Đề xuất bổ sung quy hoạch Dự án thủy lợi kết hợp thủy điện Tén Tằn

19:35 26/05/2022
Công trình Thủy lợi - Thủy điện Tén Tằn, tỉnh Thanh Hóa được đầu tư xây dựng năm 1997 và đưa vào vận hành khai thác năm 2001, có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 240ha đất sản xuất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt, phát điện với công suất 320KW.

Qua quá trình khai thác sử dụng, công trình đã xuống cấp, đập đầu mối bị hư hỏng, cống xả cát bị vỡ hỏng... lòng hồ bị bồi lấp nên việc cung cấp nước cho thủy lợi và sinh hoạt gặp khó khăn.

Tại hồ sơ bổ sung quy hoạch, Công ty CP Mường Lát đề xuất cải tạo, nâng cấp các công trình nêu trên và đề xuất bổ sung quy hoạch Dự án thủy lợi kết hợp thủy điện Tén Tằn với quy mô công suất 12MW, công trình đặt tại xã Tén Tằn, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.

Theo Bộ Xây dựng, để có cơ sở đánh giá và xem xét việc bổ sung quy hoạch Dự án thủy lợi kết hợp thủy điện Tén Tằn, tỉnh Thanh Hóa, hồ sơ cần bổ sung báo cáo về hiện trạng các công trình hiện hữu từ đó làm cơ sở để đề xuất phương án đầu tư xây dựng phù hợp. Có đánh giá sơ bộ về an toàn hồ, đập và an toàn các công trình có liên quan đến Dự án thủy lợi kết hợp thủy điện Tén Tằn đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình thực hiện dự án, khai thác và vận hành an toàn công trình đảm bảo an sinh cho người dân hạ du khu vực dự án, không làm ảnh hưởng đến quy hoạch hạ tầng xây dựng trong khu vực.

Rà soát để bổ sung các bản vẽ thiết kế sơ bộ thể hiện phương án đấu nối của dự án vào lưới điện khu vực bao gồm: Trạm PP 35kV ngoài trời, hệ thống đường dây 35kV; khu quản lý vận hành như đã được thể hiện tại thuyết minh theo quy định trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng.

Đối với những nội dung thiết kế nâng cấp, cải tạo cần được nghiên cứu, thiết kế căn cứ trên số liệu điều tra, khảo sát địa chất công trình, khảo sát địa chất thủy văn nhằm đảm bảo cơ sở đề ra các giải pháp thiết kế an toàn công trình và an toàn công trình lân cận trong khu vực dự án.

Rà soát để cập nhật, bổ sung các văn bản pháp luật thay thế các văn bản đã hết hiệu lực.

Các nội dung liên quan tới giải tỏa công suất của hệ thống điện khu vực tỉnh Thanh Hóa cần được phân tích, làm rõ để đảm bảo tính khả thi phương án đấu nối vào lưới điện khu vực. Phân tích, đánh giá đầy đủ những khó khăn, thuận lợi và hiệu quả kinh tế-xã hội của dự án.

Rà soát để cập nhật, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn thay thế các quy chuẩn, tiêu chuẩn đã hết hiệu lực. Việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn xây dựng cần đảm bảo tính đồng bộ, tính khả thi của hệ thống tiêu chuẩn được áp dụng; tuân thủ quy định tại Điều 6 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, Điều 8 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Phân tích, đánh giá về tính đặc thù của dự án làm cơ sở để đưa ra các giải pháp kỹ thuật sơ bộ nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế-xã hội của dự án.

Rà soát, hoàn chỉnh đảm bảo các quy định tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan để làm cơ sở chuẩn bị thu xếp nguồn vốn, lập kế hoạch vốn đầu tư đảm bảo hiệu quả kinh tế-xã hội của dự án.

Đề xuất dự án có quy mô công suất 12MW cần được xem xét căn cứ vào các yêu cầu kỹ thuật của hệ thống điện khu vực dự án, đảm bảo cân đối cơ cấu nguồn điện trong tổng thể phát triển ngành điện.

Bộ Công Thương đánh giá và chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ bổ sung quy hoạch theo quy định đồng thời đảm bảo đúng mục tiêu, sự phù hợp và yêu cầu về cơ cấu nguồn điện trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được phê duyệt.

Bình luận