
Sáng 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng.
Đề xuất thành lập Khu thương mại tự do
Theo Tờ trình dự thảo Nghị quyết do Thứ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Đức Tâm trình bày, có 17 chính sách cụ thể thuộc 06 nhóm chính sách lớn trong dự thảo Nghị quyết được đề xuất thí điểm thực hiện, gồm: (1) Chính sách về quản lý đầu tư; (2) Chính sách về tài chính, ngân sách; (3) Chính sách về quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên và môi trường; (4) Chính sách về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP Hải Phòng quản lý; (5) Chính sách về quản lý khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo như đầu tư, quản lý, khai thác và xử lý tài sản kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; (6) Chính sách về Khu thương mại tự do (TMTD) thế hệ mới tại Hải Phòng…
Theo dự thảo Nghị quyết, UBND TP Hải Phòng đề xuất phân cấp, phân quyền cho UBND TP Hải Phòng trong chấp thuận chủ trương, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển Hải Phòng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương chủ động, linh hoạt, rút ngắn thời gian thực hiện dự án, góp phần thúc đẩy thu hút các nhà đầu tư vào các khu bến cảng, sớm đưa các dự án vào vận hành khai thác nhằm tạo nguồn thu cho NSNN, tạo đột phá về hạ tầng giao thông kết nối, liên vùng, phát triển kinh tế - xã hội Thành phố.

Tiếp tục thực hiện thí điểm chính sách: “Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 80% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp".
Đề xuất chính sách mới: “Thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon”.
Riêng đối với các chính sách về quy hoạch, đô thị và tài nguyên, môi trường, UBND TP Hải Phòng đề xuất thí điểm cho phép TP Hải Phòng thực hiện trình tự thủ tục rút gọn trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết; UBND Thành phố được cho thuê đất không thông qua đấu giá QSDĐ, đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng trung tâm logistics phục vụ cảng biển, cảng hàng không, cảng thủy nội địa trên địa bàn Thành phố có quy mô trên 50 ha…
Đặc biệt, dự thảo Nghị quyết đề xuất quy định thành lập Khu TMTD thế hệ mới TP Hải Phòng để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, mang tính đột phá nhằm thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, dịch vụ thúc đẩy xuất khẩu, công nghiệp, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao…
Bổ sung đánh giá tác động từ sáp nhập địa giới hành chính
Để bảo đảm tính thuyết phục trước UBTVQH, Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Vũ Thị Lưu Mai đề nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ đánh giá thêm tác động từ sáp nhập TP Hải Phòng với địa phương khác; rà soát đưa ra Danh mục chi tiết những chính sách không thể quy định ngay tại dự thảo Nghị quyết, giao Chính phủ quy định rõ hơn…

Đồng thời, cần rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù đã áp dụng với những địa phương khác để xây dựng một số cơ chế, chính sách tạo thế mạnh riêng cho TP Hải Phòng; đánh giá rủi ro để hạn chế tối thiểu tác động không mong muốn.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và TP Hải Phòng phối hợp nghiên cứu bổ sung cơ chế trọng dụng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực trong nước… để góp phần thể chế hóa Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.
Để bảo đảm tính cụ thể, rõ ràng cho dự thảo Nghị quyết, Chính phủ cần nghiên cứu quy định rõ quy trình, thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh, xuất nhập khẩu; thủ tục nhập cảnh, tạm trú, Giấy phép lao động; thủ tục đất đai, đầu tư xây dựng… tại Khu TMTD Hải Phòng.
Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định số 140/QĐ-TTg ngày 16/1/2025 phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng khu vực nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó cảng biển Hải Phòng được quy hoạch 05 khu bến cảng: khu bến Lạch Huyện, khu bến Đình Vũ, khu bến sông Cấm - Phà Rừng, khu bến Nam Đồ Sơn - Văn Úc và khu bến cảng huyện đảo Bạch Long Vĩ, với khoảng 70 - 74 bến cảng, bảo đảm đến năm 2030 thông qua được hơn 215 triệu tấn hàng hóa và 22.800 lượt khách mỗi năm.
Cảng biển Hải Phòng có quy mô lớn, chức năng là cửa ngõ ra biển của khu vực kinh tế phía Bắc nên được phân loại là cảng biển đặc biệt. Với quy hoạch sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 215,5 triệu tấn/năm, cảng biển Hải Phòng trở thành 1 trong 3 cảng biển có lượng hàng hóa thông qua lớn nhất cả nước.