Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc ngày 12/02 và bế mạc vào ngày 18/02/2025. Tại kỳ họp, Quốc hội dự kiến xem xét Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM.

Đề xuất 6 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt
Dự thảo Nghị quyết do Chính phủ xây dựng, đã đề xuất, quy phạm hóa 6 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt với mục tiêu cụ thể như sau:
Nhóm chính sách 1 về huy động nguồn vốn: tập trung huy động nguồn vốn để đầu tư hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị. Linh hoạt trong công tác bố trí vốn từ ngân sách Trung ương, địa phương, vốn ODA, vốn vay ưu đãi, bảo đảm đáp ứng tiến độ thực hiện dự án, thực hiện trước một số nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư.
Nhóm chính sách 2 về trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư: rút ngắn tiến độ triển khai dự án từ giai đoạn chuẩn bị dự án; phân cấp, phân quyền trong công tác thẩm định và phê duyệt dự án; tháo gỡ các vướng mắc về định mức, đơn giá xây dựng; rút ngắn thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu; tạo cơ chế sinh hoạt về nguồn vốn thanh toán.
Nhóm chính sách 3 về phát triển mô hình TOD: áp dụng giải pháp quy hoạch để phát triển đô thị gắn kết với giao thông đường sắt đô thị, khai thác hiệu quả quỹ đất xung quanh các ga, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển đường sắt đô thị.
Nhóm chính sách 4 về phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo: quy định các nội dung đặc thù về lựa chọn áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các tuyến đường sắt đô thị; phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo phát triển nguồn nhân lực; phát triển công nghiệp và chuyển giao công nghệ.
Nhóm chính sách 5 về VLXD và bãi đổ thải: giảm trình tự, thủ tục, thực hiện phân cấp, bảo đảm cung cấp vật liệu xây dựng, bãi đổ thải đủ nhu cầu, kịp thời để phục vụ dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD.
Nhóm chính sách 6 về các chính sách áp dụng riêng cho TP.HCM: quy định các nội dung tương tự các quy định tại Luật Thủ đô cho TP.HCM về các khoản thu trong khu vực TOD; các hình thức vay và tổng mức dư nợ vay; và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn; lựa chọn nhà đầu tư dự án TOD; phân cấp, phân quyền thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhằm tạo cơ chế, chính sách tương đồng giữa Hà Nội và TP.HCM về ưu tiên cho đường sắt đô thị.
Các nhóm chính sách đã được đề cập trong Đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM kế thừa các chính sách trong Luật Thủ đô, các chính sách tại Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Các chính sách đã được thực hiện báo cáo đánh giá tác động đầy đủ, xác định lợi ích đem lại.
Đề nghị không quy định cứng về tài chính, nguồn tiền
Liên quan đến đến nội dung trên, ngày 10/02, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã họp phiên toàn thể mở rộng về Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM.

Trong đó, đối với nhóm chính sách về huy động vốn quy định: Trong quá trình chuẩn bị đầu tư, Thủ tướng Chính phủ được quyền quyết định việc cân đối, bố trí kế hoạch hằng năm số vốn ngân sách Trung ương bổ sung tối đa 215.350 tỉ đồng cho Hà Nội và 209.500 tỉ đồng cho TP.HCM.
Đồng thời, cho phép huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi mà không phải lập đề xuất dự án; HĐND Thành phố có trách nhiệm bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn; UBND Thành phố được bố trí vốn để triển khai trước một số công việc phục vụ cho dự án.
Thảo luận về nội dung này, đa số các đại biểu cho rằng, cần thiết áp dụng các chính sách đặc thù trong Nghị quyết của Quốc hội cho việc đầu tư mạng lưới đường sắt đô thị, bởi đây là trục “xương sống” của hệ thống vận tải công cộng của 2 thành phố.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ làm rõ ưu, nhược điểm chính sách về phát triển đô thị theo mô hình TOD (giao thông công cộng).
Một số đại biểu cũng cho rằng, cần khuyến khích đấu thầu thay vì áp dụng chính sách chỉ định thầu để phù hợp với tình hình hiện nay.
Bên cạnh đó, các đại biểu nhấn mạnh, cần đánh giá việc ưu tiên phân bổ nguồn lực gồm ngân sách Trung ương, tăng thu tiết kiệm chi, nguồn vốn ODA… để các quy định không trùng nhau.
Đồng thời, đề nghị không quy định cứng về tài chính, nguồn tiền mà chỉ quy định các nguồn lực ưu tiên.
Trước đó, tại Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 08/02/2025, Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Theo đó, Chính phủ giao Bộ GTVT tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội theo đúng quy định; chịu trách nhiệm về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và trình Quốc hội thông qua tại một kỳ họp (tháng 02/2025).
Cùng với đó, Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội, UBND TP.HCM có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan cho Bộ Tư pháp theo quy định, bảo đảm tiến độ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo yêu cầu.