Đề xuất chính sách riêng đối với nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp

07:01 24/09/2022
Bộ Xây dựng hiện đang chủ trì nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở 2014, trong đó có đề xuất chính sách riêng đối với nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp để công nhân, người lao động thuê trong khu công nghiệp.

Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Nam với nội dung: Hiện nay trên địa bàn cả nước đã có rất nhiều công ty, nhà máy hoạt động tạo công ăn việc làm cho người lao động, tuy nhiên vấn đề nhà ở cho công nhân còn gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, cử tri đề nghị có phương án nên dành một phần quỹ đất để xây dựng các khu nhà ở xã hội (NƠXH) giá rẻ bán cho công nhân thu nhập thấp để họ an cư lập nghiệp.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, trong đó có nhà ở dành cho người lao động, công nhân khu công nghiệp (KCN) luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo đó, để phát triển nhà ở dành cho công nhân tại các KCN, pháp luật về nhà ở đã có các chính sách ưu đãi để giảm giá thành nhà ở, tạo điều kiện cho người lao động có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở có cơ hội tiếp cận NƠXH.

Cụ thể, miễn tiền sử dụng đất; được dành 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng NƠXH để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; Giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; Hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án; Cho vay ưu đãi lãi suất thấp; Chi phí mua hoặc thuê nhà ở cho công nhân được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp…

Về quỹ đất phát triển NƠXH dành cho công nhân KCN, pháp luật về nhà ở cũng đã quy định UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch có trách nhiệm xác định rõ diện tích đất để xây dựng NƠXH khi phê duyệt quy hoạch xây dựng KCN.

Ảnh minh họa: Internet.

Ngoài ra, công nhân KCN thuộc 10 nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách NƠXH theo Điều 49 Luật Nhà ở nên ngoài các dự án nhà ở công nhân KCN thì công nhân còn là nhóm đối tượng được mua NƠXH cho người thu nhập thấp khu vực đô thị.

Với các chính sách ưu đãi nêu trên, đến nay trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 301 dự án NƠXH khu vực đô thị với tổng diện tích hơn 7,8 triệu m². Trong đó, đối với NƠXH dành cho công nhân KCN đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, với tổng diện tích khoảng 03 triệu m² sàn.

Theo Bộ Xây dựng, kết quả phát triển NƠXH mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra (với số lượng nhà ở công nhân đã hoàn thành là 03 triệu m² thì mới đạt khoảng hơn 40% mục tiêu về nhà ở công nhân KCN đến năm 2020), số lượng công nhân còn lại hiện nay chưa có chỗ ở ổn định, đang phải ở tại các khu nhà trọ do người dân tự đầu tư xây dựng.

Theo pháp luật nhà ở hiện hành thì chính sách nhà ở cho công nhân làm việc trong KCN đang được lồng ghép vào chính sách NƠXH, áp dụng chung cho 10 nhóm đối tượng theo quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở năm 2014.

Các cơ chế ưu đãi cũng áp dụng chung như nhà ở thu nhập thấp khu vực đô thị, chỉ bổ sung cơ chế ưu đãi đối với doanh nghiệp lo nhà ở cho công nhân thì được tính toán chi phí vào giá thành.

Mặc dù Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về quản lý và phát triển NƠXH đã tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển NƠXH (trong đó có nhà ở dành cho công nhân KCN). Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc về NƠXH nói chung và nhà ở cho công nhân KCN nói riêng do Luật Nhà ở và một số luật khác liên quan quy định.

Bộ Xây dựng cho biết, Bộ hiện đang chủ trì nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở 2014, trong đó có đề xuất chính sách riêng đối với nhà lưu trú công nhân KCN để công nhân, người lao động thuê trong KCN. Ngoài ra, công nhân còn thuộc đối tượng được mua, thuê mua, thuê NƠXH ở ngoài khu KCN như các đối tượng chính sách khác.

Theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội thì Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 năm 2023.

Bình luận