Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Nghị định số 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2023.
Theo đó, Nghị định số 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 43/2014/NĐ - CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
Cụ thể, Nghị định này bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ cho công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú, du lịch theo quy định của pháp luật về du lịch trên đất thương mại, dịch vụ.
“Đối với công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch theo quy định của pháp luật về du lịch trên đất thương mại, dịch vụ nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng, pháp luật về kinh doanh bất động sản thì được chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ” - Nghị định số 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định.
Thời hạn sử dụng đất theo quy định tại khoản 3 Điều 126, khoản 1 Điều 128 của Luật Đất đai. Đồng thời, chủ sở hữu công trình xây dựng này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về xây dựng, kinh doanh bất động sản (BĐS).

Bên cạnh đó, Nghị định số 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định, trình tự, thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng trong các dự án phát triển nhà ở và trong các dự án kinh doanh BĐS không phải dự án phát triển nhà ở.
Cụ thể, sau khi hoàn thành công trình, chủ đầu tư có trách nhiệm gửi Sở Tài nguyên và Môi trường các giấy tờ như: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính của chủ dự án, trường hợp có thay đổi nghĩa vụ tài chính thì phải nộp chứng từ chứng minh việc hoàn thiện nghĩa vụ tài chính đối với sự thay đổi đó (trừ trường hợp được miễn hoặc chậm nộp theo quy định của pháp luật).
Mặt khác, chủ đầu tư phải nộp, sơ đồ nhà, đất đã xây dựng là bản vẽ mặt bằng hoàn công hoặc bản vẽ thiết kế mặt bằng có kích thước các cạnh của từng căn hộ đã bán phù hợp với hiện trạng xây dựng và hợp đồng đã ký; giấy phép xây dựng (nếu có);
Bản vẽ thiết kế, thông báo cho phép chủ đầu tư nghiệm thu hạng mục công trình, danh sách các tài sản gồm các thông tin tên của tài sản, diện tích đất, diện tích xây dựng sử dụng chung, sử dụng riêng của từng tài sản...
Theo số liệu được Hiệp hội BĐS TP.HCM thống kê và công bố gần đây cho thấy, đến cuối năm 2022, cả nước có khoảng 83.000 căn hộ khách sạn, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng (Condotel), văn phòng lưu trú (officetel) chờ "sổ hồng". Đa phần thuộc các khu du lịch nghỉ dưỡng, sử dụng quỹ đất thương mại, dịch vụ có thời hạn 50 - 70 năm.
Trong khi đó, số liệu từ Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM vừa công bố cho biết, TP.HCM hiện có 10.019 căn officetel, shophouse chưa được cấp giấy chứng nhận.
Nguyên nhân được chỉ rõ, đây là loại hình BĐS mới mà pháp luật đất đai không quy định về các loại hình bất động sản này. Do đó, vướng mắc về pháp lý này khiến người mua condotel luôn ở vào thế bị động.
Vì vậy, quy định mới này đã tháo gỡ nút thắt pháp lý cho doanh nghiệp và người mua căn hộ condotel, officetel, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng và những công trình khác phục vụ lưu trú, du lịch trên đất thương mại, dịch vụ.