Khó khăn trong tiêu thụ
Khó khăn về thị trường tiêu thụ ở cả trong và ngoài nước đã tác động tiêu cực tới tình hình hoạt động của ngành xi măng. Theo số liệu của Hội VLXD Việt Nam, ngành xi măng hiện cả nước có 88 dây chuyền sản xuất, với tổng công suất thiết kế 95 triệu tấn clinker để sản xuất 112 triệu tấn xi măng/năm.
Năm 2023 cả nước sản xuất đạt 80 triệu tấn, tiêu thụ khoảng gần 88 triệu tấn. Trong đó, tiêu thụ trong nước 56,6 triệu tấn giảm 16%; xuất khẩu 31,2 triệu tấn giảm 1% so với năm 2022.
Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam Phạm Văn Bắc nhìn nhận, trong khi nhiều năm trước, khi GDP Quốc gia tăng trưởng 6 - 6,5% thì tăng trưởng tiêu thụ xi măng nội địa vào khoảng 8 - 10%. Như vậy, so với bình thường thì mức tiêu thụ nội địa đã sụt giảm rất lớn.
"Thậm chí quý I/2024 còn bi đát hơn nhiều, tình trạng này dẫn đến nhiều nhà máy phải dừng hoạt động một số lò nung, trong đó nhiều dây chuyền phải dừng dài hạn" - lãnh đạo Hội VLXD Việt Nam cho biết.
Khó khăn có thể nhìn thấy qua "sức khỏe" của DN trong ngành, như Công ty CP Xi măng La Hiên, quý I/2024 với doanh thu thuần đạt 117 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ; trong khi lãi sau thuế giảm tới 96%, còn gần 400 triệu đồng.
Lý giải nguyên nhân, DN cho biết lợi nhuận quý I/2024 giảm đến từ suy thoái thị trường, bất động sản trầm lắng, nhu cầu xi măng suy giảm, đặc biệt trùng với lịch nghỉ Tết Nguyên đán nên sản lượng tiêu thụ giảm. Bên cạnh đó, giá bán sản phẩm bình quân cũng giảm so với với cùng kỳ.
Ngoài ra DN còn gần 70 tỷ đồng nợ phải trả và công ty đã dừng dây chuyền với thời gian tương đối dài để bảo dưỡng, sửa thiết bị, vì vậy làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty trong quý vừa qua.
Thúc đẩy tiêu thụ từ đầu tư công
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), nhu cầu tiêu thụ trong nước yếu, các dự án đầu tư công lớn như xây dựng đường cao tốc vẫn chủ yếu sử dụng công nghệ truyền thống, việc áp dụng cầu cạn cao tốc bằng bê tông cốt thép còn hạn chế, giải pháp sử dụng xi măng để gia cố, ổn định nền đất chưa được áp dụng.
Thị trường nhà ở, bất động sản chưa hồi phục, tỷ lệ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội triển khai thực tế rất thấp. Các DN hiện đang gặp khó khăn về sản xuất khi giá nhiên liệu, năng lượng tăng cao, đặc biệt là giá than đã đẩy chi phí sản xuất xi măng tăng theo. Thuế xuất khẩu clinker tăng, sức ép môi trường với các nhà máy xi măng ngày càng lớn.
Để gỡ khó, VNCA kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành có giải pháp tăng tiêu thụ nội địa xi măng thông qua sử dụng giải pháp cầu cạn trong đầu tư cao tốc, đặc biệt ở những vùng đất yếu, vùng cần thoát lũ như miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, gia cố nền đường bằng xi măng - đất để thay thế cho giải pháp truyền thống đắp nền đường bằng cát san lấp.
Ngoài ra, VNCA kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng giãn nợ, giảm lãi suất cho các DN xi măng; ưu tiên các DN xi măng được vay vốn lưu động; chỉ đạo các cơ quan có liên quan có chính sách khuyến khích về tài chính, thủ tục, thuế, phí đối với việc đầu tư vận hành các thiết bị đồng xử lý, tái chế các chất thải trong nhà máy xi măng.
Ban hành chính sách miễn, giảm, khấu trừ chỉ tiêu phát thải khí nhà kính đối với các DN sử dụng nhiên liệu thay thế là rác thải, chất thải trong sản xuất... Cuối cùng, thông qua việc bỏ thuế xuất khẩu đối với clinker, trước mắt nếu chưa bãi bỏ thì giữ nguyên thuế xuất khẩu với clinker 2 năm tới là 5%.
Theo Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam Phạm Văn Bắc, định hướng phát triển năm 2024 của ngành VLXD nói chung và xi măng nói riêng sẽ tiếp tục triển khai Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.
Trong đó, về xi măng nghiên cứu cải tiến công nghệ sản xuất nâng cao chất lượng clanhke để giảm tỷ lệ sử dụng clinker trong xi măng, giảm giá thành, phát thải khí nhà kính; đổi mới công nghệ sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu thay thế để đạt mục tiêu kép khi vừa tiết giảm chi phí nhiên liệu đồng thời xử lý rác thải, chất thải.
Nguồn: Kinh tế & Đô thị