Làm rõ pháp lý, mục tiêu đầu tư
Bộ Xây dựng góp ý thẩm định chủ trương đầu tư Dự án đường dây 220kV Tân Sơn Nhất - Thuận An, do Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 3 lập, sử dụng vốn của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT), tổng mức đầu tư 1.210,435 tỷ đồng.
Dự án thuộc địa bàn TP.HCM và tỉnh Bình Dương, tổng chiều dài tuyến đường dây L =13,2Km, mở rộng 02 ngăn lộ xuất tuyến 220kV tại trạm biến áp 220kV Thuận An.
Căn cứ Khoản 3 Điều 31 Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 thì Dự án thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 quy định, Dự án gồm 02 mạch với chiều dài tuyến đường dây 220kV dài 15Km, công trình xây dựng trong giai đoạn 2016-2020.
Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng (ĐTXD), Dự án được đề xuất ĐTXD với tuyến đường dây 220kV gồm 02 mạch cáp ngầm có chiều dài 7,8Km và đoạn tuyến đường dây trên không 04 mạch có chiều dài 5,4Km, thời điểm đưa vào vận hành năm 2024.
Theo Bộ Xây dựng, để có cơ sở đánh giá, cho ý kiến thẩm định chủ trương đầu tư cần làm rõ tính pháp lý, mục tiêu đầu tư đáp ứng đầy đủ các quy định pháp luật có liên quan; cần được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh, cập nhật trong quy hoạch ngành điện theo các quy định của Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14; Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch để có cơ sở xem xét, cho ý kiến thẩm định chủ trương đầu tư của dự án.
Về sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, hiện nay UBND TP.HCM đang tổ chức lập điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM theo Quyết định số 1528/QĐ-TTg ngày 14/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; UBND TP Thuận An đang tổ chức lập điều chỉnh Quy hoạch chung TP Thuận An đến năm 2040 theo thẩm quyền.
Do đó, để đảm bảo bố trí hướng tuyến đường dây của Dự án thống nhất với quy hoạch đô thị, Bộ Xây dựng đề nghị đơn vị lập dự án phối hợp với các cơ quan tổ chức lập quy hoạch chung đô thị đề xuất hướng tuyến phù hợp.
Ngoài ra, với vai trò là Dự án hạ tầng kỹ thuật quan trọng đối với vùng và quốc gia, theo quy định tại các Điều 18, 37 Luật Quy hoạch đô thị, đối với TP.HCM, quy hoạch cấp năng lượng và chiếu sáng đô thị được lập riêng thành đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, hiện nay TP.HCM chưa phê duyệt quy hoạch cấp năng lượng và chiếu sáng đô thị nên Bộ Xây dựng chưa có cơ sở để đánh giá về sự phù hợp của dự án với quy hoạch này.
Bảo đảm an ninh, quốc phòng
Theo Hồ sơ Dự án bao gồm: (1) Đoạn đường dây cáp ngầm 220kV đi qua Quận 12 và Quận Gò Vấp với chiều dài 7,8Km; (2) Đoạn đường dây trên không 220kV Tân Sơn Nhất - Thuận An với chiều dài 5,4Km.
Bộ Xây dựng góp ý, hướng tuyến đường dây thiết kế cần được rà soát, hiệu chỉnh đảm bảo các yêu cầu về an ninh, quốc phòng; phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành có liên quan nơi tuyến đường dây đi qua.
Đồng thời, chú trọng các trường hợp tuyến đường dây đi ngầm trong khu vực nội đô TP.HCM và đoạn tuyến qua địa hình phức tạp, vượt nhịp lớn như tại các vị trí sông Vàm Thuật, sông Sài Gòn... để có giải pháp thiết kế sơ bộ các cấu kiện cột điện, lưới điện của dự án phù hợp, đảm bảo tính khả thi của dự án.
Thuyết minh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi ĐTXD cần được rà soát để cập nhật, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan của dự án theo quy định. Việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn xây dựng đảm bảo tính đồng bộ, tính khả thi của hệ thống tiêu chuẩn được áp dụng; tuân thủ quy định tại Điều 6 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, Điều 8 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án ĐTXD.
Việc phân cấp các công trình của Dự án cần thực hiện theo quy định tại Thông tư số 06/2021/TT-BXD ngày 30/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động ĐTXD.
Về quản lý chi phí ĐTXD, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi ĐTXD Dự án cần được rà soát, hoàn chỉnh các nội dung về sơ bộ tổng mức đầu tư đảm bảo các quy định của Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí ĐTXD và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Hoàn chỉnh các nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường của Dự án đảm bảo các quy định tại khoản 11 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Hoàn tất các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đảm bảo nội dung đã quy định tại khoản 10 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, khoản 2 Điều 9 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính về quản lý dự án ĐTXD và các quy định khác của pháp luật có liên quan.