Đề xuất hơn 8.500 tỷ đồng nâng cấp 5 tuyến đường kết nối với Lào

08:14 27/08/2022
Việc cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ trên nhằm nâng cao năng lực thông hành, tăng cường kết nối hành lang Đông-Tây, thúc đẩy giao thương với Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan.

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi liên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính đề xuất dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ kết nối với Lào, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) với nguồn vốn hơn 8.500 tỷ đồng.

Bộ Giao thông Vận tải đề xuất hơn 8.500 tỷ đồng đầu tư nâng cấp 5 tuyến đường kết nối với Lào. (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)

Theo đó, Quốc lộ 279 đoạn Điện Biên-cửa khẩu Tây Trang, tỉnh Điện Biên có điểm đầu tại Km75+200 thuộc thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Điểm cuối tại Km115+500 (cột mốc 113) thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Tổng chiều dài tuyến đầu tư hơn 38,6km được đầu tư nâng cấp, cải tạo đạt quy mô đường cấp 3, vận tốc thiết kế từ 60-80km/giờ. Dự án này có tổng mức đầu tư 1.512,8 tỷ đồng.

Quốc lộ 12C đoạn cảng Vũng Áng-đường Hồ Chí Minh, tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình sẽ cần khoảng 2.039 tỷ đồng, tổng chiều dài tuyến đầu tư hơn 89,3km được đầu tư nâng cấp, cải tạo đoạn tuyến đạt quy mô đường cấp 3, vận tốc thiết kế từ 60-80km/giờ. Dự án có điểm đầu tại Km0+000 khu vực Cảng Vũng Áng thuộc thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Điểm cuối tại Km98+000 (giao với đường Hồ Chí Minh tại Km879+800) thuộc huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Dự án Quốc lộ 217 đoạn Quốc lộ 1-đường Hồ Chí Minh, tỉnh Thanh Hóa có vốn đầu tư 2.156 tỷ đồng với điểm đầu tại nút giao với Quốc lộ 1 thuộc thị trấn Hà Trung, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Điểm cuối tại nút giao với đường Hồ Chí Minh thuộc thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Tổng chiều dài tuyến đầu tư hơn 59km được đầu tư nâng cấp, cải tạo đoạn tuyến đạt quy mô đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/giờ.

Với dự án Quốc lộ 12A đoạn Khe Ve-cửa khẩu Cha Lo, tỉnh Quảng Bình có điểm đầu tại Km104+000 (giao với đường Hồ Chí Minh tại Km873+400) thuộc huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Điểm cuối tại Km142+000 khu vực cửa khẩu Cha Lo thuộc huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Tổng chiều dài tuyến đầu tư khoảng 38km được đầu tư nâng cấp, cải tạo đoạn tuyến đạt quy mô đường cấp 3 miền núi, vận tốc thiết kế từ 60km/giờ. Công trình này có vốn đầu tư lên tới hơn 1.436 tỷ đồng.

Quốc lộ 15D đoạn Quốc lộ 1-cao tốc Cam Lộ-La Sơn và đoạn đường Hồ Chí Minh-cửa khẩu La Lay, tỉnh Quảng Trị-đoạn từ Quốc lộ 1 đến cao tốc Cam Lộ-La Sơn dài hơn 8km. Đoạn từ đường Hồ Chí Minh đến cửa khẩu La Lay dài 12km. Tổng chiều dài tuyến đầu tư hơn 20km được đầu tư với quy mô đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/giờ. Dự án có nguồn vốn đầu tư hơn 1.387 tỷ đồng.

Bộ Giao thông Vận tải cũng tính toán tổng chiều dài đầu tư xây dựng của dự án (5 tuyến Quốc lộ) khoảng 245 km. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 8.500 tỷ đồng, tương đương khoảng 369 triệu USD.

Trong số đó, vốn vay của WB hơn 6.700 tỷ đồng (tương đương khoảng 292 triệu USD) được sử dụng cho các hạng mục như chi phí xây dựng, thiết bị trước thuế; chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật, tư vấn thiết kế bản vẽ thi công trước thuế; chi phí tư vấn giám sát thi công trước thuế.

Vốn đối ứng trong nước gần 1.800 tỷ đồng (tương đương khoảng 77 triệu USD) được sử dụng cho các hạng mục quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng còn lại, chi phí khác; chi phí giải phóng mặt bằng; các loại thuế, phí và chi phí dự phòng.

Thời gian thực hiện dự án được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra trong vòng 5 năm sau khi Hiệp định tài trợ có hiệu lực (dự kiến thực hiện từ năm 2024-2028).

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang tiếp tục làm việc với WB để tìm kiếm thêm các khoản viện trợ không hoàn lại để tăng giá trị ưu đãi, tính khả thi.

“Việc cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ trên nhằm nâng cao năng lực thông hành, đáp ứng nhu cầu vận tải, rút ngắn khoảng cách giữa các cửa khẩu với cảng biển, giảm thời gian chạy xe, qua đó giảm được chi phí vận tải, giảm ô nhiễm môi trường, giảm thiểu tai nạn giao thông, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng dự án; tăng cường kết nối hành lang Đông-Tây, thúc đẩy giao thương với Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đánh giá.

Hơn nữa, dự án được thực hiện sẽ thu hút các phương tiện từ các cửa khẩu vào nội địa, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế địa phương, đóng vai trò tích cực trong việc xóa đói giảm nghèo cho người dân khu vực dự án, đảm bảo an ninh quốc phòng.

 

Nguồn: Vietnam+

Bình luận