Đầu tư công sẽ vực dậy thị trường VLXD trong thời gian tới?

09:00 02/10/2023
Trong bối cảnh bất động sản tư nhân gặp thách thức, việc hướng trọng tâm thúc đẩy cơ sở hạ tầng cùng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, kỳ vọng ngành vật liệu xây dựng sẽ khởi sắc hơn vào cuối năm.

Bức tranh tiêu thụ VLXD quý III 

Thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) đã trải qua quý III với không ít khó khăn trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới và trong nước có nhiều biến động, không thuận lợi, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngành VLXD.

Mặt khác, thị trường bất động sản (BĐS) vẫn chưa khởi sắc, kéo theo ngành VLXD cũng chịu nhiều ảnh hưởng.

Cũng giống như tình hình quý II, thép là mặt hàng biến động nhiều nhất về giá so với các loại VLXD khác. Với tần suất trung bình 7-10 ngày lại có một đợt điều chỉnh giảm, kéo giá thép hiện tại xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua và đang trong xu hướng rò đáy. 

Cụ thể, trong quý III, ngành thép nội địa ngoài những khó khăn đã được định hình trong 2 quý đầu năm, còn chịu sự cạnh tranh từ các sản phẩm thép giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi sức tiêu thụ vẫn ở mức thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do các nhà sản xuất thép của Trung Quốc giảm giá bán để cắt giảm hàng tồn kho, điều này gián tiếp gây áp lực lên các doanh nghiệp của Việt Nam.

Nếu như trong quý đầu năm nay, ngành thép đã có những tín hiệu phục hồi khi giá thép liên tục điều chỉnh tăng tới 6 lần, kéo mức giá trung bình lên hơn 18 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, bước vào quý II, giá thép xây dựng bắt đầu đảo chiều giảm. Kể từ đó đến nay, thị trường thép đã ghi nhận các doanh nghiệp thép điều chỉnh giảm giá tới 19 - 20 lần liên tiếp. Hiện tại, giá thép trung bình đã giảm khoảng 5 triệu đồng/tấn so với hồi đầu năm, về mức phổ biến hơn 13 triệu đồng/tấn và con số giảm được dự báo còn tiếp tục trong thời gian tới.

Trong quý III tình hình tiêu thụ VLXD đã có những diễn biến tích cực hơn trong quý II. Ảnh: INT

Nguyên nhân chính khiến giá thép quý III liên tục điều chỉnh giảm là bởi nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của các nhà máy sản xuất thép trong nước đa phần phải nhập khẩu, như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc… nên khi nguồn nguyên liệu này có xu hướng hạ nhiệt, buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh giảm giá bán. Đồng thời, nhu cầu thép trong nước thấp nên các nhà máy cũng phải giảm giá để tăng tính cạnh tranh.
Mặt khác, trong quý III còn là giai đoạn trùng vào mùa mưa bão – mùa xây dựng thấp điểm và có tháng "cô hồn" - tháng 7 Âm lịch, thông thường ít công trình dân dụng khởi công và nhiều công trình buộc phải trì hoãn nên chưa kéo được nhu cầu tiêu thụ VLXD sôi động trở lại. 

Tuy nhu cầu tiêu thụ thép trong nước còn thấp và giá liên tục giảm, nhưng theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy tín hiệu khả quan khi tình hình nhập khẩu sắt thép trong tháng 8/2023 đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2023, đạt 1,29 triệu tấn, tăng 18,2% so với tháng 7/2023 và tăng 64,0% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu Tổng cục Thống kê Việt Nam vừa công bố cũng cho thấy những con số đầy tích cực. Cụ thể, sắt thép nhập khẩu quý II là 2.826 nghìn tấn, trị giá 2.501 triệu USD; quý III là 3.765 nghìn tấn, trị giá 2.754 triệu USD; quý II so với cùng kỳ năm trước về lượng đạt 81,1%, trị giá đạt 65,3%; Quý III so với cùng kỳ năm trước về lượng đạt 154,5%, về giá trị đạt 106%.

Sắt thép xuất khẩu quý II là 3.087 nghìn tấn, trị giá 2537 triệu USD; quý III là 2.744 nghìn tấn, trị giá 1.988 triệu USD; quý II so với cùng kỳ năm trước về lượng đạt 121,9%, trị giá đạt 94,2%; quý III so với cùng kỳ năm trước về lượng đạt 165,4%, về giá trị đạt 130,6%.

Trái với xu hướng giảm của giá thép, các loại vật liệu khai thác như: đất đắp, đá, cát…vẫn tiếp tục tăng trong quý III, do từ đầu năm 2023 đến nay các dự án giao thông trọng điểm đã được khởi công đồng loạt trên cả nước. Các dự án này đã khiến nhu cầu về đất đắp, đá, cát xây dựng tăng đột biến, gây khó khăn cho cả chủ đầu tư, đơn vị thi công và chính quyền các địa phương nơi có dự án giao thông đi qua.

Riêng đối với thị trường xi măng, giá ổn định và ít biến động nhất. Kể từ 3 đợt tăng giá trong năm 2022 với tổng mức tăng từ 220.000-270.000 đồng/tấn, đến nay các doanh nghiệp xi măng vẫn giữ nguyên giá bán so với lần tăng giá gần nhất hồi tháng 6/2022 với giá trung bình dao động từ 1.690 - 1.884 đồng/kg
Giá xi măng tại các tỉnh khu vực phía Nam có xu hướng cao hơn các tỉnh khu vực miền Bắc, miền Trung bởi ít nhà máy sản xuất và do chi phí vận chuyển. Theo đó, giá xi măng ở miền Nam khoảng hơn 1,7 triệu đồng/tấn, trong khi giá bán xi măng tại khu vực miền Bắc dao động khoảng 1,3 - 1,6 triệu đồng/tấn, tùy thương hiệu và loại xi măng.

Khó khăn lớn nhất mà ngành xi măng đã và đang phải đối mặt đó là nguồn cung vượt xa so với nhu cầu thực tế, trong khi sức tiêu thụ tiếp tục sụt giảm và những rào cản từ thị trường xuất khẩu.

Đối với các loại VLXD như kính, gạch ốp lát, gốm sứ vệ sinh…trong quý III tình hình tiêu thụ vẫn chưa thực sự sôi động trở lại.

Nhìn chung, trong quý III tình hình tiêu thụ VLXD đã có những diễn biến tích cực hơn trong quý II. Tuy nhiên, giá VLXD có xu hướng tăng, giảm đan xen.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hoá Việt Nam nhận định, triển vọng ngành VLXD được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn vào giai đoạn cuối năm khi mùa xây dựng cao điểm quay trở lại và các đơn vị gấp rút đẩy nhanh tiến độ dự án, đặc biệt là các dự án đầu tư hạ tầng giao thông, đầu tư công và nhà ở xã hội được đẩy mạnh.

Theo nhận định từ các chuyên gia trong lĩnh vực BĐS, thị trường BĐS sẽ ấm dần lên trong các tháng cuối năm bởi đây cũng là giai đoạn các dự án đầu tư công được đẩy mạnh, giúp nhiều doanh nghiệp xử lý được hàng tồn kho và cân đối cung - cầu trên thị trường nội địa, góp phần thúc đẩy thị trường VLXD sôi động hơn, tạo điều kiện cho sự phát triển trở lại trong năm 2024.

Chính sách là đòn bẩy cho thị trường BĐS và VLXD 

Trong bối cảnh khó khăn trên, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp... triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và VLXD.

Đầu tiên, phải kể đến Công điện số 573/CĐ-TTg ngày 21/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ: Tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng VLXD thông thường cho Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Đặc biệt, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Các Bộ, ngành đã chủ động, tích cực nghiên cứu, xây dựng, ban hành và tham mưu, đề xuất trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của thị trường BĐS. Cùng với nhiều chính sách về ngân hàng, tín dụng và đầu tư,…thị trường BĐS đã có dấu hiệu phục hồi tích cực. 
Tiếp đến, Công điện số 194/CĐ-TTg ngày 1/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ: Tập trung tháo gỡ vướng mắc về đất đai, VLXD để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc và BĐS.

Ngày 25/5/2023, Công điện số 469/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Ngày 13/7/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT chủ trì họp phiên thứ 6 của Ban Chỉ đạo nhằm kiểm tra, đôn đốc các công việc sau phiên họp lần thứ 5 và bàn các giải pháp, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án. Trong đó, Thủ tướng đã chỉ đạo: quyết liệt gỡ nút thắt về giải phóng mặt bằng và VLXD.

Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Ngày 18/8/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 749/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023. 

Trên thực tế quý III vừa qua, tình hình kinh tế - xã hội cả nước nói chung và ngành Xây dựng nói riêng đã có sự chuyển biến tích cực hơn so với 2 quý đầu năm. 

Các dự án BĐS đã và đang dần dần được tháo gỡ sẽ góp phần đảm bảo nguồn cung, thúc đẩy thị trường trong thời gian tới.

Chỉ số giá nhóm nhà ở và VLXD tăng 6,73% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,27 điểm phần trăm.

Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thấy, kinh tế vĩ mô trong trong quý III đã ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức tăng khá.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ rệt, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN)  đạt mức cao, nhiều dự án khởi công mới trong năm đã hoàn thành thủ tục đầu tư, đi vào triển khai thực hiện, nên nhìn chung khối lượng thực hiện cao hơn nhiều các tháng đầu năm.

Cụ thể, vốn từ NSNN thực hiện quý III/2023 ước đạt gần 183,0 nghìn tỷ đồng, bằng 25,3% kế hoạch năm, tăng 30,1% so với quý II và tăng 27,3% cùng kỳ năm trước. 

Tính chung 9 tháng năm 2023, vốn từ NSNN ước đạt gần 415,5 nghìn tỷ đồng, bằng 57,4% kế hoạch năm 2022 và 23,5% cùng kỳ năm trước.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, CPI bình quân quý III/2023 tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhà ở và VLXD tăng 6,99%.

CPI bình quân 9 tháng năm 2023 tăng 3,16% so với bình quân cùng kỳ năm 2022. Trong đó, chỉ số giá nhóm nhà ở và VLXD tăng 6,73% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,27 điểm phần trăm, do giá xi măng, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, cùng với đó giá thuê nhà ở tăng cao.

Có thể thấy, nhờ những chính sách nêu trên đã hỗ trợ, giải tỏa vướng mắc liên quan đến pháp lý, khơi thông nguồn vốn, giúp sớm triển khai dự án, tạo điều kiện để những dự án xây dựng thương mại tư nhân tiếp tục gia tăng, mở nguồn tiêu thụ cho sản phẩm VLXD. Mặt khác, thúc đẩy giải ngân, triển khai dự án đầu tư công mạnh mẽ, tạo động lực và nguồn việc dồi dào cho ngành Xây dựng, thị trường VLXD; nhanh chóng giải ngân nguồn vốn vay mua nhà ở xã hội, giúp khơi thông vốn và nhu cầu nhà ở thực tế. 

Qua đó, giúp thị trường BĐS phát triển bền vững, tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho ngành Xây dựng và thị trường VLXD, cũng như mang lại hy vọng tích cực cho tiêu thụ VLXD, hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành thoát khỏi khó khăn và phát triển mạnh mẽ trở lại trong năm 2024.
 

Bình luận