Đề xuất kéo dài thời gian và mở rộng phạm vi giảm thuế giá trị gia tăng

13:09 13/05/2025
Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng với thời gian kéo dài hơn 18 tháng, phạm vi mở rộng hơn so với trước đây.
Đề xuất kéo dài thời gian và mở rộng phạm vi giảm thuế giá trị gia tăng
Ảnh minh họa, nguồn: ITN.

Sáng 13/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Đề xuất kéo dài thời gian giảm thuế hơn 18 tháng

Thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Trong giai đoạn từ năm 2022 đến 6 tháng đầu năm 2025, Quốc hội đã quyết nghị giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (còn 8%), trong đó trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ. Giải pháp giảm thuế GTGT cùng với các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí khác đang tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu.

Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, nền kinh tế nước ta còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Các động lực tăng trưởng chưa có sự bứt phá rõ nét theo yêu cầu tăng trưởng đặt ra như hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn, chi phí sản xuất còn cao, sức mua trong nước đã được cải thiện nhưng còn chậm, đặc biệt là việc Hoa Kỳ công bố áp thuế đối ứng với các nước, trong đó có Việt Nam. Tổng cầu tiêu dùng trong nước được xem là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: quochoi.vn.

Để góp phần tạo động lực thúc đẩy, phát triển cho nền kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch, tiêu dùng trong nước trong năm 2025 và năm 2026, cần tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT.

Theo đó, Chính phủ đề xuất, giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh BĐS, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế TTĐB (trừ xăng). Thời gian áp dụng từ ngày 01/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026 (hơn 18 tháng).

Thận trọng việc mở rộng diện được giảm thuế

Chủ nhiệm Phan Văn Mãi thay mặt Ủy ban KTTC của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế thế giới có nhiều biến động bất ổn, việc tiếp tục ban hành chính sách giảm thuế GTGT là biện pháp hướng vào tiêu dùng nội địa nhằm thúc đẩy tăng trưởng, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% đã đề ra.

Đa số ý kiến trong Ủy ban KTTC nhất trí với đề xuất của Chính phủ và cho rằng chính sách giảm thuế GTGT lần này được Chính phủ kiến nghị cho thời gian áp dụng dài hơn (18 tháng) và với phạm vi mở rộng hơn so với những lần giảm thuế được ban hành trước đây, vì vậy, việc ban hành Nghị quyết riêng có thể là phù hợp để bảo đảm tính quy phạm pháp luật, có thể coi là hình thức Nghị quyết thí điểm.

Chủ nhiệm Ủy ban KTTC của Quốc hội Phan Văn Mãi. Ảnh: quochoi.vn.

Ủy ban KTTC đề nghị Chính phủ có giải pháp hiệu quả để bảo đảm khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách, do vẫn có các hàng hóa, lĩnh vực loại trừ, không được giảm thuế, bảo đảm mục tiêu dễ thực hiện và tạo thuận lợi cho người nộp thuế, đánh giá kỹ hơn về tác động đối với nguồn thu NSNN, thực hiện chính sách giảm thuế gắn với mục tiêu ổn định tài khóa trung hạn và an toàn nợ công, nhất quán với các chính sách thuế khác như thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt…

Có ý kiến đề nghị rà soát để xem xét đối với một số mặt hàng chịu tác động của chiến tranh thương mại và chính sách thuế đối ứng của Mỹ.

Có ý kiến cho rằng, chỉ còn 3 nhóm hàng hóa, dịch vụ đề xuất không giảm thuế, do đó đề nghị Bộ Tài chính rà soát trường hợp chênh lệch thu 2% thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ này không quá lớn, có thể cân nhắc giảm thuế đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ, đảm bảo tính công bằng.

Một số ý kiến khuyến nghị cần thận trọng việc mở rộng diện được giảm thuế, trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế đang phát triển và tăng trưởng ổn định, việc đề xuất mở rộng diện được giảm thuế là chưa thực sự phù hợp…

Nếu Nghị quyết được thông qua, Bộ Tài chính dự kiến số giảm thu NSNN trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 khoảng 121,74 nghìn tỷ đồng, trong đó 6 tháng cuối năm 2025 giảm khoảng 39,54 nghìn tỷ đồng, năm 2026 giảm khoảng 82,2 nghìn tỷ đồng. Việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026; đối với người dân và doanh nghiệp, sẽ góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giúp sản phẩm của doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh.

Bình luận