Đề xuất đầu tư hơn 43,7 nghìn tỷ đồng cho xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku

13:13 19/05/2025
Chính phủ đề xuất đầu tư hơn 43,7 nghìn tỷ đồng cho xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku với một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt đã được Quốc hội quyết định cho một số dự án đường bộ cao tốc, dự án đường sắt.
Đề xuất đầu tư hơn 43,7 nghìn tỷ đồng cho xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku
Ảnh minh họa.

Sáng 19/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.

Đáp ứng nhu cầu vận tải trên trục Đông - Tây

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh trình bày Tờ trình của Chính phủ cho biết, việc sớm đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku là cấp thiết để thực hiện mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo định hướng của Đảng và Nhà nước; đáp ứng nhu cầu vận tải trên trục Đông - Tây và bảo đảm quốc phòng, an ninh; phân bổ lại và tạo ra không gian mới phục vụ phát triển kinh tế; phát triển phương thức vận tải bền vững hiện đại, góp phần giảm tai nạn giao thông.

Việc đầu tư Dự án phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Đảng; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm; phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 bổ sung, với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên của Quốc hội; phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ; phù hợp với Quy hoạch của các ngành, các vùng và các địa phương có liên quan.

Dự án có sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 43.734 tỷ đồng, đề xuất sử dụng nguồn vốn NSNN từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi NSNN năm 2024, nguồn NSTW và địa phương giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh. Ảnh: daibieunhandan.·

Đề xuất phân chia thành 02 dự án thành phần: (1) Dự án thành phần 1: đoạn tuyến nằm trên địa phận tỉnh Bình Định; (2) Dự án thành phần 2: đoạn tuyến nằm trên địa phận tỉnh Gia Lai. Chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2025, hoàn thành Dự án năm 2029.

Dự án có tổng diện tích đất chiếm dụng sơ bộ khoảng 942,15 ha, gồm: đất trồng lúa khoảng 189,92 ha; đất lâm nghiệp khoảng 257,35; các loại đất khác theo quy định của pháp luật đất đai khoảng 494,88 ha. Có khoảng khoảng 491 hộ dân bị ảnh hưởng…

Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết, trên cơ sở nghiên cứu, rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội quyết định cho một số dự án đường bộ cao tốc, dự án đường sắt và trên cơ sở đặc điểm của Dự án, Chinh phủ đề xuất cho phép áp dụng 09 cơ chế, chính sách, trong đó có: 03 chính sách đã được áp dụng cho dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, 05 chính sách đã được áp dụng cho dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và 01 chính sách đã được áp dụng cho dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Bảo đảm chính sách phù hợp mục tiêu của Dự án

Chủ nhiệm Ủy ban KT-TC Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra cho biết, Dự án đáp ứng các tiêu chí dự án quan trọng quốc gia. Về việc Chính phủ đề xuất phân chia Dự án thành 02 dự án thành phần, theo địa giới hành chính của tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai, dự kiến tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai sẽ sáp nhập thành tỉnh Gia Lai, khi đó Dự án sẽ nằm trọn trong địa bàn một tỉnh. Đề nghị nghiên cứu phương án phân chia dự án thành phần phù hợp với chủ trương sáp nhật tỉnh, năng lực quản lý của địa phương, yêu cầu kỹ thuật của Dự án nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, hiệu quả của toàn bộ Dự án.

Chủ nhiệm Ủy ban KT-TC Quốc hội Phan Văn Mãi. Ảnh: daibieunhandan.·

Về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, Chính phủ đề xuất sử dụng nguồn vốn NSNN từ các nguồn sau; (i) Tăng thu, tiết kiệm chi NSNN năm 2024; (ii) NSTW giai đoạn 2021-2025 và NSTW và địa phương giai đoạn 2026-2030. Đồng thời, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt: “Dự án không phải thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công”. Đề nghị Chính phủ căn cứ quy định của Luật Đầu tư công hiện hành báo cáo bổ sung việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của Dự án.

Đáng chú ý, về việc Chính phủ đề xuất 09 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho Dự án, là các chính sách đã được Quốc hội cho phép áp dụng đối với một số dự án quan trọng quốc gia trong thời gian qua, do đó đề xuất của Chính phủ là có cơ sở.

Tuy nhiên, một số chính sách đã được điều chỉnh so với các chính sách tương tự được áp dụng cho một số dự án thời gian qua, như chính sách về khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường phục vụ Dự án, đề xuất các tiểu dự án GPMB được áp dụng cơ chế về mỏ vật liệu, trong khi các dự án trước đây chỉ cho phép áp dụng đối với các hạng mục xây dựng chính của dự án... Đề nghị thuyết minh làm rõ hơn việc điều chỉnh một số chính sách này.

Đồng thời, cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các cơ chế, chính sách áp dụng, bảo đảm các cơ chế chính sách này khả thi, phù hợp đối với tính chất, mục tiêu của Dự án.

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có điểm đầu tại Quốc lộ 19B thuộc địa phận Thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định; điểm cuối tại đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận TP Pleiku, tỉnh Gia Lai với tổng chiều dài khoảng 125 km; trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định khoảng 40 km, qua địa phận tỉnh Gia Lai khoảng 85 km. Dự án đi qua địa phận Thị xã An Nhơn và huyện Tây Sơn thuộc tỉnh Bình Định; thị xã An Khê, huyện Đắk Pơ, huyện Mang Yang, huyện Đắk Đoa và TP Pleiku thuộc tỉnh Gia Lai. Dự án được đầu tư 04 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục, bề rộng nền đường là 24,75 m, đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc cấp 100, tương ứng với vận tốc thiết kế Vtk = 100 km/h.

Bình luận