Ngày 20/10, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp về dự thảo Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương gửi văn bản góp ý đến 3 cơ quan: Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT, Văn phòng Chính phủ, trong đó nêu rõ những bất cập, khó khăn, vướng mắc và chủ động đề xuất những vấn đề liên quan đến Quy hoạch nêu trên tại địa phương.
Dự thảo Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu bảo đảm tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định từ 42%-43%; tốc độ giá trị gia tăng sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 5,0%-5,5%/năm.
Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp thời kỳ 2021-2030 là 15.848,5 nghìn ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch rừng đặc dụng chiếm 15,5%, rừng phòng hộ chiếm 33%, rừng sản xuất chiếm 51,5%.
Trồng rừng sản xuất bình quân 238 nghìn ha/năm; trồng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng bình quân 8,6 nghìn ha/năm. Phục hồi rừng tự nhiên bình quân 22,5 nghìn ha/năm; diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đến năm 2030 đạt trên 1 triệu ha.
Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025 và 25 tỷ USD vào năm 2030. Giá trị tiêu thụ đồ gỗ và lâm sản trong nước đạt 5 tỷ USD vào năm 2025 và 6 tỷ USD vào năm 2030.
Thu dịch vụ môi trường rừng tăng bình quân 5%/năm. Tổng thu dịch vụ môi trường rừng đạt 3.500 tỷ/năm giai đoạn 2021-2025 và 4.000 tỷ đồng giai đoạn 2026-2030.
Bộ NN&PTNT dự kiến tổng nhu cầu vốn thực hiện Quy hoạch là 217.305 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 cần khoảng gần 107.000 tỷ, chiếm gần 50% tổng nhu cầu vốn.
Theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, hệ thống quy hoạch quốc gia có tổng số 110 quy hoạch, trong đó có 41 quy hoạch cấp quốc gia, 6 quy hoạch vùng và 63 quy hoạch tỉnh.