Đầu tư phát triển, kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa Việt Nam - Lào

06:49 25/10/2024
Việt Nam và Lào sẽ nghiên cứu đề xuất chính sách phát triển hạ tầng thương mại biên giới phù hợp với tiềm năng các tỉnh biên giới của mỗi nước.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã ký Quyết định số 1247/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào.

Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, tỉnh Kon Tum. Ảnh: BQL Khu kinh tế tỉnh Kon Tum. 

Mục đích của Kế hoạch nhằm triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa Việt Nam và Lào, góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại biên giới giữa 2 hai nước.

Theo đó, sẽ tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Bản ghi nhớ, các quy định pháp luật liên quan của Việt Nam và Lào cho các cá nhân, tổ chức và thương nhân Việt Nam và Lào trên các phương tiện thông tin đại chúng, phương tiện truyền thông, ấn phẩm, chuyên trang liên quan đến phát triển hạ tầng thương mại biên giới; hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn liên quan đến nội dung Bản ghi nhớ.

Đồng thời nghiên cứu đề xuất chính sách phát triển hạ tầng thương mại biên giới phù hợp với tiềm năng của các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào; hỗ trợ thương nhân kinh doanh đưa hàng hóa vào chuỗi phân phối dưới hình thức thương mại biên giới. Tập trung thúc đẩy phát triển các loại hình hạ tầng thương mại biên giới trên địa bàn các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào.  

Cùng với đó, thực hiện rà soát các loại hình hạ tầng thương mại biên giới cần nâng cấp, cải tạo và danh mục hạ tầng thương mại biên giới ưu tiên đầu tư xây dựng.

Hai bên cũng sẽ trao đổi, thống nhất tăng cường các hoạt động tổ chức và xúc tiến đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại biên giới ở khu vực biên giới hai nước Việt Nam và Lào định kỳ ít nhất 01 lần 01 năm. 

Đồng thời triển khai khuyến khích các hoạt động thương nhân Việt Nam và Lào tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại biên giới theo quy định hiện hành. 

Ngoài ra, xây dựng cơ chế kết nối thông tin giữa thương nhân với cư dân biên giới hoạt động tại khu vực biên giới; kết nối thương nhân Việt Nam với thương nhân Lào.  

Tăng cường trao đổi thông tin, đào tạo, phát triển nguồn lực cho các cơ quan quản lý nhà nước; phát triển đội ngũ thương nhân đầu tư, kinh doanh tại khu vực biên giới.

Đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào dài khoảng 2.337,459 km, đi qua 10 tỉnh của Việt Nam (Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum), tiếp giáp với 10 tỉnh của Lào (Phông Sa Lỳ, Luông Pha Băng, Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay, Khăm Muộn, Sa Vẳn Na Khệt, Sa La Van, Sê Kông và Át Ta Pư). 

Ngày 14/10/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1201/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Lào thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, dự kiến đến năm 2030, tuyến biên giới Việt Nam - Lào có 46 cửa khẩu, trong đó có 15 cửa khẩu quốc tế (mỗi tỉnh biên giới Việt Nam - Lào sẽ có ít nhất 1 cửa khẩu quốc tế), 10 cửa khẩu chính và 21 cửa khẩu phụ. 

Đến năm 2050, dự kiến trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào có 49 cửa khẩu, trong đó có 21 cửa khẩu quốc tế, 15 cửa khẩu chính và 13 cửa khẩu phụ.

Bình luận