Đề nghị nâng mức hỗ trợ nhà ở cho người nghèo lên 70 - 80%

10:24 31/10/2023
Ý kiến một số ĐBQH đề nghị nâng mức hỗ trợ nhà ở cho người nghèo lên 70 - 80% giá trị căn nhà, quy định rõ thời gian tham gia vào từng Chương trình hỗ trợ về nhà ở…

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV dành cả ngày 30/10 để thảo luận, cho ý kiến về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Trong đó, riêng đối với ý kiến các ĐBQH liên quan đến vấn đề hỗ trợ hộ nghèo trong xây dựng nhà ở cho thấy, vẫn còn nhiều quy định chưa bám sát thực tiễn cần được địa phương phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để hoàn thiện cho phù hợp.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: quochoi.vn.

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn quan tâm đến các vấn đề liên quan đến mức hỗ trợ hộ nghèo trong xây dựng nhà ở, quy định tại khoản 2 Điều 9 Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Chính phủ. Trong đó, hỗ trợ xây dựng mới là 40 triệu đồng/hộ, sửa chữa là 20 triệu đồng/hộ từ nguồn vốn sự nghiệp NSTW.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái cho rằng, với định mức hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ chưa đủ để có thể bảo đảm được yêu cầu 3 cứng về chất lượng nhà ở sau khi được hỗ trợ theo Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái nêu quan điểm, đã là hộ nghèo còn phải lo ăn từng bữa. Để có tiền đối ứng để hoàn thiện căn nhà, bảo đảm tiêu chí 3 cứng như yêu cầu của Chương trình là vấn đề rất khó khăn, nan giải nhưng nguồn vốn hỗ trợ này của nhiều địa phương chưa thực hiện được.  

Kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét tăng mức hỗ trợ xây nhà lên đến 70 - 80% giá trị nhà ở đạt tiêu chí cho hộ nghèo.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: quochoi.vn.

Trong khi đó, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn quan tâm đến vấn đề xác định đối tượng thụ hưởng từ Chương trình mục tiêu quốc gia.

Tại Quyết định số 90/QĐ-TTg và Thông tư số 01/2022/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 quy định, đối tượng thụ hưởng không bao gồm các đối tượng đã được hỗ trợ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, dân tộc thiểu số và miền núi và các Chương trình, Đề án chính sách khác.

Theo ý kiến của đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, cả 2 VBQPPL nêu trên đều không quy định cụ thể về thời gian tối thiểu từ khi hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ nhà ở từ các Chương trình, Đề án, Chính sách hỗ trợ nhà ở khác, trong khi nhà ở đã hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sụp đổ.

Trong đó, tỉnh Bắc Kạn với hơn 10.000 hộ gia đình cần hỗ trợ, trong đó còn khá nhiều trường hợp đã được hỗ trợ nhà ở theo chương trình chính sách khác như Chương trình hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 134/2004, Quyết định số 67/2008, thời gian được hỗ trợ cũng đã trên 10 năm, có địa phương đã từ 15 - 19 năm. Mức hỗ trợ theo Chương trình này rất thấp, từ 5 - 6 triệu đồng/hộ, yêu cầu tuổi thọ nhà ở rất ngắn.

Hiện nay, nhiều hộ được hỗ trợ theo các Chương trình này vẫn thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hiện trạng nhà ở đã hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sụp đổ và có nhu cầu cấp thiết cần được hỗ trợ về nhà ở để ổn định cuộc sống.

Ngoài ra, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị cần đánh giá hiệu quả nguồn vốn của hai Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng như Chương trình giảm nghèo về hỗ trợ nhà ở cho các hộ gia đình có nhu cầu cấp thiết.

Đối với nguồn vốn chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, được hỗ trợ 40 triệu đồng và được Ngân hàng Chính sách cho vay thêm 40 triệu đồng nguồn vốn Trung ương.

Còn đối với chương trình giảm nghèo thì người dân chỉ được hỗ trợ 40 triệu đồng.

Do vậy, người dân có sự lựa chọn trong việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Bình luận