Cần được thẩm định bởi đơn vị thẩm định độc lập
Bộ TN&MT đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) và bảo vệ tầng ozon.
Trong đó, nội dung liên quan đến kiểm kê KNK đối với các cơ sở được phân bổ hạn ngạch để tham gia thị trường carbon, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định cơ quan chuyên môn có liên quan thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện thẩm định kết quả kiểm kê KNK cho toàn bộ các cơ sở phải thực hiện kiểm kê KNK. Tuy nhiên, kết quả kiểm kê KNK của các cơ sở được phân bổ hạn ngạch yêu cầu phải nâng cao độ chính xác, minh bạch.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải KNK phải gửi Chính phủ kết quả kiểm kê KNK sau khi được thẩm định bởi đơn vị thẩm định độc lập. Do đó, cơ quan chuyên môn của Bộ TN&MT đề xuất quy định kết quả kiểm kê KNK của cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải KNK cần được thẩm định bởi đơn vị thẩm định độc lập…
Đáng chú ý, dự thảo Nghị định bổ sung danh mục lĩnh vực, cơ sở phải kiểm kê KNK đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Theo cơ quan chuyên môn của Bộ TN&MT, triển khai quy định tại Điều 6 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về danh mục lĩnh vực, cơ sở phải kiểm kê KNK, Bộ TN&MT đã phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK.
Danh mục bao gồm các cơ sở phải kiểm kê KNK thuộc các ngành Công Thương, GTVT, Xây dựng, TN&MT có mức phát thải KNK hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên; các nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp, tòa nhà thương mại, công ty kinh doanh vận tải hàng hóa tiêu thụ hằng năm 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên; các cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm trên 65.000 tấn.
Trong quá trình rà soát và cập nhật danh mục nêu trên, Bộ NN&PTNT, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề xuất bổ sung cơ sở chăn nuôi (lợn, bò) quy mô lớn vào danh mục các cơ sở phải kiểm kê KNK.
Sau khi nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đánh giá hiện trạng trong nước và trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan chuyên môn của Bộ TN&MT thống nhất đề xuất bổ sung ngành chăn nuôi vào danh mục cơ sở phải kiểm kê KNK…
Phân bổ hạn ngạch cho những lĩnh vực phát thải lớn
Dự thảo Nghị định cũng đồng thời quy định các nội dung liên quan đến phân bổ hạn ngạch phát thải KNK. Trong đó, bổ sung quy định về lộ trình phân bổ hạn ngạch phát thải KNK.
Cơ quan chuyên môn của Bộ TN&MT cho biết, theo quy định tại khoản 4 Điều 7 và khoản 2 Điều 12 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, các cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 5 sẽ được phân bổ hạn ngạch phát thải KNK cho giai đoạn 2026-2030. Tuy nhiên, hiện nay một số cơ sở vẫn chưa cung cấp số liệu chi tiết để có căn cứ phân bổ hạn ngạch phát thải KNK.
Theo kinh nghiệm của các quốc gia đã vận hành thị trường carbon, trong giai đoạn đầu, Chính phủ chỉ phân bổ hạn ngạch cho những lĩnh vực phát thải lớn.
Ngoài ra, EU đã bắt đầu áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) nhằm kiểm soát phát thải KNK và áp dụng mức thuế carbon đối với các mặt hàng nhập khẩu vào EU gồm: Sắt thép, nhôm, xi măng, điện, hydro, phân bón. Hoa Kỳ cũng có kế hoạch áp dụng cơ chế CBAM đối với 8 mặt hàng có liên quan đến xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, các cơ sở có trách nhiệm nộp báo cáo kiểm kê KNK định kỳ hai năm một lần.
Kết quả kiểm kê KNK là cơ sở để vận hành thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải KNK. Vì vậy, thời điểm phân bổ hạn ngạch cần theo lộ trình phù hợp với thời điểm các cơ sở nộp báo cáo kiểm kê KNK.
Trên cơ sở đó, cơ quan chuyên môn của Bộ TN&MT đề xuất bổ sung lộ trình phân bổ hạn ngạch, trong giai đoạn đầu sẽ phân bổ hạn ngạch cho các cơ sở có mức phát thải lớn thuộc 3 lĩnh vực: Nhiệt điện, sản xuất sắt thép, sản xuất xi măng. Dự kiến có khoảng 200 cơ sở được phân bổ hạn ngạch trong giai đoạn đầu, chiếm khoảng 45% tổng phát thải của các cơ sở phải thực hiện kiểm kê KNK.
Về tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải KNK, cơ quan chuyên môn của Bộ TN&MT cho biết, theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, Bộ TN&MT được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý lĩnh vực liên quan xây dựng, ban hành định mức phát thải KNK trên đơn vị sản phẩm đối với các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhằm xác định hạn ngạch để phân bổ cho các cơ sở dựa trên cường độ phát thải trên đơn vị sản phẩm.
Kinh nghiệm của các nước như Hàn Quốc cho thấy, việc xác định hạn ngạch dựa trên cường độ phát thải trên đơn vị sản phẩm là rất khó khăn và đã thay đổi việc xác định hạn ngạch phát thải dựa trên lịch sử phát thải của 3 năm gần nhất. Giai đoạn đầu, các quốc gia phân bổ hạn ngạch dựa trên lịch sử phát thải KNK của các cơ sở và tiến tới áp dụng định mức phát thải đối với các lĩnh vực khi có đầy đủ thông tin, dữ liệu liên quan đến xác định định mức.
Về trách nhiệm phân bổ hạn ngạch, các Bộ quản lý lĩnh vực hiện được quy định có trách nhiệm tổ chức thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK cấp lĩnh vực; ban hành quy định kỹ thuật về kiểm kê KNK, MRV giảm nhẹ phát thải KNK cấp cơ sở và tổ chức kiểm tra việc tuân thủ các quy định trong phạm vi lĩnh vực quản lý.
Do đó, cơ quan chuyên môn của Bộ TN&MT đề xuất sửa đổi theo hướng, giao trách nhiệm cho các Bộ quản lý lĩnh vực tổng hợp đề xuất danh mục cơ sở và lượng hạn ngạch được phân bổ hằng năm cho từng cơ sở gửi Bộ TN&MT tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng hạn ngạch phát thải KNK, lượng hạn ngạch dự trữ.
Căn cứ tổng hạn ngạch phát thải KNK được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các Bộ liên quan phân bổ hạn ngạch cho các cơ sở.
Theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK, có 6 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê KNK gồm: Năng lượng (công nghiệp sản xuất năng lượng; Tiêu thụ năng lượng trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ và dân dụng; Khai thác than; Khai thác dầu và khí tự nhiên);
Giao thông vận tải (Tiêu thụ năng lượng trong giao thông vận tải);
Xây dựng (Tiêu thụ năng lượng trong ngành Xây dựng; Các quá trình công nghiệp trong sản xuất VLXD);
Các quá trình công nghiệp (Sản xuất hóa chất; Luyện kim; Công nghiệp điện tử; Sử dụng sản phẩm thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ozon; Sản xuất và sử dụng các sản phẩm công nghiệp khác);
Nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất (Chăn nuôi; Lâm nghiệp và thay đổi sử dụng đất; Trồng trọt; Tiêu thụ năng lượng trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Các nguồn phát thải khác trong nông nghiệp);
Chất thải (Bãi chôn lấp chất thải rắn; Xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học; Thiêu đốt và đốt lộ thiên chất thải; Xử lý và xả thải nước thải).