Đề xuất 02 phương án xác định tài sản kết cầu hạ tầng đường sắt cố định

10:37 17/03/2025
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt là tài sản cố định phải có thời gian sử dụng từ 01 năm trở lên và có nguyên giá từ 10 triệu đồng (phương án 1) hoặc 30 triệu đồng (phương án 2) trở lên.
Đề xuất 02 phương án xác định tài sản kết cầu hạ tầng đường sắt cố định
Ảnh minh họa, nguồn: ITN.

Một số vướng mắc, bất cập cần phải sửa đổi

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2025/NĐ-CP ngày 03/02/2025, có hiệu lực từ ngày ký, quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu đường sắt thay thế Nghị định số 46/2018/NĐ-CP ngày 14/3/2018. Tại điểm b khoản 2 Điều 47 Nghị định số 15/2025/NĐ-CP, Bộ Tài chính có trách nhiệm “Quy định việc tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt và hướng dẫn việc kê khai, báo cáo về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt.”.

Theo đó, Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư quy định chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt và việc kê khai báo cáo tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt, nhằm thay thế Thông tư số 75/2018/TT-BTC ngày 17/8/2018 của Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi.

Theo Bộ Tài chính cho biết, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2025/NĐ-CP thay thế Nghị định số 75/2018/NĐ-CP, dẫn đến một số nội dung quy định tại Thông tư số 75/2018/TT-BTC không còn phù hợp với quy định đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt tại Nghị định số 15/2025/NĐ-CP như: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, loại tài sản, xác định nguyên giá tài sản…

Đồng thời, quá trình tổ chức thực hiện Thông tư số 75/2018/TT-BTC đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần phải sửa đổi để phù hợp với thực tiễn như: chưa có quy định cụ thể về việc xác định nguyên giá đối với tài sản chưa theo dõi, ghi sổ kế toán chưa đầy đủ hồ sơ để xác định nguyên giá/không có căn cứ để xác định nguyên gia; tài sản trong quá trình sử dụng thực hiện kiểm kê phát hiện thừa; tài sản tiếp nhận lại sau khi hết thời gian chuyển nhượng có thời hạn khai thác tài sản; các trường hợp thay đổi, điều chỉnh nguyên giá tài sản;

Chưa loại trừ một số trường hợp không áp dụng quy định về xác định nguyên giá, hao mòn tại Thông tư như tài sản giao cho doanh nghiệp tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, xác định tuổi thọ tài sản để thực hiện dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo, mở rộng, bảo trì, xác định giá trị tài sản để cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác…

02 phương án xác định tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt

Dự thảo Thông tư gồm 05 Chương, 17 Điều và các Phụ lục kèm theo về: (1) Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; (2) Quy định chung về quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt; (3) Nguyên giá, hao mòn, giá trị còn lại của tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt; (4) Kê khai, báo cáo về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt; (5) Điều khoản thi hành.

Đáng chú ý, về quy định về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được xác định nguyên giá, giá trị còn lại, tính hao mòn, Bộ Tài chính đề xuất 02 phương án: Phương án thứ nhất, theo danh mục tài sản quy định tại Thông tư số 75/2018/TT-BTC, chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi gồm: (1) Đường sắt quốc gia, ghi, cầm, cống, hầm, kè, tường chắn, đường ngang, hàng rào ngăn cách giữa đường sắt quốc gia và đường bộ; (2) Ga; (3) Đepo; (4) Phòng chỉ huy chạy tàu tại các trung tâm điều hành giao thông vận tải đường sắt quốc gia; (5) Hệ thống cấp, thóat nước; hệ thống thông tin tín hiệu; hệ thống cấp điện liên quan trực tiếp đến chạy tàu; (6) Nhà cung cầu, cung đường, cung thông tin tín hiệu đường sắt quốc gia, nhà đặt các thiết bị thông tin tín hiệu đường sắt quốc gia, nhà gác cầu, nhà gác hầm, nhà gác chắn đường ngang; (7) Đường bộ trong ga không phục vụ tác nghiệp chạy tàu; (8) Quảng trường ga; (9) Kho, bãi chứa hàng hóa không trực tiếp liên quan đến chạy tàu; (10) Các công trình dịch vụ, thương mại tại các ga đường sắt quốc gia; (11) Các tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt khác.

Phương án thứ hai, theo danh mục tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, thực hiện kiểm kê theo Đề án tổng kiểm kê tài sản công, gồm: (1) Đường sắt quốc gia; (2) Cầu đường sắt; (3) Hầm đường sắt; (4) Cống đường sắt; (5) Nền đường sắt; (6) Ga đường sắt; (7) Đepo; (8) Hệ thống thông tin tín hiệu; (9) Công trình, hạng mục khác.

Bên cạnh đó, đối với tiêu chuẩn để xác định tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt là tài sản cố định, Bộ Tài chính cũng đề xuất 02 phương án: Phương án thứ nhất, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 75/2018/TT-BTC: Có thời gian sử dụng từ 01 năm trở lên; Có nguyên giá từ 10 triệu đồng trở lên.

Phương án thứ hai, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định: Có thời gian sử dụng từ 01 năm trở lên; Có nguyên giá từ 30 triệu đồng trở lên.

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 46/2018/NĐ-CP, tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được giao cho: (i) Cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ GTVT thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về đường sắt - Cục Đường sắt Việt Nam (cơ quan quản lý tài sản); (ii) Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ quản lý (doanh nghiệp quản lý tài sản) theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong một thời kỳ nhất định, Bộ GTVT chủ trì lập Đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, sau 05 năm thực hiện quy định này, việc giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho đối tượng quản lý phát sinh bất cập, nên vẫn chưa chưa giao được cho đối tượng quản lý theo quy định. Đến nay, Nghị định số 15/2025/NĐ-CP vừa ban hành ngày 03/02/2025 được kỳ vọng khắc phục được những hạn chế, bất cập của Nghị định số 46/2018/NĐ-CP, việc dự thảo để ban hành Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết hơn điểm b khoản 2 Điều 47 Nghị định số 15/2025/NĐ-CP là rất cần thiết.

Bình luận