Đề xuất nâng mức lãi suất ưu đãi lên 3% đối với người vay mua NƠXH

22:00 07/01/2025
NHNN đề xuất Chính phủ một nghị quyết mới, trong đó nâng mức lãi suất ưu đãi đối với người mua NƠXH, nhà ở công nhân lên 3%, thời hạn vay kéo dài từ 5 năm lên 10 năm.

Nội dung trên được ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN Việt Nam nhấn mạnh tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Nâng gói tín dụng Chương trình cho vay NƠXH lên 145.000 tỷ đồng  

Ông Đào Minh Tú cho biết, mới đây, ngày 03/01/2025, NHNN có công văn số 55/NHNN-TD gửi 9 ngân hàng thương mại (Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam; NHTMCP Ngoại thương Việt Nam; NHTMCP Công thương Việt Nam; NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam; NHTMCP Tiên phong; NHTMCP Kỹ thương; NHTMCP Việt Nam Thịnh vượng; NHTMCP Quân đội; NHTMCP Phát triển TP.HCM) về việc triển khai Chương trình cho vay NƠXH, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/03/2023, Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 05/04/2024, Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 05/06/2024, Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/06/2024, công điện số 130/CĐ-TTg ngày 10/12/2024 về việc đôn đốc tập trung chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án NƠXH; Công văn 5412/VPCP-KTTH ngày 31/12/2024, Công văn số 84/VPCP-KTTH ngày 03/01/2025 của Văn phòng Chính phủ; trên cơ sở ý kiến của Bộ Xây dựng tại Báo cáo số 322/BC-BXD và đề xuất của một số ngân hàng thương mại về việc bổ sung hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại tham gia Chương trình cho vay NƠXH, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ hoặc loại trừ dư nợ cho vay NƠXH khi tính hạn mức tăng trưởng tín dụng; NHNN có ý kiến như sau:

Thứ nhất, các ngân hàng thương mại không phải tính dư nợ cho vay các đối tượng thuộc Chương trình cho vay NƠXH mà các ngân hàng đã đăng ký tham gia với NHNN (hiện nay là 145.000 tỷ đồng của 9 ngân hàng thương mại) để thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hằng năm của các ngân hàng đã được NHNN thông báo; thời gian thực hiện chính sách này tối đa đến năm 2030 và doanh số cho vay không vượt quá số tiền mà ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia Chương trình.  

Thứ hai, định kỳ hàng tháng, các ngân hàng thương mại tiếp tục báo cáo tình hình cho vay đối với khách hàng thuộc Chương trình cho vay NƠXH theo Công văn số 2308/NHNN-TD ngày 01/04/2023.

NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm túc các cam kết tham gia Chương trình về lãi suất ưu đãi, thời gian cho vay phù hợp với đối tượng và mục đích vay vốn; quan tâm, phối hợp với các dự án xây dựng đủ điều kiện cho vay để giải ngân kịp thời khi chủ đầu tư có nhu cầu vay vốn; tạo điều kiện thuận lợi cho người mua NƠXH tiếp cận vốn vay.

Cũng theo ông Đào Minh Tú, đối với gói tín dụng 145.000 tỷ đồng, NHNN đã đề xuất Chính phủ một nghị quyết mới, thay thế cho Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ, trong đó nâng mức ưu đãi đối với người mua NƠXH, nhà ở công nhân theo phương thức giảm lãi suất 3%, thời hạn vay kéo dài từ 5 năm lên 10 năm.

Hoạt động ngân hàng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Cũng tại buổi họp báo, lãnh đạo NHNN đã thông tin về những kết quả trong điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN Việt Nam thông tin về những kết quả trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Theo đó, thứ nhất, điều hành CSTT đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD), giữ ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Thứ hai, trong điều hành lãi suất, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế.

Thứ ba, NHNN điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, góp phần hấp thu các cú sốc bên ngoài; đồng thời, phối hợp đồng bộ các công cụ CSTT.  

Thứ tư, trong điều hành tín dụng, để tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, ngày 31/12/2023, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD và thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng. Đồng thời, yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về hoạt động tiền tệ, tín dụng, các quy định về cấp tín dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, bảo đảm an toàn hệ thống và ổn định thị trường tiền tệ.

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng như: Chương trình 145.000 tỷ đồng cho vay NƠXH, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản… Đặc biệt ngành Ngân hàng đã khẩn trương, kịp thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Thứ năm, trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các giải pháp đồng bộ của NHNN và sự phối hợp của các Bộ ngành liên quan, đến nay, mục tiêu cơ bản ban đầu là xử lý và kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ phù hợp đã đạt được.

Thứ sáu, sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD tiếp tục được giữ vững, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền được bảo đảm.  

Thứ bảy, khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động ngân hàng số tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy hoạt động ngân hàng số.  

Thứ tám, hệ thống pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng tiếp tục được chú trọng hoàn thiện, vừa bảo đảm hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn vừa bám sát yêu cầu thực tiễn, đáp ứng kịp với xu thế và chuẩn mực, thông lệ quốc tế.  

Điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp CSTT

Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp CSTT nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra, cụ thể:

(i) Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT;

(ii) Theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô;

(iii) Thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế. Giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 ngay từ đầu năm cho các TCTD và thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng…;

(iv) Triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” góp phần phát triển hệ thống các TCTD hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và tiệm cận, đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế;

(v) Tập trung triển khai thực hiện Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; các thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn Luật Các TCTD, Nghị định 52/2024/NĐ-CP; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung tại Kế hoạch triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng;

Đồng thời tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật hoạt động thanh toán, ngân hàng; đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng…

Bình luận