Đẩy mạnh nội địa hóa ngành công nghiệp đường sắt

06:32 13/05/2025
Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế tạo, nội địa hóa ngành công nghiệp đường sắt phục vụ triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt.

Cụ thể, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025.

Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh nội địa hóa ngành công nghiệp đường sắt phục vụ triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt. Ảnh: INT

Nghị quyết nêu: Dự báo tình hình thế giới tiếp tục có những biến động lớn, phức tạp và khó lường... Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi, tạo sức ép lên ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, tỷ giá, các cân đối lớn và công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương quán triệt nghiêm các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đề cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm khắc phục những hạn chế, yếu kém, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra của năm 2025, trong đó, chú trọng 10 nội dung sau:

Thứ nhất, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Bộ Chính trị về: khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia; hội nhập quốc tế; xây dựng và thực thi pháp luật; phát triển kinh tế tư nhân.

Thứ hai, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế.

Thứ ba, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật gắn với sắp xếp lại bộ máy, đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; cải cách hành chính hiệu quả, thực chất, tháo gỡ vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển.

Thứ tư, thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm, liên tỉnh, liên vùng, kết nối quốc gia, khu vực, quốc tế.

Trong đó, tập trung rà soát, tổng hợp, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án quan trọng, các công trình lớn của ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị trực thuộc và của địa phương đủ điều kiện theo quy định, dự kiến khởi công, khánh thành để chào mừng kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02/9. 

Tăng cường hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, các đoàn công tác của thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương để kịp thời đôn đốc, xử lý các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xây dựng hạ tầng, nhà ở xã hội, các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia, phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát, các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.

Đặc biệt, Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương quyết liệt triển khai các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025, dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu... bảo đảm mục tiêu hoàn thành ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc, trên 1.000 km đường bộ ven biển, quyết tâm, quyết liệt hoàn thành toàn bộ cao tốc Bắc - Nam từ Cao Bằng - Cà Mau trong năm 2025; đẩy nhanh tiến độ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành hoàn thành trong năm 2025; đẩy nhanh tiến độ sân bay Gia Bình, khởi công sân bay Phú Quốc, sân bay Côn Đảo, sân bay Cà Mau; khẩn trương triển khai thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư để khởi công dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vào ngày 19/12/2025 trên 5 điểm ở các địa phương.

Thứ năm, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ du lịch; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững, giá trị gia tăng cao; bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế tạo thiết bị, vật liệu phục vụ ngành năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió ngoài khơi...), nội địa hóa ngành công nghiệp đường sắt phục vụ triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt.

Thứ sáu, tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy quan hệ thương mại hài hòa, bền vững; đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, khai thác tối đa thị trường trong nước; tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Thứ bảy, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở tăng năng suất, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Thứ tám, chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thực hiện hiệu quả, kịp thời chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của nhân dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thứ chín, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; triển khai thực chất, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Thứ mười, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, tăng cường niềm tin, đồng thuận xã hội; đấu tranh, xử lý kịp thời, phản bác hiệu quả luận điệu, thông tin xuyên tạc trên không gian mạng.

Tại Thông báo số 125/TB-VPCP ngày 19/3/2025 kết luận Phiên họp lần thứ 16 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Xây dựng khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan xây dựng Đề án phát triển công nghiệp đường sắt.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương có dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đi qua, trên cơ sở chủ trương đầu tư dự án đã được Quốc hội phê duyệt, chủ động phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai ngay các thủ tục giải phóng mặt bằng, phê duyệt dự án tái định cư đáp ứng tiến độ dự án.

Bình luận