Đề xuất cơ chế ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng NƠXH

12:58 20/03/2025
Theo Bộ Xây dựng, việc tăng lợi nhuận định mức tối đa lên 13% đối với các dự án đầu tư xây dựng NƠXH, sẽ góp phần đạt mục tiêu hoàn thành ít nhất 1 triệu căn NƠXH đến năm 2030.
Đề xuất cơ chế ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng NƠXH
Ảnh minh họa, nguồn: ITN.

Bộ Xây dựng đã dự thảo và đang xin ý kiến cho dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù phát triển NƠXH.

Cần rút ngắn thời gian xây dựng dự án đầu tư

Theo Bộ Xây dựng, thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021-2030”, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, cả nước có 655 dự án NƠXH được triển khai với quy mô 593.428 căn, trong đó có 103 dự án dự án hoàn thành với quy mô 66.755 căn; 137 dự án dự án đã khởi công xây dựng với quy mô 114.618 căn; 415 dự án dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 412.055 căn, đạt tổng số 66.755 căn hộ hoàn thành, bằng khoảng 15,6% mục tiêu của Đề án đến năm 2025.

Việc phát triển NƠXH có một số tồn tại, hạn chế như: Chưa có Quỹ tài chính để hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp; Việc lựa chọn chủ đầu tư theo quy định tại Điều 84 Luật Nhà ở 2023 sẽ phải thực hiện các thủ tục hành chính và mất nhiều thời gian;

Phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư như các dự án nhà ở thương mại với sự tham gia phối hợp ý kiến của nhiều cơ quan gây tốn kém thời gian của doanh nghiệp; Phải thực hiện lần lượt các thủ tục quy hoạch, thiết kế, chuẩn bị đầu tư… làm kéo dài thời gian thực hiện dẫn đến tốn kém, chậm đưa đất vào sử dụng, gây lãng phí tài nguyên đất đai;

Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất trong KCN không được thuê NƠXH của các chủ đầu tư để cho cá nhân là người lao động của mình để ở;

Chưa có quy định để địa phương sử dụng NSNN thực hiện GPMB, đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật; Lợi nhuận định mức của chủ đầu tư (10%) chưa thực sự thu hút được các doanh nghiệp tham gia.

Từ đó đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép thí điểm: “Một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển NƠXH” nhằm đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian xây dựng dự án đầu tư xây dựng NƠXH, đồng thời hoàn thành mục tiêu đã được đề ra tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển NƠXH trong tình hình mới.

Đề xuất 07 cơ chế, chính sách đặc thù

Theo Bộ Xây dựng, Xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển NƠXH nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất; tạo cơ chế ưu đãi hơn nữa để thu hút các doanh nghiệp tham gia; giúp người dân có thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận với nhà ở phù hợp, đồng thời cân đối cung - cầu, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa bất động sản, từ đó tác động hạ giá thành phân khúc nhà ở thương mại, giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh hơn.

Để đạt được mục đích, Bộ Xây dựng đề xuất 07 cơ chế, chính sách về việc: Thành lập “Quỹ phát triển NƠXH Quốc gia” từ nguồn vốn NSNN và nguồn vốn hợp pháp khác; Lựa chọn chủ đầu tư dự án NƠXH không thông qua đấu thầu; Dự án NƠXH không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; Thực hiện đồng thời các thủ tục vào thủ tục cấp phép xây dựng; Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong KCN được thuê NƠXH của các chủ đầu tư để cho cá nhân là người lao động của mình để ở; Hỗ trợ, tạo quỹ đất, GPMB, đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật để phát triển NƠXH; Chủ đầu tư được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 13% tổng chi phí đầu tư xây dựng đối với phần diện tích xây dựng NƠXH.

Trong đó, riêng đối với chính sách chủ đầu tư được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 13% tổng chi phí đầu tư xây dựng đối với phần diện tích xây dựng NƠ XH, nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng NƠXH đảm bảo mục tiêu hoàn thành ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH đến năm 2030, Bộ Xây dựng cho biết, theo Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý NƠXH, phần ưu đãi đối với 20% tổng diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại cũng phải hạch toán chung vào toàn bộ dự án NƠXH để đảm bảo lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án không vượt quá 10% đã làm giảm sự thu hút các doanh nghiệp trong giai đoạn này.

Mặc dù Luật Nhà ở năm 2023 đã sửa đổi, bổ sung theo hướng tháo gỡ vướng mắc, bật cập này nhưng trong quá trình theo dõi việc thi hành Luật Nhà ở năm 2023, vẫn có nhiều ý kiến doanh nghiệp phản ánh, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại thường có lợi nhuận từ 15 - 25%, do đó với mức lợi nhuận của dự án NƠXH 10% như hiện nay là thấp, không đủ bù đắp rủi ro đầu tư dài hạn.

Từ thực tiễn này đặt ra vấn đề, cần có cơ chế ưu đãi hơn nữa để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng NƠXH, Bộ Xây dựng đề xuất tăng lợi nhuận định mức tối đa 13% đối với các dự án đầu tư xây dựng NƠXH, để đạt mục tiêu hoàn thành ít nhất 1 triệu căn NƠXH đến năm 2030.

 

Bình luận