Những quan điểm khác nhau
Tại cuộc họp thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), diễn ra chiều 26/10, có một số ý kiến của ĐBQH quan tâm đến các vấn đề liên quan hình thức sử dụng đất đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp thống nhất với Tờ trình của Chính phủ đã đề xuất thêm hai phương án với quy định cho phép người sử dụng đất đang có quyền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không hạn chế các loại đất, được chủ động thực hiện dự án phát triển nhà ở thương mại phù hợp với quy hoạch sử dụng đất theo các quy định của pháp luật về đầu tư. Vì hai loại đất này là hợp lý trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.
Những người có quyền sử dụng đất và chuyển quyền sử dụng đất đã nộp và làm nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách nhà nước, nếu xây dựng nhà ở thương mại thì cũng nên cho phép người ta xây dựng. Vì khi xây dựng nhà ở thương mại, ngoài lợi ích từ việc chủ đầu tư bán nhà cho người dân có lợi nhuận thì nhà nước cũng có thêm lợi nhuận từ việc thu tiền sử dụng đất, ngoài ra còn thu những khoản thuế khác.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, nếu hạn chế quyền này thì sẽ không công bằng đối với những người có quyền sử dụng đất và đã nộp tiền sử dụng đất.
Trong khi đó, đại biểu Khương Thị Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định đề nghị giữ nguyên quy định về các loại đất làm dự án nhà ở thương mại như Luật Nhà ở hiện hành, gồm có quyền sử dụng đất ở và đất khác, nhận chuyển quyền sử dụng đất ở.
Theo đại biểu Khương Thị Mai, để chống thất thu ngân sách nhà nước các loại đất khác được làm dự án nhà ở thương mại, cần thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Không nên quy định hai trường hợp có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở đã nộp tiền sử dụng đất hoặc nộp tiền sử dụng đất, trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đề nghị cân nhắc lại phương án của Chính phủ vì liên quan đến các đối tượng đã có những quyền sử dụng đất là đất phi nông nghiệp thì việc thu hồi lại sẽ xử lý thế nào?
Nên chăng quy định thêm một chế tài về việc thu chênh lệch địa tô cho việc chuyển đổi từ đất phi nông nghiệp sang đất ở thì nhà nước vẫn thu được và vẫn bảo đảm phát triển các dự án, các nhà đầu tư có đất phát triển được nhà ở thương mại. Điểm này cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ để có những quyết định chính xác.
Sẽ được điều chỉnh trong Luật Đất đai (sửa đổi)
Báo cáo giải trình, làm rõ thêm nội dung một số vấn đề lớn liên quan đến dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm UBPLQH Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua các ý kiến phát biểu của các ĐBQH cho thấy một số đại biểu thể hiện quan điểm khác nhau.
Có ý kiến đồng tình với phương án mà UBTVQH đề xuất, kế thừa quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở hiện hành với 3 hình thức để làm dự án nhà ở thương mại: Đất ở, đất hỗn hợp (trong đó có đất ở và đất khác) và nhận chuyển nhượng đất ở.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đồng tình với phương án của Chính phủ và có mở rộng thêm quy định.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm UBPLQH Hoàng Thanh Tùng, liên quan đến hình thức sử dụng đất đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại là nội dung rất quan trọng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai, có liên quan đến phát triển nhà ở thương mại trong Luật Nhà ở. Nội dung này sẽ được điều chỉnh trong Luật Đất đai (sửa đổi).
UBTVQH đề nghị các quy phạm phải bám sát Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai trong việc xử lý vấn đề này.
Đồng thời, phải bảo đảm quy định chặt chẽ, tránh sơ hở, dẫn đến thất thu ngân sách do chênh lệch địa tô khi cho phép chuyển các loại đất khác không phải đất ở sang làm dự án nhà ở thương mại.