Sáng 14/8, UBTVQH đã nghe và cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Về một số nội dung của dự thảo Luật còn có ý kiến khác nhau, cần xin ý kiến UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, có ý kiến đề nghị điều chỉnh nâng mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT. Vì, nếu tính theo tỷ lệ tăng GDP và CPI bình quân từ 2013 đến nay, mức này sẽ tương đương 285 triệu đồng/năm, trong khi Luật hiện hành quy định là 100 triệu đồng/năm.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, cơ quan thẩm tra đề nghị quy định cụ thể mức doanh thu hàng năm từ 200 triệu đồng, hoặc 300 triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT; đồng thời giao UBTVQH điều chỉnh mức doanh thu này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Về dịch vụ xuất khẩu, dự thảo Luật thu hẹp diện dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0%, trong đó chỉ bao gồm các dịch vụ liên quan đến lĩnh vực vận tải quốc tế. Hiện có 2 luồng quan điểm: Quan điểm thứ nhất cho rằng, về nguyên tắc, dịch vụ cung ứng cho các doanh nghiệp chế xuất không nên coi là dịch vụ xuất khẩu vì được tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam, vì vậy nhất trí với dự thảo của Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.
Quan điểm thứ hai cho rằng, nếu đánh thuế GTGT với các dịch vụ cung ứng cho doanh nghiệp chế xuất, cần có cơ chế cho các doanh nghiệp này được hoàn thuế GTGT đầu vào khi xuất khẩu hoặc bán sản phẩm vào thị trường trong nước. Điều này sẽ tạo ra gánh nặng lớn về thủ tục kê khai hoàn thuế và đặc biệt là chi phí về dòng tiền nộp thuế GTGT phát sinh cho các doanh nghiệp, nếu việc hoàn thuế không được thực hiện nhanh chóng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng, nếu chưa lường hết các tác động của chính sách, dự thảo Luật nên giữ như quy định hiện hành; đồng thời bổ sung quy định các dịch vụ cung cấp cho các doanh nghiệp trong khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất phải bảo đảm là các dịch vụ phục vụ trực tiếp cho sản xuất hàng xuất khẩu và không bao gồm dịch vụ cho cá nhân hoặc không liên quan đến hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu.
Dự thảo Luật cũng nên được chỉnh lý theo hướng giữ nguyên quy định hiện hành đối với các loại hình dịch vụ xuất khẩu khác, ngoại trừ một số nội dung sửa đổi để bảo đảm chặt chẽ trong áp dụng Luật, đúng nguyên tắc và chuẩn mực của thuế GTGT. Theo đó, các dịch vụ xuất khẩu phải bảo đảm là được bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, bao gồm cả các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ phần mềm, các sản phẩm (có nội dung số) cung cấp trên nền tảng số; văn bản dưới luật sẽ quy định chi tiết về việc xác định địa điểm tiêu dùng phù hợp với bản chất của các hoạt động, giao dịch cụ thể.
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; đối với cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh từ 100 triệu đồng/năm trở xuống, thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN.