
Huyện Văn Giang nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Hưng Yên, giáp Thủ đô Hà Nội.
Theo Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020; và Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, huyện Văn Giang được xác định là trung tâm kinh tế - xã hội phía Tây Bắc tỉnh Hưng Yên, phát triển theo định hướng: Đô thị - công nghiệp - thương mại - dịch vụ và phát triển nhà ở, gắn với vùng tỉnh Hưng Yên và vùng Thủ đô Hà Nội.
Trong khi đó, Quy hoạch chung đô thị Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đến năm 2040 và Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, đến năm 2025, huyện Văn Giang cơ bản đạt tiêu chuẩn đô thị loại III, giai đoạn 2030, tiến tới thành lập TP Văn Giang. Giai đoạn đến năm 2037, đô thị Văn Giang có thể đáp ứng tiêu chí thành quận của TP Hưng Yên.
Theo số liệu thống kê, huyện Văn Giang hiện có dân số là 204.964 người, bao gồm dân số thường trú là 128.387 người; dân số tạm trú quy đổi là 75.613 người.
Trong năm 2023, tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt 7.503,9 tỷ đồng, tổng chi ngân sách là khoảng 4.700,6 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 10,43 triệu đồng người/tháng, gấp 2,2 lần so với bình quân cả nước lần.
Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng theo mục tiêu đề ra, mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm (2021-2023) đạt 15,4%; huyện Văn Giang không còn hộ nghèo, tỷ lệ tăng dân số năm 2023 của huyện Văn Giang đạt 1,95%.
Căn cứ quy định tại Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị, kết quả từ đánh giá tính điểm đô thị Văn Giang của địa phương theo 5 nhóm tiêu chí, tổng điểm đạt 88,31/100 điểm, cao hơn mức yêu cầu tổi thiểu là 13,31 điểm.
Trong đó có 34 tiêu chuẩn đạt điểm tối đa; 16 tiêu chuẩn đạt điểm trung bình và tối thiểu; 5 tiêu chuẩn chưa đạt điểm gồm: công trình thể dục, thể thao cấp đô thị; đầu mối giao thông; tỷ lệ phục vụ vận tải hành khách công cộng; nhà tang lễ; quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị.
“Căn cứ các tiêu chuẩn về phân loại đô thị; thực trạng cũng như tiềm năng phát triển, đô thị Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đã cơ bản đạt được các tiêu chí, đủ điều kiện đề nghị được công nhận, xếp loại là đô thị loại III”, ông Nguyễn Hùng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết.
Do đó, việc công nhận huyện Văn Giang là đô thị loại III có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao vị thế, thúc đẩy sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như việc đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại và phát triển bền vững, tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành kinh tế công nghiệp, dịch vụ, du lịch đầy tiềm năng của huyện.
Theo Quy hoạch chung đô thị Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng phát triển không gian đô thị Văn Giang được chia thành 3 phân vùng gồm:
Vùng đô thị hóa tập trung là phần diện tích xây dựng các khu đô thị được xác định trên cơ sở mở rộng thị trấn Văn Giang, gắn kết với hai khu đô thị lớn là Ecopark và Dream City, gồm từng phần hoặc toàn bộ địa phận hành chính các xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao, Long Hưng, Liên Nghĩa, Nghĩa Trụ.
Các vùng đệm sẽ phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, logistic, thương mại, dịch vụ... Còn vùng bãi ngoài để phát triển đô thị sinh thái, dịch vụ du lịch, cảnh quan môi trường, quản lý xây dựng, gắn với các khu dân cư hiện hữu được cải tạo, nâng cấp.
Bên cạnh đó, đô thị Văn Giang cũng sẽ có 6 phân khu quản lý phát triển đô thị.