Theo dự thảo Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhóm tư vấn đề xuất phát triển hệ thống đô thị TP.HCM trong tương lai bao gồm một đô thị trung tâm (gồm 15 quận), TP Thủ Đức và 3 thành phố song hành.
Thành phố phía Bắc gồm hai huyện Hóc Môn và Củ Chi với định hướng phát triển sinh thái nông nghiệp - nông thôn, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, công nghiệp sinh thái, dịch vụ. Trong đó, huyện Hóc Môn sẽ là trung tâm hành chính, chính trị của thành phố phía Bắc.
Thành phố phía Tây gồm toàn bộ huyện Bình Chánh với định hướng hình thành trung tâm y tế, đào tạo, sản xuất công nghiệp, công nghệ cao, triển lãm - hội trợ quốc tế.
Thành phố phía Nam gồm huyện Nhà Bè và Cần Giờ. Trong đó, Nhà Bè sẽ là nơi sản xuất công nghiệp, công nghệ cao, logistics, du lịch sinh thái, thương mại dịch vụ. Cần Giờ sẽ là trung tâm kinh tế biển, cảng trung chuyển quốc tế, công nghiệp gắn với cảng, du lịch sinh thái, bảo tồn sinh quyển.
Theo đơn vị tư vấn, đề xuất này phát triển ý tưởng từ Quy hoạch chung TP.HCM trước đây về một thành phố trung tâm và 4 thành phố song hành ở 4 phía. Trong đó, Thủ Đức là thành phố song hành lớn nhất và đã được thành lập.
3 thành phố còn lại cũng sẽ là 3 thành phố lớn, với quy mô mỗi thành phố khoảng 2 triệu dân.
Tuy nhiên, khác với mô hình của Quy hoạch chung trước đây là tạo ra 4 đô thị vệ tinh, tách biệt khỏi khu vực trung tâm bằng những hành lang xanh, sau đó kết nối nhanh vào trung tâm bằng giao thông công cộng thì các đô thị song hành này tạo ra những tâm phát triển mới trong một vùng đô thị lớn.
Với kịch bản này, theo các nhà chuyên môn, những phát triển hạ tầng mới, đặc biệt là Vành đai 3 TP.HCM sẽ được phát huy tốt hơn, tạo ra những khu vực động lực kinh tế mới.