Nhiều địa phương chưa phủ kín các quy hoạch
Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ xem xét, ban hành dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Theo Bộ Xây dựng, thực tiễn triển khai Nghị định số 15/2021/NĐ-CP có một số khó khăn, vướng mắc dẫn đến nhiều dự án chậm triển khai, hồ sơ dự án thẩm định không đạt, không đủ điều kiện phê duyệt để triển khai thực hiện, do một số nguyên nhân như:
(1) Quy hoạch được duyệt là cơ sở lập dự án phải đồng bộ quy hoạch cấp trên (phân khu, quy hoạch chung). Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa phủ kín các quy hoạch này. Rất nhiều trường hợp, sau khi việc thiếu quy hoạch hoặc thiếu đồng bộ giữa các cấp độ quy hoạch được chỉ ra ở Thông báo kết quả thẩm định thì địa phương mới thực hiện lập hoặc điều chỉnh cục bộ các quy hoạch này. Quá trình này thường mất khoảng 6 tháng đến cả năm.
(2) Quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng yêu cầu đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị phải xác định quy mô, ranh giới “công trình ngầm”; Nghị định số 39/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị quy định công trình ngầm gồm công trình ngầm độc lập và phần ngầm của công trình xây dựng dưới mặt đất (tầng hầm và các bộ phận công trình dưới mặt đất). Quy định này bất cập khi quy hoạch phân khu chỉ xác định đến ô phố, chưa xác định lô đất xây dựng công trình nên không có cơ sở để xác định được quy mô tầng hầm, ranh giới của phần ngầm công trình.
(3) Quá trình triển khai luôn phát sinh việc điều chỉnh một số nội dung của dự án so với quy hoạch, của thiết kế bước sau so với thiết kế bước trước. Quá trình điều chỉnh do còn thiếu một số nội dung quy định cụ thể về điều kiện được điều chỉnh một số chỉ tiêu về bố cục, hình khối, thông số trong quy hoạch… làm kéo dài thời gian.
(4) Ngoài ra, vướng mắc liên quan đến thủ tục giao đất, xác định tiền sử dụng đất; thời gian chờ thẩm định đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và góp ý phòng cháy chữa cháy dẫn đến thời gian lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư bị kéo dài.
Nhận thức được các vướng mắc trên, năm 2024 Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu và đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 15/2021/NĐ-CP, với các nội dung đề xuất sửa đổi nhằm giải quyết cơ bản các vướng mắc; đề xuất phân cấp, phân quyền bảo đảm lộ trình, phù hợp với nguồn lực, năng lực và đồng bộ với các thủ tục do các Bộ, ngành khác có liện quan thực hiện, góp phần thúc đẩy phát triển dự án, mà vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, chức năng quản lý nhà nước.
Tiếp tục phân cấp thẩm quyền thẩm định theo lộ trình
Theo Bộ Xây dựng, trên cơ sở nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết số 105/NQ-CP, Văn bản số 410/TTg-CN và kết quả đánh giá nguồn lực, năng lực thực hiện của các cơ quan chuyên môn về xây dựng, trong quá trình dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng đã đề xuất phân cấp thẩm quyền thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở từ các cơ quan quản lý Bộ chuyên ngành thuộc Chính phủ cho cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND cấp tỉnh.
Trong đó, thứ nhất, phân cấp toàn bộ cho cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở trừ dự án nhóm A có công trình cấp I có yêu cầu kỹ thuật phức tạp.
Chính phủ thực hiện phân cấp theo lộ trình, bảo đảm phù hợp thực tiễn. Năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2021/NĐ-CP thay thế Nghị định số 42/2017/NĐ-CP, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP trong đó phân cấp dự án nhóm C cho UBND cấp tỉnh. Giai đoạn tiếp theo vào năm 2023, tại Nghị định số 35/2023/NĐ-CP, Chính phủ tiếp tục phân cấp dự án nhóm B có công trình từ cấp II trở xuống cho UBND cấp tỉnh.
Đồng thời, Bộ Xây dựng đang phối hợp với các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành tiếp tục rà soát, sửa đổi Thông tư số 06/2021/TT-BXD về phân cấp công trình xây dựng theo hướng đưa một số công trình cấp I xuống thành công trình cấp II có sự phù hợp về mức độ phức tạp công trình, để đồng bộ với việc phân cấp và yêu cầu quản lý.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung các quy định về xác định thẩm quyền thẩm định theo quy mô dự án thành phần đối với các dự án được triển khai theo dự án thành phần; theo quy mô của nội dung sửa chữa, cải tạo đối với dự án sửa chữa cải tạo để phân cấp thẩm quyền thẩm định các dự án có tổng mức đầu tư lớn nhưng nội dung đầu tư, tính chất công trình đơn giản.
Thứ ba, cắt giảm số lượng dự án phải thẩm định tại cơ quan chuyên môn về xây dựng thông qua việc tăng quy mô các dự án chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật dự án bảo trì, duy tu, bảo dưỡng nhóm C và điều chỉnh từ 15 tỷ đồng lên 20 tỷ đồng đối với các dự án còn lại); quy định rõ các trường hợp điều chỉnh dự án, thiết kế có nội dung đơn giản thì không yêu cầu quay lại thẩm định tại cơ quan chuyên môn về xây dựng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các giải pháp tăng cường phân cấp tại dự thảo Nghị định sẽ cơ bản giải quyết được yêu cầu tại Nghị quyết số 105/NQ-CP, chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 410/TTg-CP và phù hợp với nguồn lực, năng lực thực hiện của các cơ quan chuyên môn về xây dựng.
Đồng thời, bảo đảm đồng bộ được các thủ tục liên quan đến thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, bởi Luật Đầu tư 2020 được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 03/2022/QH15, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây mới cảng hàng không, sân bay; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, KCX; dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên…
Bảo đảm đồng bộ được các thủ tục liên quan đến thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường, bởi theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Bộ TN&MT thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án có cấu phần xây dựng thuộc thẩm quyền Thủ tướng quyết định/chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án nhóm A có thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường…
Bảo đảm đồng bộ được các thủ tục liên quan đến thẩm duyệt về PCCC, bởi theo Nghị định số 50/2024/NĐ-CP, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH thuộc Bộ Công an thẩm duyệt đối với dự án nhóm A có công trình: trung tâm thương mại có tổng diện tích sàn trên 30.000 m2; nhà cao từ 25 tầng trở lên…
Và bảo đảm phù hợp kết quả tổng kết đánh giá về nguồn lực thực hiện, năng lực, kinh nghiệm của cán bộ tại các cơ quan chuyên môn về xây dựng.
Làm rõ một số khái niệm, căn cứ lập báo cáo…
Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 15/2021/NĐ-CP đồng thời đã làm rõ khái niệm “công trình ngầm”, các căn cứ để lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật tương ứng với từng loại hình dự án đầu tư xây dựng…
Theo Bộ Xây dựng, một trong những mục tiêu cốt lõi của việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, là nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn hoạt động đầu tư xây dựng.
Trong đó, liên quan chủ yếu đến các nội dung về tình hình công tác đánh giá thẩm định thiết kế cơ sở các dự án ở địa phương, Bộ Xây dựng cho biết, thời gian vừa qua, khi đánh giá sự phù hợp với quy hoạch trong thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi cho thấy, nhiều đồ án quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu không có đầy đủ thông tin về công trình ngầm, mà cho phép xác định tại bước lập dự án.
Tuy nhiên, quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng yêu cầu đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết phải xác định quy mô, ranh giới “công trình ngầm”, bao gồm: tầng hầm và các bộ phận công trình dưới mặt đất.
Theo đó, cơ quan chuyên môn về xây dựng phải yêu cầu chủ đầu tư liên hệ cơ quan quản lý quy hoạch ở địa phương bổ sung đủ thông tin để có đủ cơ sở thẩm định. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chậm chễ trong triển khai dự án thời gian qua.
Do đó, nhằm bảo đảm sự đồng bộ với dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung tại Điều 3 nhằm giải thích khái niệm “công trình ngầm” không bao gồm tầng hầm của công trình xây dựng trên mặt đất để tháo gỡ nội dung bất cập này. Các chỉ tiêu về tầng hầm được quản lý theo chỉ tiêu sử dụng đất của toàn bộ công trình khi phê duyệt quy hoạch chi tiết.
Đáng chú ý, Bộ Xây dựng cho biết, triển khai quy định của pháp luật quy hoạch hiện hành, các dự án được hình thành từ các cấp độ, loại quy hoạch khác nhau theo hướng: quy hoạch phân khu, quy hoạch chung là cơ sở lập dự án hạ tầng kỹ thuật khung; quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành là cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng đối với các dự án được hình thành từ quy hoạch này theo pháp luật quy hoạch và pháp luật chuyên ngành… Do đó, dự thảo Nghị định bổ sung quy định rõ các nội dung này để làm căn cứ lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật tại Điều 13, Điều 18; để làm căn cứ cấp Giấy phép xây dựng tại Điều 50.
Luật Xây dựng quy định khu chức năng có quy mô dưới 500 ha không yêu cầu lập quy hoạch chung, chỉ lập quy hoạch phân khu. Trong khi đó, khi quy hoạch phân khu được thay thế cho quy hoạch chung, làm cơ sở lập dự án hạ tầng kỹ thuật khung, lại gây ra cách hiểu khác nhau trong triển khai thực hiện. Do đó, dự thảo Nghị định bổ sung quy định rõ trường hợp này tại Điều 13.
Sau khi được quy định rõ, các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN sẽ chỉ thực hiện đầu tư phần hạ tầng, việc lập quy hoạch chi tiết 1/500 đối với các ô đất bên trong KCN chỉ được thực hiện khi có các nhà đầu tư xây dựng nhà máy, kho tàng…
Để giảm thiểu phải trình hồ sơ thẩm định nhiều lần do thiếu hoặc không đáp ứng đủ điều kiện thẩm định, dự thảo Nghị định bổ sung quy định làm rõ thành phần hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi, nội dung hồ sơ thiết kế theo từng giai đoạn trình thẩm định tương thích với nội dung thẩm định. Quy định rõ các tiêu chí định lượng để làm thước đo khi thẩm định, đảm bảo chặt chẽ, rõ ràng, rút ngắn thời gian thẩm định và nâng cao chất lượng kết quả thẩm định.
Ngoài ra, liên quan đến những phát sinh trong thực tế phải điều chỉnh một số nội dung của dự án so với quy hoạch, của thiết kế bước sau so với thiết kế bước trước, dẫn đến làm kéo dài thời gian và vướng mắc do thiếu một số nội dung quy định cụ thể về điều kiện và một số chỉ tiêu được điều chỉnh… Do đó, dự thảo Nghị định quy định theo hướng, được điều chỉnh về bố cục, hình khối, thông số trong quy hoạch được duyệt, khi bảo đảm chỉ tiêu sử dụng đất và các chỉ tiêu khống chế tại đồ án quy hoạch (Điều 13); được hiệu chỉnh số liệu tính toán, quy mô sử dụng đất theo thực tế giao đất, cắt giảm hạng mục, công trình xây dựng độc lập (Điều 23); thay đổi thông số kỹ thuật của thiết kế bước trước khi không làm thay đổi công năng, chức năng chính công trình (Điều 35).
Kỳ vọng, việc tăng cường phân cấp cho địa phương, đồng thời làm rõ một số khái niệm, căn cứ pháp lý lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật, lập dự án, cấp Giấy phép xây dựng sẽ bảo đảm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn hiện nay…