Đề xuất giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc cho các tỉnh ĐBSCL giai đoạn 2023 đến 2030

Phân tích và tổng hợp những thành công và khó khăn trong việc triển khai đào tạo thạc sĩ giai đoạn 2011 - 2018 thành những bài học kinh nghiệm, để từ đó làm cơ sở đề xuất những giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc cho các tỉnh ĐBSCL giai đoạn 2023 - 2030.

TÓM TẮT:
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)  là vùng đất màu mỡ với diện tích tự nhiên là 40.572km2, vùng biển đặc quyền kinh tế với diện tích xấp xỉ 360.000km2, trong thời gian qua kinh tế - xã hội của vùng phát triển còn thấp, do vậy theo quy hoạch của Chính Phủ đến năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng mới và nâng cấp 830 km đường cao tốc, khoảng 4.000km đường quốc lộ, các cảng hàng không, cảng biển, hệ thống cung cấp và xử lý nước… phát triển nhiều vùng đô thị.

Do đó nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc tại ĐBSCL sẽ rất lớn. Phân tích và tổng hợp những thành công và khó khăn trong việc triển khai đào tạo thạc sĩ giai đoạn 2011 - 2018 thành những bài học kinh nghiệm để từ đó làm cơ sở đề xuất những giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc cho các tỉnh ĐBSCL giai đoạn 2023 đến 2030. 

Từ khóa: Nguồn nhân lực; xây dựng; kiến trúc; Đồng bằng sông Cửu Long.

ABSTRACT: 

The Mekong Delta is a fertile land with a natural area of 40,572km2 and has an exclusive economic zone with an area of approximately 360,000km2. In the past, because the socio-economic development of the region was low, the Government issued planning regulations proposing that by 2030, the investment would be for building new and upgrading 830km of highways and about 4,000km of national highways, airports, seaports, water treatment systems, etc., and to develop many urban areas.

Therefore, the demand for high-quality human resources in the field of construction and architecture in the Mekong Delta is certainly high. This paper will analyze and synthesize the successes as well as the difficulties of implementing and developing the training programs for Master’s students in the period 2011 - 2018, in order to provide lessons and experience from which a proposal for solutions to train high-quality human resources in the field of construction and architecture for the provinces of the Mekong Delta in the period of 2023 to 2030 can be followed.

Keywords: Human resources, construction; architecture; Mekong Delta

1. GIỚI THIỆU

ĐBSCL là vùng đất màu mỡ với diện tích tự nhiên là 40.572km2, vùng biển đặc quyền kinh tế với diện tích xấp xỉ 360.000km2, tuy nhiên sau 30 năm đổi mới kinh tế xã hội của ĐBSCL phát triển không tương xứng với tiềm năng, mà một trong những nguyên nhân là do sự phát triển chậm của hệ thống cơ sở hạ tầng đặc biệt là hệ thống giao thông và do mức độ đô thị hóa chậm…

Nhằm phát triển ĐBSCL theo hướng bền vững và tăng trưởng xanh…Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 287/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050, do đó trong thời gian tới sẽ có nhiều công trình xây dựng, kiến trúc được đầu tư xây dựng, vì vậy nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc sẽ rất lớn.

Từ năm 2011 đến 2018 Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Trường Đại học Cần Thơ đã liên kết đào tạo thạc sĩ thuộc lĩnh vực xây dựng và kiến trúc, đến nay đã có gần 500 thạc sĩ tốt nghiệp từ chương trình liên kết đào tạo này. Phân tích và tổng hợp những khó khăn, những thành công của chương trình liên kết đào tạo đó để rút ra bài học làm cơ sở đề xuất những giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn 2023 đến 2030 và tầm nhìn đến 2050. 

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Bài báo tập trung xác định nhu cầu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực xây dựng và kiến trúc tại khu vực ĐBSCL, tổng quát hóa thực tiễn để rút ra những bài học về đào tạo bậc thạc sĩ giai đoạn 2011 - 2018 của Trường Đại học Xây dựng, dùng những bài học đó cùng với việc phân tích thực trạng để đề xuất giải pháp cho giai đoạn 2023 - 2030. 

Đánh giá thực trạng và nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao tại ĐBSCL dựa vào “báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL 2020 - nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững” của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và nhóm chuyên gia trường chính sách công và quản lý Fulbright (FSPPM), Quyết định số 287/QĐ-TTg ký ngày 28/2/2022 về việc phê duyệt quy hoạch ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 và bài “Chỉ hơn 31% cán bộ ở ĐBSCL có trình độ đại học trở lên” của báo Tuổi trẻ.

Số liệu về tuyển sinh và đào tạo bậc thạc sĩ lĩnh vực xây dựng và kiến trúc giai đoạn từ 2011 đến 2018 của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tại Trường Đại học Cần Thơ được lấy từ Khoa Đào tạo sau đại học trước đây và nay là Phòng Quản lý đào tạo Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Phương pháp nghiên cứu thu thập số liệu đào tạo từ nguồn sơ cấp, nguồn chính thống để phân tích, tổng hợp và đưa ra kết luận. 

3. NỘI DUNG

ĐBSCL còn được gọi là đồng bằng Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Cửu Long, Lục tỉnh hoặc Miền Tây là vùng cực nam của Việt Nam, bao gồm 01 thành phố trực thuộc Trung ương - TP Cần Thơ và 12 tỉnh là An Giang, Đồng Tháp,  Long An,  Tiền Giang,  Vĩnh Long,  Bến Tre,  Trà Vinh,  Sóc Trăng,  Hậu Giang,  Bạc Liêu,  Cà Mau và  Kiên Giang. Dân số sau 10 năm gần như không thay đổi: 17,3 triệu người (năm 2019) so với 17,2 triệu người (năm 2009).

Đây là vùng đất được đánh giá là phì nhiêu, được thiên nhiên ban tặng nhiều ưu đãi về sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản..., đúng như Báo cáo thường niên của VCCI và Fulbright năm 2020 đã nhận xét “Đây là vùng đất màu mỡ có diện tích tự nhiên là 40.572km2, chiếm 12,3% diện tích đất liền của cả nước, có vùng biển đặc quyền kinh tế với diện tích xấp xỉ 360.000km2, gấp 9 lần diện tích đất liền.

Với diện tích đồng bằng rộng lớn và màu mỡ, hệ thống sông rạch dày đặc, với hai mặt giáp biển và bờ biển dài 732km, được trời phú cho lợi thế sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản từ các vùng nước ngọt, nước lợ và nước mặn”[1].

Mặc dù được thiên nhiên ưu đãi, con người hiền hòa nhân hậu, nhưng kinh tế - xã hội của ĐBSCL đã không phát triển được mạnh mẽ mà thậm chí còn tụt hậu, từ chỗ GDP năm 1990 của TP.HCM chỉ bằng 2/3 của ĐBSCL thì 20 năm sau tỷ lệ này đảo ngược và duy trì cho đến bây giờ, đúng như đánh giá của VCCI và Fulbrigh “Sau ba thập kỷ kể từ đổi mới, tốc độ phát triển của vùng đã chậm lại một cách đáng kể, mức sống của người dân thấp hơn mức trung bình của cả nước, và ĐBSCL ngày càng tụt hậu về hầu hết các khía cạnh phát triển kinh tế - xã hội”[1].

Năm 2020 cả ĐBSCL chỉ có 45km đường cao tốc chiếm khoảng 3% tổng chiều dài đường cao tốc trên cả nước. Hệ thống giao thông của vùng còn yếu kém trong việc kết nối nội vùng, cũng như kết nối với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ, nó không tạo nên động lực cho sự phát triển mà thực ra đã kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL.

Trong những năm qua, việc đô thị hóa ở ĐBSCL tiến triển chậm và được đánh giá là “ “vùng trũng” về đô thị hóa tại Việt Nam… tỷ lệ đô thị hóa trong 10 năm chỉ tăng nhẹ từ 22,8% lên 25,1% trong khi cả nước tăng từ 29,6% lên 34,4%” [1].

Trước thực trạng như vậy, nhằm phát triển ĐBSCL trở thành vùng phát triển khá so với cả nước; là nơi đáng sống đối với người dân, các cộng đồng dân cư thịnh vượng và năng động Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch ĐBSCL thời kỳ 2021 -2030 tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu về phát triển kết cấu hạ tầng như sau: “Phát triển hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế, trong đó chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa.

Đến năm 2030 đầu tư xây dựng mới và nâng cấp 830km đường cao tốc; khoảng 4.000km đường quốc lộ; 4 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa nội địa; Phát triển hạ tầng năng lượng, trong đó chú trọng phát triển năng lượng tái tạo…Hạ tầng thủy lợi được xây dựng đồng bộ phù hợp với chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu…; nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước, bảo đảm cấp nước an toàn, từng bước hiện đại hóa hệ thống quản lý, sản xuất kinh doanh nước sạch.

Đến năm 2030, tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước sạch là 98% - 100%, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 70%; Giảm thiểu ô nhiễm trong quá trình phát triển nông nghiệp, công nghiệp, đô thị thông qua hiện đại hóa công nghệ xử lý nước thải, chất thải rắn…đến năm 2030, 100% chất thải rắn thông thường và chất thải rắn nguy hại từ đô thị và công nghiệp được thu gom xử lý”[2].  

Để đạt được mục tiêu trên Chính phủ cũng xác định việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phù hợp với nhu cầu thị trường và chú trọng đến các ngành trọng tâm của vùng là yếu tố vô cùng quan trọng. Chính phủ xác định “Đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%”[2].

Theo GS.TS Sử Đình Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết “số liệu giai đoạn 2015 - 2020 cho thấy tổng số cán bộ có trình độ đại học trở lên ở ĐBSCL chỉ chiếm hơn 31%, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình cả nước là 48,1%.

Ở khu vực quản lý nhà nước, chỉ có 7,4% tổng số cán bộ, công chức khu vực ĐBSCL có trình độ cao đẳng, đại học trở lên… và Ông Mai Văn Nhiều, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Long An, cho biết là tỉnh có 100% cán bộ có trình độ từ đại học trở lên, nhưng trình độ sau đại học vẫn còn thấp (thạc sĩ chỉ chiếm 29%, tiến sĩ chỉ đạt 3%)”[3].

Trước đây xuất phát từ nhu cầu về đào tạo thạc sĩ tại khu vực ĐBSCL Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ gửi công văn số 782/CV-BCĐTNB đến Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc liên kết mở các lớp sau đại học tại Trường Đại học Cần Thơ đối với các chuyên ngành mà Trường Đại học Xây dựng được giao nhiệm vụ đào tạo theo chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm.

Sau đó Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi công văn số 2768/BGDĐT-GDĐH đồng ý giao cho Trường Đại học Xây dựng mở các lớp đào tạo thạc sĩ tại Trường Đại học Cần Thơ, chỉ tiêu đào tạo nằm trong tổng chỉ tiêu đào tạo hàng năm của Trường Đại học Xây dựng.

Từ tháng 9/2011 đến tháng 11/2018 chúng tôi đã tuyển được 511 học viên thuộc 6 ngành/chuyên ngành, ngành tuyển sinh được nhiều nhất là Quản lý Xây dựng tuyển được 287 học viên chiếm 56%, chuyên ngành tuyển sinh được nhiều nhất là Quản lý Xây dựng - Quản lý dự án Xây dựng được 193 học viên.

Số học viên không tốt nghiệp được là 27 học viên chiếm 5,28%. Việc mở những chuyên ngành mới là nhân tố quan trọng để đáp ứng nhu cầu của người học: chuyên ngành Quản lý Dự án xây dựng được tuyển sinh đầu tiên là tại Trường vào tháng 11/2012 và tháng 5/2013 (đợt tuyển sinh liền kề) chúng tôi đã tuyển được 44 học viên tại Cần Thơ.

Trong thời gian đó nắm bắt nhu cầu chúng tôi tiến hành mở chuyên ngành Quản lý Đô thị và khóa đầu tiên tuyển sinh của Trường vào tháng 11/2013 là tại Cần Thơ được 39 học viên. Các đề xuất mở hai chuyên ngành này đều là từ Khoa Đào tạo Sau đại học, số liệu chi tiết về tuyển sinh và tốt nghiệp được thể hiện trong bảng 1.

Bảng 1. Số liệu trúng tuyển và tốt nghiệp liên kết đào tạo thạc sĩ giữa Trường ĐH Xây dựng và Trường ĐH Cần Thơ

Mở chuyên ngành, xây dựng, cập nhật chương trình đào tạo của chúng tôi bám sát chuẩn đầu ra, thấu hiểu con người và vùng đất nên chúng tôi đã bổ sung, cập nhật những đặc điểm địa hình, địa chất, thủy văn…của ĐBSCL như: Xử lý nền đất yếu, quy hoạch kiến trúc, cảnh quan kiến trúc gắn liền với sông nước, các công trình cầu có trọng lượng nhẹ, các công trình xử lý chất thải rắn…, các đề tài tốt nghiệp đều tập trung vào các vấn đề đang tồn tại tại khu vực như: đề tài “Nghiên cứu ứng dụng dầm Prebeam xây dựng cầu trên địa bàn tỉnh Cà Mau” của thạc sĩ Cầu hầm Huỳnh Quốc Việt hiện là UV dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tốt nghiệp; đề tài “Tổ chức không gian công cộng ven kênh rạch - lấy điển hình tại Khu đô thị mới Nam Cần Thơ” của thạc sĩ Kiến trúc Mai Như Toàn hiện là Giám đốc Sở Xây dựng Cần Thơ; đề tài “Ứng dụng cọc xi măng đất xử lý nền đường vào cầu các công trình giao thông trên địa bàn TP Cần Thơ và khu vực ĐBSCL” của thạc sĩ Địa kỹ thuật Lê Tiến Dũng hiện là Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ; đề tài “Nghiên cứu áp dụng cầu dầm thép có thanh căng UST liên hợp với bản bê tông cốt thép vào ĐBSCL” của thạc sĩ Cầu hầm Lê Hoàng Bảo hiện là Giám đốc sở GTVT Đồng Tháp...

Nhiều thạc sĩ tốt nghiệp hiện đang giữ những trọng trách tại các địa phương như: Trần Quốc Hợp - Giám đốc Sở GTVT Vĩnh Long, Mai Văn Tân - Giám đốc sở GTVT Hậu Giang, Giang Thanh Khoa - Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Kiên Giang, Đoàn Viết Hồng - Giám đốc Sở Xây dựng Bến Tre, Phạm Anh Minh - Bí thư huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, Võ Anh Huy - Chánh Văn phòng thành ủy Cần Thơ…

Với số liệu mà chúng tôi đang có thì có thể khẳng định rằng trong tất cả các tỉnh, thành tại ĐBSCL có nhiều cán bộ chủ chốt đã tốt nghiệp từ chương trình đào tạo thạc sĩ liên kết giữa Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Trường Đại học Cần Thơ, chúng tôi rất tự hào về các cựu học viên của chúng tôi, các học viên đã rất cố gắng học tập có kiến thức, kỹ năng cùng với những đức tính tốt đẹp của con người ĐBSCL đã giúp cho các học viên của chúng tôi hào hứng trong học tập và sau khi tốt nghiệp các cựu học viên đã thành công trong cuộc sống, các bạn đó không chỉ thành công trong các lĩnh vực chuyên môn mà còn thành công trong lĩnh vực khác, các công việc quản lý nhà nước khác và trong các công ty tư nhân.

Việc cử cán bộ giảng dạy, hướng dẫn luận văn cũng được lựa chọn cho phù hợp với con người của ĐBSCL do đó tình cảm thầy trò, sự kết nối về chuyên môn được hình thành trong quá trình giảng dạy và học tập vẫn tiếp tục được phát huy cho đến bây giờ.

Kế hoạch tuyển sinh của chúng tôi được thông báo sớm và giữ liên tục về thời gian trong các năm để các thí sinh biết và chuẩn bị. Tuy nhiên số lượng thí sinh mà chúng tôi tuyển được chính là từ các cựu học viên của chúng tôi, đây là điều rất thuận lợi vì các thí sinh đã yêu thích Trường Đại học Xây dựng Hà Nội từ trước khi các bạn tham gia đăng ký thi tuyển và càng được nâng cao hơn khi các thí sinh tiếp xúc với Trường, với lãnh đạo Trường, các bạn thấy rằng Trường nói đi đôi với làm, nói thế nào thì làm đúng như vậy, quá trình tuyển sinh không tô vẽ, nói rõ những thuận lợi và khó khăn khi tham gia thi tuyển và học tập. Một yếu tố cũng rất quan trọng là nhiều lãnh đạo tỉnh, thành và sở, ban, ngành đã đồng ý cho cán bộ của mình đi học khi biết rằng đơn vị đào tạo là Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và nơi học là Trường Đại học Cần Thơ.

Nguồn tuyển sinh của chúng tôi đến từ 33 trường đại học, trong đó 11 trường dẫn đầu chiếm 93% số lượng trúng tuyển, đây đều là các trường có chất lượng đào tạo tốt trong lĩnh vực xây dựng và kiến trúc, trường có số lượng trúng tuyển nhiều nhất là Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM với 141 học viên chiếm 27,29% tổng số học viên, Bảng 2 thể hiện số lượng các cựu sinh viên của 11 trường đại học dẫn đầu trúng tuyển đào tạo bậc thạc sĩ của chúng tôi.

4. KẾT LUẬN

Nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực xây dựng và kiến trúc tại đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn 2023 đến 2030 là rất lớn, lớn hơn giai đoạn 2011 đến 2018 nhiều lần…

Về tuyển sinh: Cần bám sát nhu cầu của địa phương, của các đơn vị, tư vấn cho lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo các đơn vị, các thí sinh tiềm năng về lợi ích của việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nêu rõ những khó khăn, thách thức, những yêu cầu bắt buộc và những điều kiện thuận lợi, những lợi ích có được khi tham gia khóa học.

Đặc biệt cần hiểu rõ đặc tính của vùng là “nói phải đi đôi với làm”, ý kiến của tất cả mọi người từ khi tư vấn tuyển sinh cho đến khi ra trường đều chính xác, thống nhất để các học viên tin vào trường. Chú ý đến truyền thông tuyển sinh thông qua các cựu học viên, sinh viên.

Về chương trình đào tạo: mở ngành/chuyên ngành mới, cập nhật, bổ sung vào các học phần những đặc điểm của vùng, chương trình đào tạo ngoài việc bổ sung những kiến thức mới, kiến thức sâu, rộng thì cần phải chú ý đến kỹ năng, đến việc nâng tầm cho các học viên từ kỹ sư lên thạc sĩ. Chú ý đến môn Phương pháp luận nghiên cứu khoa học là môn học sẽ giúp học viên rất nhiều không chỉ trong học tập mà còn trong cuộc sống, trong công việc. 

Về quá trình giảng dạy và học tập: cử những giảng viên có kiến thức cao, kinh nghiệm, thân thiện, kiên trì, hiểu biết về văn hóa, con người địa phương. Lớp liên kết có thuận lợi học tập không chỉ trên lớp, mà còn ở ngoài giờ học, thầy trò có nhiều thời gian và không gian để trao đổi, để hiểu nhau hơn, qua đó khuyến khích các học viên nêu vấn đề đang tồn tại của mình… bằng các lý luận khoa học các giảng viên sẽ trao đổi để giải quyết những thắc mắc của học viên, để công việc của học viên tại cơ quan tốt lên từng ngày qua đó học viên sẽ có cảm hứng và thích thú đi học và lãnh đạo đơn vị cũng thấy chất lượng công việc của học viên ngày càng tốt hơn.

Sự chỉ đạo và cùng tham gia của lãnh đạo Trường trong đó đặc biệt là thầy Hiệu trưởng vào công tác tuyển sinh, đào tạo và các hoạt động liên quan khác là rất quan trọng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. VCCI và Fulbright, Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long 2020. 2020: Việt Nam. p. 352.
[2]. Chính phủ, Quyết định số 287 ngày 28/2/2022 về việc Phê duyệt quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050. 2022.
[3]. Chí Quốc. Chỉ hơn 31% cán bộ ở ĐBSCL có trình độ đại học trở lên. 2022 22/8/2022; Available from: https://tuoitre.vn/chi-hon-31-can-bo-o-dbscl-co-trinh-do-dai-hoc-tro-len-2022082711332432.htm.

Bình luận