Xây dựng chỉ số giá cho các dự án cao tốc
Khoản 1 Điều 27, Nghị định 10/2021/NĐ-CP ngày 9/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng quy định, chỉ số giá xây dựng là chỉ tiêu phản ánh mức độ biến động của giá xây dựng theo thời gian, làm cơ sở xác định, điều chỉnh sơ bộ tổng mức ĐTXD, tổng mức ĐTXD, dự toán xây dựng, giá gói thầu xây dựng, giá hợp đồng xây dựng, quy đổi vốn ĐTXD công trình và quản lý chi phí ĐTXD.
Khoản 3 Điều 27 của Nghị định này quy định việc xây dựng, công bố chỉ số giá xây dựng, trong đó Bộ Xây dựng sẽ hướng dẫn phương pháp xác định chỉ số giá xây dựng, Sở Xây dựng địa phương tổ chức xác định chỉ số giá xây dựng để UBND tỉnh công bố hoặc phân cấp, ủy quyền công bố.
Tuy nhiên, tại khoản 5 Điều 27 của Nghị định này cũng quy định chủ đầu tư được thuê tổ chức, cá nhân tư vấn quản lý chi phí để tính toán chỉ số giá xây dựng.
Do đó, hầu hết ý kiến UBND các tỉnh và ban quản lý dự án giao thông thống nhất để chủ đầu tư thuê tư vấn quản lý chi phí tính toán chỉ số giá xây dựng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, trình Bộ Xây dựng ban hành, có thể kể đến ý kiến của Phó Chủ tịch UBND các tỉnh Bình Định, Ninh Thuận, Hậu Giang; Ban QLDA Thăng Long...
Trong đó, chia sẻ về quá trình triển khai một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn, ông Nguyễn Tự Công Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, dự án đường bộ cao tốc Bắc -Nam đoạn qua tỉnh Bình Định có 3 dự án thành phần Quảng Ngãi - Hội Nhơn, Hội Nhơn - Quy Nhơn và Quy Nhơn - Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), trong đó chỉ có đoạn Hội Nhơn - Quy Nhơn nằm trọn trên địa bàn tỉnh Bình Định, 2 đoạn còn lại nằm trên địa bàn 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh Quảng Ngãi và Phú Yên. Do đó, nếu từng địa phương thực hiện công bố chỉ số giá theo yêu cầu sẽ dẫn đến sự chênh lệch, gây khó khăn cho chủ đầu tư trong quản lý chi phí, quản lý hợp đồng. Đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao chủ đầu tư tổ chức xác định chỉ số giá xây dựng hằng tháng để áp dụng riêng cho các gói thầu dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam.
Ông Dương Viết Roãn - Giám đốc Ban QLDA Thăng Long, Bộ GTVT cho rằng cần thiết xây dựng chỉ số giá riêng cho các dự án cao tốc, vì các dự án này chi lượng kinh phí rất lớn trong thời gian ngắn, tiến độ thực hiện dự án gấp. Năm 2021, ngành Giao thông đã triển khai một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, trong đó có 02 dự án thành phần Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây.
Theo công bố giá và chỉ số giá của các địa phương, 02 dự án này nếu điều chỉnh theo công thức trong hợp đồng thì giá trị dự án tăng khoảng 5-7% tùy từng địa phương; nhưng khi tính theo giá trị trượt giá thực tế thì giá trị dự án tăng tới 17-18%, trong khi tiến độ thi công của các dự án rất nhanh, ngốn một lượng vốn rất lớn, nếu không có giải pháp kịp thời các nhà thầu sẽ hụt vốn rất nhiều để đẩy nhanh được tiến độ.
Ông Dương Viết Roãn - Giám đốc Ban QLDA Thăng Long, Bộ GTVT cho rằng cần thiết xây dựng chỉ số giá riêng cho các dự án cao tốc, vì các dự án này chi lượng kinh phí rất lớn trong thời gian ngắn, tiến độ thực hiện dự án gấp. Năm 2021, ngành Giao thông đã triển khai một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, trong đó có 02 dự án thành phần Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây. Theo công bố giá và chỉ số giá của các địa phương, 02 dự án này nếu điều chỉnh theo công thức trong hợp đồng thì giá trị dự án tăng khoảng 5-7% tùy từng địa phương; nhưng khi tính theo giá trị trượt giá thực tế thì giá trị dự án tăng tới 17-18%, trong khi tiến độ thi công của các dự án rất nhanh, ngốn một lượng vốn rất lớn, nếu không có giải pháp kịp thời các nhà thầu sẽ hụt vốn rất nhiều để đẩy nhanh được tiến độ.
Mỏ vật liệu phải được xác định chính xác
Bên cạnh đó, ông Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng lưu ý các bên liên quan trong xác định chính xác vị trí, trữ lượng, chất lượng vật liệu đắp cho dự án cao tốc Bắc - Nam, đề nghị các Bộ chỉ đạo đơn vị tư vấn khi đi xác định vùng nguyên liệu phục vụ cho dự án cao tốc Bắc - Nam phải xác định chính xác, tránh làm khó khăn cho các nhà thầu.
Tại Thanh Hóa, mặc dù đã xác định các mỏ vật liệu phục vụ cao tốc Bắc - Nam nhưng khi triển khai thì trữ lượng, chất lượng và quy hoạch mỏ không phù hợp, không đầy đủ đã phải nhờ áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 60/NQ-CP của Chính phủ mới tạo điều kiện thuận lợi hơn, nhưng về cơ bản nếu không xác định chính xác sẽ gây rất nhiều khó khăn cho địa phương, nhà thầu.
Liên quan đến quá trình thi công cao tốc Bắc - Nam, tỉnh Thanh Hóa đang rất vướng mắc về vấn đề chất lượng đường giao thông. Khi lưu lượng giao thông tăng dẫn đến ảnh hưởng đến kết cấu mặt đường do tăng lưu lượng so với lưu lượng trong thiết kế, còn do quá tải mà hỏng là do trách nhiệm của địa phương. Tại Thanh Hóa có nhiều gói thầu nên lưu lượng phương tiện vận chuyển tăng so với lưu lượng trong thiết kế đường giao thông, dẫn đến chất lượng đường xuống cấp nhanh.
UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo ưu tiên bố trí nguồn vốn để sửa chữa các tuyến đường tỉnh này, nhưng đối với các tuyến đường cấp huyện thì ngân sách rất khó khăn để thực hiện. Đề nghị Bộ Xây dựng làm rõ chi phí hoàn trả hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông do việc thi công công trình tăng đột biến về lưu lượng và tăng hơn so với thiết kế đường giao thông, để có giải pháp để xử lý vấn đề này.
Ngoài ra, theo Luật Xây dựng sửa đổi, đối với dự án lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, không phân cấp cho cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định nữa mà trách nhiệm thẩm định thuộc người quyết định đầu tư. Vì vậy, trường hợp người quyết định đầu tư là UBND cấp xã sẽ khó đảm bảo chất lượng dự án do điều kiện, trình độ của cán bộ chính quyền cấp xã còn hạn chế, không có cơ quan chuyên môn như cấp tỉnh, cấp huyện; cần giao cho phòng chuyên môn cấp huyện thẩm định dự án sau đó giao cho cấp xã thực hiện.