Đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng

07:00 08/08/2024
TP.HCM đang trong giai đoạn tăng tốc phát triển, lĩnh vực nào cũng có hạng mục cần được đầu tư mới, nhất là hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, thành phố cũng đối mặt với thực trạng “dự án nhiều nhưng kết quả triển khai chậm”, dẫn đến thay đổi quy mô, phương án đầu tư, khiến vốn tăng nhiều lần, không đưa vào phục vụ dân sinh kịp thời.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mới đây, dự án mở rộng đường Nguyễn Thị Định (dài 2 km, từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy) lên thành 30 m vừa được HĐND TP.HCM đồng ý điều chỉnh chủ trương đầu tư với tổng vốn 2.100 tỷ đồng.

Tầm 8 năm trước, khi dự án được phê duyệt lần đầu, công trình có tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng, nhưng do chậm triển khai, đến nay vốn tăng thêm 700 tỷ đồng - dành cho giải phóng mặt bằng. Trong giai đoạn 2016 - 2020, một số dự án được triển khai một phần rồi dừng lại, làm đội vốn do chi phí giải phóng mặt bằng gia tăng như dự án nút giao Mỹ Thủy, TP Thủ Đức (tăng từ 1.998 tỷ đồng lên 3.622 tỷ đồng); cải tạo kênh Hàng Bàng, đoạn từ đường Mai Xuân Thưởng đến kênh Vạn Tượng, quận 5 (từ 188 tỷ đồng lên 779 tỷ đồng)…

Thực tế những năm qua, khá nhiều dự án cấp bách được hình thành, như cải tạo kênh rạch, mở rộng cửa ngõ Đông - Tây - Nam - Bắc nhưng đến nay vẫn... nằm trên giấy. Đến giai đoạn 2024 - 2030, thêm 59 công trình giao thông được đề xuất ghi vốn, thực hiện. Thậm chí, Sở GTVT vừa đề xuất UBND TP.HCM làm tuyến đường trên cao, từ nút giao Trạm 2 trên xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức) đến nút giao An Sương với tổng vốn hơn 15.400 tỷ đồng; tuyến đường trên cao Bắc Nam nối khu vực sân bay Tân Sơn Nhất với Nam Sài Gòn với tổng vốn hơn 38.000 tỷ đồng… Chưa kể, các dự án quy mô như metro số 2, 3, 4, hay tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài rất cần được thực hiện sớm.

Do đó, các dự án phục vụ quốc kế dân sinh phụ thuộc nhiều vào sự quyết tâm của đơn vị thực thi. Điều này được minh chứng bằng nỗ lực cao độ của thành phố những năm qua, khi một số dự án trọng điểm đã và đang về đích. Đó là nút giao An Phú kết nối tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành, ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Quận 7), nhà ga T3, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, chưa kể một số dự án quy mô nhỏ hơn được đưa vào sử dụng. Đáng chú ý, từ khi Nghị quyết 98/2023/QH15 có hiệu lực, lãnh đạo TP.HCM đã tập trung tâm huyết, công sức cụ thể hóa những lợi thế về cơ chế mà Trung ương đã cho phép nhằm sớm khởi công, xây dựng nhiều công trình giao thông, giải tỏa từng nút thắt hạ tầng lâu nay.

Chỉ có thay căn bản cách làm cũ mới có thể đảm bảo thực hiện hiệu quả các dự án nâng cấp hạ tầng kỹ thuật của thành phố. Trong đó, cần xóa bỏ sự dàn trải trong đầu tư, xác định thật rõ thứ tự ưu tiên của từng dự án và tổ chức thực hiện ra sao để đảm bảo tính khả thi cao nhất. Khi bắt tay triển khai, phải tập trung thi công, giám sát và tháo gỡ ngay vướng mắc phát sinh. Những nhà thầu, chủ đầu tư yếu kém phải bị thay lập tức. Nếu áp dụng quyết liệt những biện pháp này, chúng ta có thể chấm dứt tình trạng thực hiện dây dưa nhiều dự án dân sinh quan trọng như đường Vành đai 2, metro số 1, hay công trình chống ngập do triều…

Ở đó, các cơ quan giúp việc đảm bảo tham mưu lãnh đạo thành phố từng chính sách cụ thể, thứ tự ưu tiên từng dự án, chiến lược huy động vốn toàn dân và thu hút nguồn lực của nhà đầu tư trong, ngoài nước. Đặc biệt, triển khai sớm đề án phát huy hiệu quả nguồn kiều hối mà Thành ủy TP.HCM đã thông qua. Các cơ quan tham mưu cũng sẽ song hành với thực tế, phát hiện những vướng mắc thuộc thẩm quyền của thành phố để đề xuất phương án xử lý, những vướng mắc vượt cấp, sớm báo cáo Chính phủ, Quốc hội tháo gỡ. Có như thế, tình trạng dự án công bố liên tục nhưng không biết khi nào vận hành, nguy cơ biến dự án giao thông thành “bánh vẽ”, sẽ từng bước không còn ám ảnh người dân.

Nguồn: Báo SGGP

Bình luận