Đẩy mạnh đầu tư xây dựng góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất VLXD

07:58 12/12/2023
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất VLXD, Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn.

Thúc đẩy hoạt động xây dựng kết cấu hạ tầng

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nghiên cứu và tổng hợp ý kiến của Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp tại Hội thảo “Giải pháp sử dụng hiệu quả VLXD trong xây dựng công trình hạ tầng giao thông” do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 27/9/2023, Bộ Xây dựng đề xuất 5 nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, để gỡ khó cho các ngành sản xuất VLXD, trước hết cần thúc đẩy hoạt động đầu tư xây dựng. Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn. Đặc biệt, Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư tăng tỷ lệ sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc đang trong giai đoạn thiết kế, đặc biệt là ở những vùng có yêu cầu thoát lũ, vùng đất yếu và những vùng thiếu vật liệu đắp nền đường như ĐBSCL. Tăng cường sử dụng công nghệ gia cố đất bằng xi măng trong xây dựng đường bộ để nâng cao chất lượng, tuổi thọ đường, đồng thời sử dụng nguồn xi măng trong nước.

Các địa phương tăng cường sử dụng đường bê tông xi măng cho xây dựng đường nông thôn, miền núi và đường tại những vùng thường xuyên ngập lụt.

Thứ hai, tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, nhà ở. Các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Đồng thời, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Xây dựng và các tỉnh, thành triển khai thực hiện hiệu quả gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển NƠXH, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.

Thứ ba, về hỗ trợ thuế và tín dụng, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ tạm hoãn việc tăng thuế suất thuế xuất khẩu clinker từ 5% lên 10% đang được quy định tại Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021 của Chính phủ, tạm giữ thuế suất thuế xuất khẩu clinker ở mức cũ là 5% thêm 2 năm. 

Đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về thuế và Bộ Tài chính xem xét sửa đổi Thông tư số 152/2015/TT-BTC ngày 02/10/2015 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thuế tài nguyên theo hướng cho phép các doanh nghiệp sản xuất xi măng được áp dụng giá tính thuế tài nguyên theo mức giá cụ thể của UBND cấp tỉnh ban hành để đảm bảo phù hợp với thực tế ngành sản xuất xi măng, thực tế của các địa phương và chi phí khai thác của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi chính sách thuế GTGT đối với sản phẩm xuất khẩu (clinker) tại Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế và Bộ Tài chính xem xét sửa đổi các Thông tư số 25/TT-BTC ngày 16/3/2018 về hướng dẫn Nghị định số 146/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ và sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính theo hướng sản xuất clinker không thuộc đối tượng hàng hóa không chịu thuế GTGT để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Đề nghị Bộ Tài chính xem xét miễn tiền chậm nộp phát sinh từ năm 2022 đến hết năm 2024 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh VLXD; Cho phép ghi nhận các khoản chi phí trong thời gian tạm dừng hoạt động được ghi nhận là chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (tương tự như các quy định hướng dẫn trong giai đoạn dịch Covid-19).

Thứ tư, cần thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát chặt nhập khẩu VLXD với việc tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa VLXD, đặc biệt là hàng hóa nhập khẩu; hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn về sản phẩm hàng hóa VLXD.

Ngoài ra, đề nghị Bộ Công Thương có chính sách thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm hàng hóa VLXD; Chỉ đạo tổ chức điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính nổi xây dựng, kính low-e và kính siêu trắng nhập khẩu từ một số nước, để áp thuế chống bán phá giá nếu cần thiết;

Các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm, tiếp cận thị trường nước ngoài nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm VLXD Việt Nam có thế mạnh như clinker xi măng, xi măng, gạch ốp lát, đá ốp lát, kính xây dựng, ngói lợp…

Cuối cùng, Bộ Xây dựng nhấn mạnh, các doanh nghiệp trong ngành Xây dựng phải nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, tiết giảm cho phí sản xuất.

Sản xuất và tiêu thụ một số sản phẩm VLXD giảm sút

Trước đó, 8 hiệp hội nghề nghiệp trong nước gồm: Vật liệu xây dựng, Xi măng, Bê tông, Thép, Gốm sứ xây dựng, Kính và Thủy tinh xây dựng, Tấm lợp và Khoa học kỹ thuật Cầu đường cũng ký đơn kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ, đồng loạt kêu cứu vì gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ ở cả trong và ngoài nước. Sản xuất và tiêu thụ VLXD giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp sản xuất VLXD đã phải tạm dừng một số dây chuyền sản xuất, gây ảnh hưởng tới một số lĩnh vực (như: Khai khoáng, vận tải, kinh doanh phân phối), từ đó khó khăn và ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập của người lao động...

Theo Bộ Xây dựng, nhóm ngành VLXD hàng năm đóng góp gần 7% GDP của Việt Nam; có vai trò quan trọng trong phát triển kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển cho kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trước tình hình BĐS trong nước giảm sâu, dự án đầu tư công triển khai chậm, kinh tế toàn cầu bất ổn đã tác động đến đầu ra của ngành VLXD cả trong và ngoài nước.

Cụ thể, với xi măng, trong 10 tháng năm 2023, cả nước tiêu thụ khoảng 72,3 triệu tấn, giảm 12% so với cùng kỳ 2022, trong đó tiêu thụ xi măng nội địa là 46,3 triệu tấn, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm 2022 và xuất khẩu được 26 triệu tấn trong đó xuất khẩu clinker đạt 8,7 triệu tấn, giảm 29%. 

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng cho biết, trong nhiều năm trước, khi GDP quốc gia tăng trưởng 6 - 6,5% thì tăng trưởng tiêu thụ xi măng nội địa vào khoảng 8 - 10%. Như vậy, so với bình thường thì mức tiêu thụ nội địa 10 tháng năm 2023 đã sụt giảm khoảng 23%. Tình trạng này dẫn đến nhiều nhà máy phải ngừng hoạt động một số dây chuyền lò nung, trong đó có những dây chuyền phải dừng dài hạn.

Tương tự, sản xuất thép trong 9 tháng năm 2023 cũng giảm 21,6% (đạt khoảng 7,72 triệu tấn), tiêu thụ thép cũng giảm gần 20% (đạt 7,74 triệu tấn) so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, nhập khẩu 9,2 triệu tấn thép các loại, giảm 3,15% so với cùng kỳ năm 2022 với giá trị nhập khẩu trên 7,4 tỷ USD. Xuất khẩu 8,38 triệu tấn thép các loại, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2022 với giá trị xuất khẩu đạt 6,3 tỷ USD.

Về gốm, sứ xây dựng, giai đoạn từ năm 2020 trở về trước, sản lượng tiêu thụ đạt khoảng 90 - 95% sản lượng sản xuất (trong đó tiêu thụ tại thị trường trong nước khoảng 80%, xuất khẩu khoảng 20%). Tuy nhiên, kể từ năm 2021 đến nay, sản lượng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lĩnh vực này có xu hướng sụt giảm mạnh, sản lượng sản xuất chỉ huy động bình quân ở mức 50 - 60% so với công suất thiết kế. Mặc dù các doanh nghiệp đã chủ động giảm sản lượng sản xuất bằng cách dừng một số dây chuyền nhưng tồn kho nội địa vẫn ở mức cao (18 - 20% so với sản lượng sản xuất).

Trong 10 tháng qua, sản lượng sản xuất gạch ốp lát chỉ đạt khoảng 47% so với tổng công suất thiết kế (đạt khoảng 324,5 triệu m2), trong khi tiêu thụ bằng 67% (đạt khoảng 219 triệu m2) so với sản lượng sản xuất; Sản lượng sản xuất sứ vệ sinh đạt khoảng 10,4 triệu sản phẩm (bằng 46% công suất thiết kế), sản lượng tiêu thụ sản phẩm sứ vệ sinh khoảng 9,04 triệu sản phẩm, bằng 87% so với sản lượng sản xuất. Lượng tồn kho cả 2 loại sản phẩm này tại các nhà máy hiện nay rất lớn.

Đối với kính xây dựng, sản lượng sản xuất kính xây dựng trong 2 năm gần đây chỉ bằng khoảng 60 - 70% so với tổng công suất thiết kế. Trước năm 2021, tiêu thụ kính xây dựng tại thị trường trong nước khá tốt, sản lượng sản xuất ra cơ bản tiêu thụ hết. Kể từ năm 2021 đến nay, sản phẩm kính xây dựng tiêu thụ cũng rất khó khăn, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng so với trước đây. Sản lượng sản xuất 10 tháng năm 2023 chỉ đạt khoảng 174 triệu m2 quy tiêu chuẩn (QTC), bằng 50% so với tổng công suất thiết kế. Sản lượng tiêu thụ chỉ đạt khoảng 138,5 triệu m2 QTC (khoảng 79,6% so với sản lượng sản xuất).

Sản lượng bê tông sản xuất 10 tháng năm 2023 ước đạt 129 triệu m3, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022.

Bình luận