Đề nghị có Nghị quyết của Quốc hội về đường sắt đô thị TP.HCM

06:05 31/05/2024
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đề nghị trong năm 2024, có Nghị quyết của Quốc hội về đường sắt đô thị, về Trung tâm Tài chính quốc tế cho TP.HCM… trong phiên thảo luận ngày 30/5, về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Lý giải về đề nghị này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP.HCM cho biết, đã có Kết luận số 49-KL/TW, ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nêu rõ tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị có nhu cầu vận tải lớn như tại Hà Nội và TP.HCM.

Kết luận số 49-KL/TW cũng quy định rõ, đến năm 2045 hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội có tính kết nối với vùng Thủ đô và tại TP.HCM vào năm 2035. Tức là, chương trình chung thực hiện đến năm 2045, nhưng yêu cầu đối với 2 địa phương Hà Nội và TP.HCM là năm 2035.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP.HCM. Ảnh: quohoi.vn.

Trước tình hình đó, ở góc độ của TP.HCM, cần sớm có một Nghị quyết về đường sắt đô thị, để giải quyết một loạt vấn đề đặt ra cho Thành phố về: ngân sách, cơ chế, ủy quyền cho Thành phố và nhiều vấn đề khác.

Nghị quyết về đường sắt đô thị tất nhiên có liên quan đến Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Tuy nhiên, Nghị quyết này có đặc thù với những quy định riêng về vấn đề hạ tầng giao thông và các vấn đề liên quan đến đấu thầu, huy động vốn trong nước, ngoài nước cho đầu tư phát triển đường sắt đô thị…

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết, vừa rồi trong một hội thảo ở TP.HCM, có ý kiến chuyên gia cho rằng, nếu để cho xây dựng 200 km đường sắt đô thị thì cần đến 25 tỷ USD. Nhưng, nếu như có cơ chế hợp lý, ví dụ như TOD (Transit Oriented Development - được hiểu là mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm), thì có thể huy động vốn trong nước một phần lớn, không nhất thiết phải lệ thuộc nhiều vào vốn vay nước ngoài.

Bên cạnh đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị ban hành Nghị quyết về Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM. Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, quy định sớm xây dựng thành công Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM.  Đây là một chuyện chưa có tiền lệ, hoàn toàn mới, để làm được cả Chính phủ và Lãnh đạo, Chính quyền TP.HCM cần có cơ chế của cơ quan quyền lực Nhà nước liên quan đến một loạt vấn đề về thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt trên lĩnh vực tài chính; quan hệ tài chính đa quốc gia; và một số vấn đề liên quan tới tư vấn, nghiên cứu và thí điểm...

Ngoài ra, trong năm 2025, TP.HCM cũng đề nghị có Nghị quyết tổng kết thi hành Nghị quyết số 31-NQ/TW về chính quyền đô thị TP.HCM, vì đã có những kinh nghiệm rất tốt, rất tích cực của TP.HCM và cần có sự tổng kết để đáp ứng những vấn đề mới phát sinh, những yêu cầu mới, qua đó nghiên cứu, áp dụng rộng rãi trên các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Bình luận