Đó là một trong những nội dung được nêu ra tại Hội nghị góp ý sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) do Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) tổ chức.
Theo VNREA, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh còn phức tạp, thị trường BĐS vẫn chứng minh được sức hấp dẫn, tốc độ phục hồi nhanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nhiều phân khúc thị trường đang gặp những rào cản, vướng mắc lớn.
Ông Luyện Văn Phương, Phó Giám đốc Sở xây dựng Hà Nội cũng cho rằng, hiện các quy định NƠXH rất bất cập. Hà Nội đang đề xuất xây dựng NƠXH tập trung, thống kê cho thấy nhu cầu đến năm 2030 là khoảng 6,8 triệu m² sàn NƠXH. Nhưng tổng mặt sàn nhà ở đã thực hiện được chỉ đạt khoảng 1,2 triệu m² sàn.
Theo ông Phương, chỉ nên để các cơ quan quản lý Nhà nước bố trí quy hoạch chứ không phải các nhà đầu tư bố trí tại các dự án, rõ ràng cơ chế để lựa chọn nhà đầu tư. Bởi các dự án đã thông qua đấu giá đấu thầu rồi, sau đó phải dành 20% cho NƠXH thì Nhà nước lại phải tính toán để trả lại cho nhà đầu tư, rất bất cập.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Phó trưởng ban Pháp chế VNREA cũng cho rằng, quy định quỹ đất 20% xây dựng NƠXH trong các dự án thực sự không linh hoạt, khó khả thi trong thực tiễn kinh doanh.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Vương Quốc Toàn, đại diện Tập đoàn BĐS Lan Hưng có một số đề xuất liên quan đến vấn đề phát triển NƠXH. Ông Toàn cho rằng, nên sửa đổi quy định trích 20% quỹ đất để xây NƠXH trong dự án nhà ở thương mại. Đây là quy định còn bất cập.
“Việc quy định 20% nhà ở cho thuê hiện nay đang không có người thuê. Vì vậy, nên sửa đổi theo hướng giảm xuống còn 5 - 10%. Điều này sẽ giúp giảm lãng phí ngân sách, còn những dự án mà không ai thuê thì nên cho doanh nghiệp bán. Để tránh tình trạng khó khăn khi bán hàng của các doanh nghiệp, đề nghị thống nhất tên gọi, chỉ sử dụng duy nhất tên NƠXH cho người có thu nhập thấp chứ không phân ra các đối tượng cụ thể” - ông Vương Quốc Toàn chia sẻ.
Cũng nêu những bất cập quy định dành 20% quỹ đất xây dựng NƠXH, ông Nguyễn Lê Mỹ Hưng, Phó Giám đốc Khối Điều hành dự án TP.HCM (Tập đoàn Novaland) đưa ra đề xuất, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại có quyền lựa chọn việc dành 20% quỹ đất trong dự án để xây dựng NƠXH hoặc chuyển đổi quỹ đất 20% dành cho phát triển NƠXH sang một khu vực khác thuộc sở hữu hợp pháp của chủ đầu tư để phát triển một dự án NƠXH độc lập nhằm đảm bảo dành đủ quỹ đất phát triển NƠXH và thực hiện đúng nghĩa vụ của chủ đầu tư.
Trước những ý kiến của chuyên gia, nhà quản lý, đại diện các doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) chia sẻ, để những vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo được sửa đổi cùng một lúc và đồng bộ cần trình lên Quốc hội về Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS song song với Luật Đất đai.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đặt lại tên gọi NƠXH gồm NƠXH cho người thu nhập thấp tại đô thị, cho công nhân tại các khu công nghiệp và có 1 đối tượng riêng là lực lượng vũ trang nhân dân. Chúng tôi sẽ có những giải pháp điều tiết để giúp thị trường BĐS bớt lúc nóng, lúc lạnh” - ông Nguyễn Mạnh Khởi nhấn mạnh.
Liên quan đến những ý kiến, vướng mắc được nêu ra tại Hội nghị góp ý sửa đổi luật Đất đai, luật Nhà ở và luật Kinh doanh BĐS, Phó Chủ tịch Thường trực VNREA Nguyễn Văn Khôi nhìn nhận, đất đai là yếu tố quan trọng đóng vai trò chi phối các hoạt động của thị trường BĐS.
Do đó, cần hoàn chỉnh khung pháp lý để quản lý phát triển BĐS đa công năng và phải sửa đổi đồng bộ quy định giữa các luật như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS nhằm thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng kinh doanh BĐS.
Phó chủ tịch Thường trực VNREA Nguyễn Văn Khôi cũng cho biết, các cơ quan chức năng đang gấp rút sửa đổi các luật có liên quan đến thị trường BĐS Việt Nam như: Luật Nhà ở ngày 25/11/2014; Luật Kinh doanh BĐS ngày 25/12/2014; Luật Đất đai ngày 29/11/2013... Theo chương trình làm việc của Quốc hội dự kiến sẽ thông qua các luật sửa đổi, bổ sung trong kỳ họp tháng 10/2022.