Sửa đổi Luật Đất đai đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều so với Luật Đất đai 2013. Về cơ bản, bố cục của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được sắp xếp như Luật Đất đai 2013, tuy nhiên có tăng thêm 02 chương về phát triển quỹ đất và tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành 2 chương.
Luật này quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bỏ quy định về khung giá đất, sẽ xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường
Theo pháp luật hiện hành thì khung giá đất được quy định tại Điều 113 Luật Đất đai 2013 khi Chính phủ sẽ ban hành khung giá đất định kỳ 05 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Tuy nhien, tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bỏ quy định về khung giá đất, thay vào đó, việc định giá đất sẽ xác định theo những nguyên tắc tại Điều 129 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Nhà nước sẽ ban hành bảng giá đất và quyết định giá đất cụ thể theo Điều 130 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Như vậy, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bỏ quy định về khung giá đất, thay vào đó Nhà nước sẽ quy định nguyên tắc, phương pháp định giá đất và ban hành bảng giá đất và quyết định giá đất cụ thể.
Bổ sung quy định mới về công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Dự thảo đã bổ sung quy định mới về việc công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại Điều 50 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, những quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt phải được công bố công khai.
Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch theo quy định.
Thời điểm, thời hạn công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng là trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyêt, phải thực hiện việc công bố công khai.
Giao đất, cho thuê đất sẽ được thực hiện chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất
Theo Điều 52 Luật Đất đai 2013 quy định căn cứ để giao đất, cho thuê đất gồm: Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Tuy nhiên đến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), việc giao đất, cho thuê đất sẽ được thực hiện chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để tăng thu ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội đối với các dự án đầu tư có tính chất điểm nhấn. Tạo động lực phát triển về hạ tầng đồng bộ, về kiến trúc. Cụ thể Điều 54 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định, căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất: Kết quả đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; Trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất; trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất… Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định các tiêu chí cụ thể khi giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và không thông qua đấu giá, đấu thầu
Trường hợp cho thuê đất trả tiền một lần, cho thuê đất trả tiền hàng năm để đảm bảo dễ thực thi, dễ kiểm tra, dễ giám sát và nguồn thu ổn định, tạo điều kiện cho người sử dụng đất chủ động hạch toán sản xuất kinh doanh.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Nội dung quy hoạch phải gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất và hệ sinh thái tự nhiên
Điều 37 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung, hoàn thiện các nguyên tắc khi lập quy hoạch kế hoạch sử dụng đất so với quy định tại Điều 35 Luật Đất đai 2013. Cụ thể: Nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gồm: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, các quy hoạch quốc gia và các quy hoạch ngành lĩnh vực có sử dụng đất phải đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau phát triển;...
Ngoài ra, nội dung quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu sử dụng các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên. Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thể hiện đến từng thửa đất… Đây là nội dung mới so với quy định tại Luật Đất đai 2013 nhằm hoàn thiện, đồng bộ các chế định cho xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất đai tại Việt Nam.
Phân cấp cho các địa phương trong quản lý, sử dụng đất đai
Điều 223 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định về phân cấp thẩm quyền cho các địa phương trong theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn. Đây là quy định mới chưa từng có trong Luật Đất đai 2013. Cụ thể, Dự thảo đã thiết lập các cơ chế quản lý thống nhất của Trung ương thông qua quy định về hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu về đất đai thống nhất tập trung quản lý mọi biến động của từng thửa đất; Xây dựng các cơ chế giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tổ chức thực thi chính sách, pháp luật được giao ở từng cấp tại Điều 221 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Bên cạnh đó, dự thảo quy định, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp Chính phủ theo dõi và đánh giá đối với việc quản lý và sử dụng đất của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; việc sử dụng đất đối với các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện theo dõi, đánh giá việc quản lý và sử dụng đất đai đối với cấp huyện trực thuộc; đánh giá việc quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thực hiện theo dõi, đánh giá việc quản lý và sử dụng đất đai đối với cấp xã trực thuộc; đánh giá việc quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn huyện;….
Việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành bố trí tái định cư, trừ trường hợp tái định cư tại chỗ
Tại Điều 93 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã sửa đổi khoản 3 Điều 85 Luật Đất đai 2013. Theo đó, việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành bố trí tái định cư, trừ trường hợp tái định cư tại chỗ. Sự thay đổi này đã đảm bảo giải quyết hài hòa lợi ích giữa người sử dụng đất, Nhà nước, nhà đầu tư thông qua chính sách bồi thường, giải quyết vấn đề an sinh bền vững cho người có đất bị thu hồi.
Ngoài ra, để giải quyết tình trạng chậm triển khai dự án do chậm bàn giao mặt bằng, Điều 100 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định thẩm quyền tách dự án đầu tư cho cơ quan quyết định chủ trương đầu tư dự án Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sau khi dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền tách thành dự án độc lập.
Ngoài ra, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn có nhiều điểm mới đáng chú ý khác như: Đất đai được kết hợp sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau để làm tăng hiệu quả sử dụng đất; Quy định mới về ngân hàng đất nông nghiệp; Mở rộng hạn mức, đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp; Hoàn thiện các quyền về chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuế đất trả tiền hằng năm; ….
Nguồn: Quochoi.vn