Đẩy nhanh dự án xử lý nước thải đô thị

09:12 25/12/2022
Hiện nay, đầu tư vào hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị nói chung và hệ thống xử lý thoát nước nói riêng còn hạn chế. Nhiều nơi vẫn ngang nhiên xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, đe dọa cuộc sống người dân và đây trở thành thách thức lớn cho các đô thị ở Việt Nam.

1/Mong muốn chấm dứt tình trạng ô nhiễm tại các dòng sông, ao hồ trên địa bàn Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Sơn (Hà Trì, Hà Đông) hy vọng các dự án thoát nước của thành phố được thực hiện đúng tiến độ. Ông Sơn cho biết, người dân Hà Nội đã chịu cảnh ô nhiễm nước thải quá lâu tại các sông Tô Lịch, sông Nhuệ… nhưng nếu tình trạng nước thải đô thị chưa qua xử lý, nước thải khu công nghiệp, nước thải tại làng nghề cứ xả thẳng ra môi trường thì mức độ ô nhiễm sẽ không bao giờ được cải thiện. Nhất là mỗi khi các khu xử lý rác thải bị quá tải, việc thu gom rác chỉ ứ đọng vài ba ngày thôi là ngõ phố nhếch nhác, mùi hôi nồng nặc. “Tôi mong TP Hà Nội sớm hoàn thành dự án nhà máy xử lý rác thải, tính toán nâng công suất cho các nhà máy xử lý rác làm sao có thể xử lý kịp thời lượng rác thải của thành phố, an toàn cho môi trường”, ông nói.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng nước thải sinh hoạt tại Việt Nam phát sinh khoảng 3.650m3/ngày/đêm, tỷ lệ xử lý mới chỉ đạt khoảng 12-14%. Trong đó, Hà Nội khoảng 22%, TP Hồ Chí Minh khoảng 21,2%, Đà Nẵng khoảng 33% tổng lượng nước sinh hoạt được thu gom xử lý. Trong tổng số 846 đô thị trên cả nước, mới chỉ có 38 đô thị có công trình xử lý nước thải tập trung, chiếm tỷ lệ 4,4%. Tại Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến nay mới có 5 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng; 1 dự án đang triển khai, còn lại, 8 dự án chưa thể thực hiện do gặp khó khăn về nguồn vốn, cơ chế đầu tư…

Để tiếp tục kiểm soát, xử lý ô nhiễm nước thải sinh hoạt và thực hiện các giải pháp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý tại địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị tập trung triển khai các quy định về đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu đô thị, các khu vực tập trung dân cư; xử lý nước thải tại chỗ tại các hộ gia đình, khu dân cư chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Đáng chú ý, theo các chuyên gia, hiện không ít doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực này nhưng do lợi nhuận thấp, ít hấp dẫn, thủ tục vẫn khá phức tạp nên chỉ có một số doanh nghiệp tiềm lực mạnh, có nền tảng công nghệ và nhân lực chuyên nghiệp, hiện đại mới mạnh dạn tham gia. Do đó, cần thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung, đặc biệt là cơ chế đầu tư theo phương thức đối tác công tư để huy động sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân trong lĩnh vực này.

2/Hiện nay, nhiều cơ chế, chính sách, quy định và hướng dẫn quản lý, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị đã được hoàn thiện và ban hành. Tuy nhiên, nước thải tại các đô thị lớn hầu như chưa được xử lý hoặc mới xử lý được một phần nhỏ rồi xả trực tiếp ra kênh rạch, sông hồ trong cả nội thành và ngoại thành gây ô nhiễm môi trường nước mặt. Vì vậy, theo các chuyên gia môi trường, đã đến lúc việc quản lý và xử lý nước thải cần được quan tâm hơn ở các khâu quy hoạch, chính sách, công nghệ, quản lý và vận hành. Ngoài ra, để bảo vệ nguồn tài nguyên nước lâu dài, bền vững, cần tăng cường biện pháp chế tài đối với các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước.

Tuy nhiên thực tế hiện nay nguồn lực xử lý nước thải chủ yếu dựa vào nguồn vốn ODA để xây dựng nhà máy xử lý nước thải, nhưng xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm nước thải không chỉ phụ thuộc vào chất lượng, công suất của nhà máy, mà còn những vấn đề liên quan như thu gom, công nghệ. Thí dụ những đô thị đông dân như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng… có thể xử lý công nghệ bậc cao, nhưng đi kèm phải có hệ thống thu gom tập trung hiện đại, nhanh gọn để tránh tắc nghẽn trong quá trình đưa đi xử lý.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, một số khu đô thị đã bàn giao hiện không còn nguồn vốn đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Bên cạnh đó, do giải phóng mặt bằng một phần đã bàn giao cho chủ đầu tư khác nên khó xây dựng khu xử lý nước thải tập trung. Về giải pháp, ông Thái đề nghị đẩy nhanh việc xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tập trung. Đối với dự án tồn tại từ lâu, yêu cầu các chủ đầu tư các hạng mục xử lý theo quy định. Đối với các khu đô thị còn vướng mắc, sẽ hoàn thiện hệ thống quan trắc, giám sát tự động. Thời gian tới, Sở sẽ yêu cầu chủ đầu tư nghiêm túc hoàn thành dự án xử lý nước thải tập trung, đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện và hoàn thiện các dự án bảo vệ môi trường trước khi đi vào hoạt động.

Nguồn: Thời nay

Bình luận