Nghị quyết về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 3/2024 nêu rõ, Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; đồng thời đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn thiện nội dung dự thảo Luật.
Theo đó, cơ quan soạn thảo cần làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn; đánh giá những vướng mắc, bất cập, lập luận thuyết phục sự cần thiết xây dựng Luật; làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật này và mối quan hệ với các luật có liên quan.
Rà soát toàn diện dự thảo Luật, bảo đảm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị; khắc phục hạn chế, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn và pháp luật hiện hành theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về đất đai, quy hoạch, xây dựng và lĩnh vực khác có liên quan đến đô thị, nông thôn, tránh chồng chéo, trùng lặp trong quản lý; đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa phát triển kinh tế với các yếu tố văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường.
Đồng thời làm rõ nội hàm chính sách về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, phân loại quy hoạch đô thị và nông thôn; mối quan hệ giữa các loại quy hoạch đô thị và nông thôn trong hệ thống quy hoạch quốc gia và giữa quy hoạch tổng thể thành phố với các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tuân thủ về thứ bậc, tinh gọn tối đa về loại quy hoạch, tránh trùng lặp về nội dung giữa các quy hoạch.
Việc lập quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn cần dựa trên điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên, dự báo quy mô dân số, vai trò, tính chất của từng đô thị, nông thôn, nhu cầu sử dụng đất, nguồn lực…; thời hạn lập quy hoạch cần phù hợp với thời kỳ và tầm nhìn quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực hợp pháp để hỗ trợ hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, không tạo gánh nặng cho ngân sách; nghiên cứu cơ chế để kiểm soát triển khai các nguồn lực, bảo đảm minh bạch, hiệu quả, chất lượng quy hoạch.
Chính phủ cũng lưu ý cơ quan soạn thảo cần hoàn thiện các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý quy hoạch, bảo đảm thống nhất, khả thi và hiệu quả; quy định nội dung quy hoạch phù hợp với tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị; bổ sung nguyên tắc và yêu cầu lập quy hoạch gắn với phương án sắp xếp đơn vị hành chính, phù hợp với không gian phát triển, điều kiện cụ thể của từng địa phương, phát triển hài hòa giữa các khu vực đô thị, nông thôn, bảo vệ giá trị và giữ gìn, phát huy bản sắc riêng của khu vực đô thị, nông thôn.
Cùng với đó, nghiên cứu cắt giảm cấp độ quy hoạch cấp trung gian, cập nhật vào cấp quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết của đô thị; quy định rõ nội dung bảo vệ môi trường khi lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch; mở rộng đối tượng lập quy hoạch không gian ngầm để khai thác tối đa hiệu quả sử dụng không gian, gắn kết đồng bộ không gian xây dựng trên và dưới mặt đất, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, lưu ý nội dung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc lập, phê duyệt, điều chỉnh, quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn nhằm tăng cường vai trò, tính chủ động và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn tại địa phương. Tiếp tục rà soát để phân cấp triệt để cho địa phương thực hiện một số nhiệm vụ về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị, bảo đảm khả thi, phù hợp với năng lực và nguồn lực thực hiện.
Trong đó, việc phân cấp cho địa phương thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ cần quy định rõ tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, cơ chế kiểm soát, bảo đảm việc điều chỉnh đúng quy định, không gây ảnh hưởng đến môi trường sống, không ảnh hưởng, không phá vỡ quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt.
Đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tránh cơ chế xin - cho, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp; nâng cao năng lực thực thi của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ lập, phê duyệt, điều chỉnh, quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn; tăng cường kiểm tra, giám sát các công tác liên quan đến quy hoạch đô thị và nông thôn.
Trước đó, ngày 10/01/2024, tại phiên họp thẩm định dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn tại Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bám sát, thể chế hoá đầy đủ các đường lối, chủ trương của Đảng, đặc biệt là các nội dung tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Quản lý phát triển đô thị… và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và sự tương thích với pháp luật quốc tế.
Ngoài ra, tới đây mỗi xã sẽ có diện tích và số lượng dân cư khác nhau, vì vậy, cần cân nhắc, phân tích kỹ việc quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết cấp xã, quy hoạch mới, quy hoạch cũ để đảm bảo sự tiếp nối, tránh phát sinh thêm chi phí, gây ách tắc các hoạt động kinh tế - xã hội
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc các thiết chế quản lý phù hợp với đặc điểm từng khu chức năng; trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị và nông thôn; nghiên cứu, bổ sung thêm cơ chế cho phép điều chỉnh quy hoạch chi tiết của dự án; điều khoản chuyển tiếp…
Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được Quốc hội thông qua và đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Dự thảo Luật được thiết kế theo 5 Chương, 61 Điều; tập trung giải quyết một số vấn đề chính như thể chế hóa định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết số 06; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản pháp luật; cụ thể hóa các chính sách thành yêu cầu, quy phạm pháp luật trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.
Dự thảo Luật cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan để tháo gỡ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Dự thảo Luật cũng tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; đơn giản hóa trình tự thủ tục hành chính nội bộ trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch; bổ sung, quy định rõ nội dung quy hoạch không gian ngầm và quy hoạch không gian ngầm đối với thành phố trực thuộc Trung ương nhằm khai thác tối đa hiệu quả sử dụng không gian, gắn kết đồng bộ không gian xây dựng trên và dưới mặt đất, mặt nước.
Bên cạnh đó là bổ sung quy định chặt chẽ về điều kiện, yêu cầu đối với việc điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch; nguồn kinh phí cho công tác quy hoạch, đảm bảo nguồn lực thực hiện; điều kiện năng lực và trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch...