Việc phát triển đô thị chính là hướng tới sự hài hòa giữa kinh tế, môi trường và xã hội với mục tiêu cuối cùng là đời sống cư dân đô thị phải khá giả hơn, sống tiện nghi và hạnh phúc hơn. Nhưng dường như, mong muốn này chúng ta chưa thực hiện được.
Ở Việt Nam, trung bình mỗi tháng có một đô thị mới ra đời. Tốc độ này đang khiến nhiều đô thị bị khủng hoảng nghiêm trọng về hạ tầng, môi trường sống.
Các thành phố phát triển quá mức, tiêu thụ một lượng hàng hóa khổng lồ: Năng lượng, lương thực thực phẩm và nước… Rồi thành phố lại đưa các loại rác, nước thải, khí ô nhiễm ra bên ngoài. Cả hai quá trình này đều phá vỡ sự cân bằng sinh thái - từ khu vực đô thị đến mức độ quốc gia và toàn cầu.
Người ta chống sự ra đời những thành phố siêu lớn do nó không đủ khả năng xử lý các loại rác thải làm ô nhiễm dòng chảy nước mặt, nước ngầm, ven biển…
Một kết luận của tổ chức môi trường thế giới: “Ô nhiễm không khí không biên giới - với 80% lượng khí nhà kính hiện nay dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu là từ các thành phố”.
Sự biến đổi đó làm nhiệt độ trái đất khắc nghiệt hơn - thế là dẫn tới việc phải làm mát hoặc sưởi ấm các thành phố, như vậy chi cho năng lượng lại cao hơn - hậu quả lượng phát thải khí nhà kính cũng tăng theo. Chu trình này như một vòng luẩn quẩn của con người trong cuộc chiến với chính các hậu quả do nó gây ra.
Thực tiễn đã cho thấy, trong phát triển kinh tế phải có sự tăng trưởng liên tục và ổn định lâu dài; tăng trưởng kinh tế phải hướng tới mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các tiêu chí về dịch vụ đô thị. Sự hài lòng của người dân về dịch vụ đô thị và dịch vụ công là cơ sở để đánh giá chất lượng phát triển. Để đạt được yếu tố bền vững trong phát triển thì mọi kế hoạch và chương trình mục tiêu luôn phải đảm bảo thỏa mãn được tất cả các tiêu chí bền vững về: Xã hội, môi trường, kỹ thuật và tài chính. Song nhìn lại, chúng ta còn thiếu nhiều tiêu chí cho một đô thị bền vững.
Nổi bật nhất có lẽ là ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Mỗi khi gặp phải những vấn đề khó khăn, nhiều người lại đặt câu hỏi: “Diện mạo của thành phố trong 10 năm hay 20 năm nữa sẽ như thế nào?”. Và rồi “người ta” đưa ra hàng loạt các đề xuất, kiến nghị. Chưa nói đến tính khả thi của các đề xuất, nhưng có thể hiểu, những bức bối của đô thị hôm nay là hệ quả của một quá trình phát triển vô tội vạ, quản lý đô thị, quy hoạch và thực hiện quy hoạch yếu kém…
Ngay hiện tại, nhiều khi tiếng nói của các nhà chuyên môn trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc để giành lại từng khoảng không gian đô thị công cộng cho người dân đã không thể cản được đường đi của những dự án triệu đô.
Sự giàu có về vật chất phải đi liền với sự phát triển tương xứng về đời sống tinh thần, để đảm bảo cho một xã hội phát triển văn minh, hiện đại.
Đô thị ngày một mở rộng. Các dự án lớn cũng nhiều hơn. Một con đường mở ra, thế là làng thành phố, nhà giữa làng nay thành nhà mặt phố. Người thôn xóm nay cũng thành người phố. Có điều kiện phát triển, đời sống vật chất cũng tốt hơn. Nhưng, các thói quen ứng xử vẫn chưa thể thay đổi.
Khi mà những công dân đô thị vẫn coi là “chuyện thường ngày” trước những cách hành xử kiểu như vô tư vượt đèn đỏ, xả rác trên đường, hun khói ngút trời; vô tư cười vã, nằm dãi giữa thanh thiên bạch nhật… khi đó, khó có thể có văn minh đô thị, có được một môi trường đô thị bền vững.
Xây dựng một đô thị bền vững có rất nhiều tiêu chí, xong không thể thiếu tiêu chí về chất lượng thị dân - Đó là cần định hình những phẩm chất của một tầng lớp thị dân mới, sao cho xứng đáng là chủ nhân của những đô thị hiện đại.
Nói cách khác, phẩm chất của những công dân đô thị cần được đặt ra, bức bách hơn là cả chuyện tắc đường hay ô nhiễm môi trường...
Chúng ta cần những bộ máy tính mới, cần những chiếc xe tiện nghi, cần đường sắt trên cao hay tàu điện ngầm tít sâu trong lòng đất,..., nhưng tất cả sẽ chẳng là gì nếu chủ nhân nó - những người vận hành - kém về phẩm chất, hành vi.