp hoạt động sản xuất tại Việt Nam bền vững hơn.
Ngăn đứt gãy chuỗi cung ứng
Bà Trương Thị Thu Trâm, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH In ấn Minh Mẫn, cho biết, năng lực cung ứng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vào chuỗi cung ứng toàn cầu không còn là vấn đề đáng ngại với doanh nghiệp Việt. Vấn đề lo ngại là doanh nghiệp Việt còn thiếu sự liên kết để tạo thành chuỗi, cụm chi tiết đa linh kiện nhằm đáp ứng xu hướng đơn đặt hàng mới cho doanh nghiệp nước ngoài.
Đơn cử ngay khi Tập đoàn Hòa Phát “manh nha” đầu tư dự án sản xuất container thì những doanh nghiệp nước ngoài đã chủ động tiếp cận và bàn giải pháp cung ứng trọn gói nguyên vật liệu sản xuất ra thành phẩm. Và để làm được vậy, không chỉ có doanh nghiệp cung ứng kim loại mà còn có tổng thể các doanh nghiệp cung ứng sơn, nhãn mác, in ấn… Đây chính là một trong những “cái khó” mà cho đến nay, doanh nghiệp Việt chưa thể thực hiện được.
Bên cạnh đó, tình trạng phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu sản xuất đang là nguyên nhân chính đẩy doanh nghiệp nội địa có nguy cơ mất chỗ đứng trên sân nhà. Theo bà Trương Thị Thu Trâm, có những đơn hàng mà dù doanh nghiệp Việt chào bằng giá vốn cũng không thấp bằng các doanh nghiệp nước ngoài chào giá. Nguyên nhân là các doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế nguồn nguyên liệu sản xuất ở nước sở tại, còn doanh nghiệp Việt phải nhập khẩu nguyên liệu nên chi phí giá thành khó cạnh tranh hơn.
Trước thực tế trên, đại diện nhiều doanh nghiệp nước ngoài cho rằng, doanh nghiệp trong nước cần phải duy trì ổn định chất lượng sản xuất, nâng cao năng lực quản trị và gia tăng đầu tư cho công nghệ sản xuất. Theo đó, cần phải tăng tỷ lệ tự động hóa trong sản xuất tối đa để kéo giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Về các doanh nghiệp nước ngoài, chiến lược gia tăng tỷ lệ nội địa hóa chuỗi cung ứng vẫn là chiến lược sống còn, kinh nghiệm này xuất phát từ hoạt động đứt gãy chuỗi cung ứng trong 2 năm đại dịch Covid-19. Do vậy, doanh nghiệp Việt nếu có năng lực cung ứng tốt vẫn có thị phần nhất định trong chuỗi cung ứng.
“Trong xu hướng hiện nay, doanh nghiệp nước ngoài sẽ rút ngắn quy trình sản xuất, giảm dung sai cho sản phẩm nên sẽ ưu tiên lựa chọn các sản phẩm đa chi tiết hóa. Do đó, các doanh nghiệp trong nước cần có sự liên kết để tự nâng cao năng lực cung ứng, cần thiết phải thành lập chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đa chi tiết tương ứng cho nhà cung ứng cấp 1, 2. Có như vậy khả năng cạnh tranh và duy trì đơn hàng cũng như gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp đầu cuối mới trở nên dễ dàng”, bà Sabrina Ánh Trần, đại diện Tập đoàn TTI, nhấn mạnh.
- TS Đoàn Văn Công, Giám đốc đào tạo Quy chuẩn Việt Nam:
Thúc đẩy xanh hóa sản xuất
Ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh về giá, doanh nghiệp Việt cần gia nhập “luật chơi mới về môi trường”. Năm 2019, nhóm 500 tập đoàn lớn có khả năng chi phối hoạt động sản xuất trên toàn cầu bắt tay cam kết thực hành sản xuất xanh trong chuỗi cung ứng toàn cầu của mình. Điều này đã tạo ra xu hướng đặt mục tiêu khí hậu của các doanh nghiệp lớn trong chuỗi cung ứng, đáp ứng yêu cầu mới về thuế biên giới carbon, thuế về khí thải tại Việt Nam, tăng thương hiệu về thân thiện môi trường, góp phần tham gia vào thị trường mới… Doanh nghiệp Việt buộc sẽ phải sớm chuyển mình, xanh hóa sản xuất nếu không muốn đứng ngoài cuộc chơi.
- Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP.HCM:
Sớm tái lập chương trình hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp
Có đến hơn 90% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do vậy, vốn và công nghệ là 2 yếu tố khó khăn để doanh nghiệp có thể cải thiện năng lực sản xuất của mình. Trong những năm qua, TPHCM đã liên tục triển khai chương trình kích cầu. Theo đó, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sẽ được hỗ trợ 70%/tổng giá trị dự án đầu tư và được bù lãi suất vay tối đa. Hiện nay, theo Nghị quyết 98 chương trình đang được khởi động theo hướng thuận lợi và mở rộng hơn nữa cho các doanh nghiệp, dự kiến mức vốn vay tối đa được hỗ trợ lãi suất là 200 tỷ đồng…
Đối tượng tham gia, ngoài những doanh nghiệp nằm trong chương trình kích cầu trước đây, sẽ mở rộng thêm cho tổ chức kinh tế được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, hợp tác xã, các đơn vị sự nghiệp công lập. Cùng với đó, các dự án được xét duyệt hỗ trợ lãi suất kích cầu đầu tư cũng được bổ sung thêm như: dự án khởi nghiệp; dự án chuyển đổi số; dự án đầu tư xây dựng các trạm quan trắc chất lượng nước, không khí tại các khu công nghiệp, khu dân cư; dự án đầu tư phục vụ việc phát triển hạ tầng logistics… Đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, từng bước gia nhập sâu chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất sản phẩm đầu cuối.
- Ông HYUN WOO CHU, đại diện Công ty TNHH Innomotive:
Việt Nam là thị trường tiềm năng phát triển sản phẩm xanh
Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn để phát triển dòng sản phẩm xanh, nhất là trong lĩnh vực giao thông vận tải. Thống kê cho thấy, Việt Nam có nhu cầu tiêu dùng dòng sản phẩm xe thân thiện môi trường lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, nội lực cung ứng sản phẩm xe thân thiện môi trường bao gồm xe máy, ô tô, xe đạp và các phương tiện giao thông xanh khác của Việt Nam còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp của Việt Nam chưa thực sự đầu tư sản xuất dòng sản phẩm này. Do vậy, cùng với việc tăng cường tìm kiếm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để sản xuất dòng xe thân thiện môi trường toàn cầu, doanh nghiệp Hàn Quốc cũng gia tăng cơ hội đầu tư sản xuất sản phẩm này tại Việt Nam để khai thác tiềm năng này. Ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cần chủ động có kế hoạch đầu tư sản xuất sản phẩm linh kiện nói trên.
Ái Vân
Nguồn: Báo SGGP