Đầu tư công phải 'kích' được vốn tư nhân

Báo cáo về vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước 4 tháng 2024 từ Bộ Tài chính, tỷ lệ vốn đầu tư công ước 4 tháng đầu năm là 115.906,9 tỷ đồng, đạt 17,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Như vậy, tỷ lệ giải ngân ước 4 tháng của cả nước tăng so với cùng kỳ năm 2023, trong đó đầu tư công gia tăng cả về tốc độ và quy mô trong bối cảnh đầu tư tư nhân chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ. Ngay trong quý I/2024, tốc độ tăng của vốn đầu tư tư nhân cũng chỉ tăng 4,2%, thấp hơn nhiều so với mức 4,9% của khu vực Nhà nước và 8,9% của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tăng trưởng đầu tư tư nhân chậm được đánh giá là nguyên nhân chính khiến cho tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 không đạt được mục tiêu như mong muốn. Tốc độ tăng thấp của đầu tư tư nhân của quý I/2024 cũng là điều không thuận lợi cho mục tiêu tăng trưởng của năm 2024, và là dấu hiệu không tích cực cho mục tiêu quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao và mục tiêu tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, sau mỗi cuộc khủng hoảng, thúc đẩy đầu tư công thường được coi là một trong những công cụ chính sách quan trọng, nhằm tác động lan tỏa tới các ngành, nghề kinh tế hồi phục và phát triển. Bên cạnh đó, khi đầu tư tư nhân vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, đầu tư công sẽ đóng vai trò hỗ trợ quan trọng để bù đắp cho đầu tư tư nhân.

Đầu tư công còn có ý nghĩa tạo dựng không gian tăng trưởng mới tại các địa bàn, khu vực địa lý mới, tạo không gian cho kinh tế số, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh hay kinh tế tuần hoàn. Đây là vai trò của đầu tư công mà đầu tư tư nhân chưa thể thay thế.

Với hiệu ứng lan tỏa, đầu tư công vào các công trình trọng điểm, sẽ tạo ra không gian tăng trưởng mới về cả phương diện địa lý, không gian và thời gian. Nó sẽ mở đường, dẫn dắt, kích thích đầu tư tư nhân, phát huy mạnh mẽ đầu tư theo các hình thức đối tác công tư (PPP).

Do vậy, đầu tư công sẽ tiếp tục đóng vai trò là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế trong năm 2024, đồng thời nó cũng có thể được sử dụng như đòn bẩy để thúc đẩy đầu tư tư nhân.

Hiệu quả của nguồn vốn đầu tư Nhà nước cũng cần được đánh giá từ góc độ tác động của nó đối với hỗ trợ và kích thích đầu tư tư nhân, trở thành một trong những tiêu chí để lựa chọn, phê duyệt các dự án được đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước. Nền kinh tế sẽ phát triển bền vững, với cấu trúc chắc chắn, bền vững hơn, có tính tự chủ, tự cường cao hơn, nếu như đầu tư tư nhân trong nước tiếp tục đóng vai trò là trụ cột trong tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội.

Nguồn lực của nền kinh tế cũng sẽ được huy động và sử dụng hiệu quả hơn, nếu như đầu tư tư nhân và đầu tư công đều phát huy mạnh mẽ thế mạnh của mình. Cùng với đẩy mạnh thu hút đầu tư từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, gia tăng đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước, sẽ góp phần đẩy mạnh tổng cầu, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất, cung ứng dịch vụ của nền kinh tế. Đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập được một cấu trúc hài hòa, bền vững của tổng thể cấu trúc đầu tư toàn xã hội.

Để nâng cao hiệu quả đầu tư công, cần xây dựng chiến lược đầu tư công phù hợp, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu đầu tư của từng ngành, lĩnh vực và địa phương, đáp ứng xu thế phát triển của nền kinh tế. Đầu tư công cần được tập trung vào các dự án lớn, xóa bỏ đầu tư dàn trải, giảm thiểu thời gian thực hiện dự án, khẩn trương đưa các công trình vào sử dụng, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công.

Đầu tư công do vậy có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, chứ không chỉ đơn thuần vào việc gia tăng về số lượng và tăng trưởng GDP.

Nguồn: Báo SGGP

Bình luận