Đề xuất giảm mức xử phạt đối với hành vi nộp đăng ký môi trường không đúng thời hạn

16:50 04/09/2024
Đề xuất mới đây của Bộ TN&MT cho thấy, nếu nộp đăng ký môi trường không đúng thời hạn, doanh nghiệp có thể bị cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 20 triệu đồng, thấp hơn so với quy định trước đây là 30 triệu đồng…
Đề xuất giảm mức xử phạt đối với hành vi nộp đăng ký môi trường không đúng thời hạn
Ảnh minh hoạ. Nguồn: ITN.

Bộ TN&MT đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo Nghị định là đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung của Điều 9 quy định về thực hiện đăng ký môi trường của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP.

Theo dự thảo Nghị định, hành vi “nộp đăng ký môi trường không đúng thời hạn theo quy định” có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 nghìn đồng - 1 triệu đồng, đối với dự án đầu tư, cơ sở không thuộc đối tượng không phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Còn đối với các dự án đầu tư, cơ sở phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, tuỳ thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh hay Bộ TN&MT, mức độ xử phạt là khác nhau.

Trong đó, nếu dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh, hành vi nộp đăng ký môi trường không đúng thời hạn theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng;

Còn đối với dự án thuộc thẩm quyền của Bộ TN&MT, hành vi nộp đăng ký môi trường không đúng thời hạn theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng.

Trước đó, quy định tại Điều 9 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP cho thấy, mức phạt tiền thấp nhất đối với dự án đầu tư không phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường là 3 triệu đồng; và mức cao nhất là 30 triệu đồng đối với dự án phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền của cơ quan Bộ TN&MT.

Việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhằm kịp thời tiếp tục hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường và phù hợp pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, Luật Thanh tra hiện hành; Bảo đảm chế tài về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đủ tính răn đe, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Bình luận