Ngày 19/4, UBND huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương đã tổ chức công bố Quy hoạch xây dựng vùng huyện Dầu Tiếng đến năm 2040.
Theo đồ án quy hoạch, toàn bộ huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương được chia thành 5 phân vùng phát triển, dựa trên thế mạnh, tiềm năng sẵn có và tài nguyên của từng khu vực.
Từ nay đến năm 2030, trên địa bàn huyện sẽ phát triển thêm 3 thị trấn gồm: Thanh Tuyền, Long Hòa, Minh Hòa; đồng thời phấn đấu các khu vực xã Thanh An, An Lập, Long Tân, Định Hiệp đạt các tiêu chí đô thị loại V; phấn đấu huyện đạt các tiêu chí của đô thị loại IV.
Giai đoạn từ 2031 đến 2040 sẽ nâng cấp huyện lên thị xã và tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh tiêu chí thị xã. Cùng với đó, huyện sẽ tập trung phát triển các khu - cụm công nghiệp đi đôi với phát triển hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng, nhằm gia tăng tốc đô thị hóa của huyện, dự kiến giai đoạn từ nay đến năm 2030, tốc độ đô thị hóa của huyện sẽ đạt mức cao nhất.
Với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, huyện tiếp tục triển khai 2 KCN đã có chủ trương quy hoạch gồm: KCN Bàu Bàng mở rộng khoảng 107,8 ha thuộc huyện Dầu Tiếng và KCN Bàu Bàng mở rộng khoảng 107,8 ha; bố trí thêm 3 KCN và 11 cụm công nghiệp tạo động lực phát triển và công ăn việc làm ổn định cho người dân trên địa bàn huyện.
Trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, 4 khu du lịch lớn được ưu tiên phát triển tại hồ Dầu Tiếng, khu vực ven sông Sài Gòn, đập Thị Tính và hồ Cần Nôm với tổng diện tích quy hoạch khoảng 3.580 ha, kết hợp đa dạng các loại hình du lịch từ sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp sân golf nhằm nâng cao chất lượng du lịch của địa phương.
Để tăng vai trò đầu mối giao thông và tính liên kết giữa huyện Dầu Tiếng trong khu vực, tăng tính liên kết và giao thương khu vực, huyện Dầu Tiếng dự kiến sẽ triển khai phát triển hạ tầng đồng bộ, với các tuyến giao thông huyết mạch sẽ được nâng cấp và mở rộng như Quốc lộ 56, ĐT 744, ĐT 745 (Vành đai 5), ĐT 748, ĐT 750.
Ngoài ra, tuyến đường sắt đô thị số 7 Mỹ Phước - Dầu Tiếng đi qua địa bàn huyện, có chiều dài 38,8 km sẽ được xây dựng sau năm 2025. Kết hợp cùng tuyến đường sắt Mộc Bài - Bàu Bàng để kết nối, vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu Mộc Bài đi qua tỉnh Tây Ninh và qua địa bàn huyện Dầu Tiếng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, sau đó về ga An Bình tại TP Dĩ An để đến cảng Cái Mép thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu. Kết hợp việc đẩy mạnh khai thác các tuyến đường thủy nội địa trên sông Sài Gòn, xây dựng mới 03 cảng góp phần thúc đẩy giao thương khu vực.
Tập trung phát triển 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Long Hòa và xã Minh Tân. Đồng thời, tăng cường phát triển vùng chuyên canh cây có múi khu vực sông Sài Gòn, sông Thị Tính và các hồ, kênh suối trên địa bàn...
Theo Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, Tây Ninh trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống.
Tây Ninh phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 9,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 210 triệu đồng (tương đương khoảng 7.700USD); đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh Tây Ninh đạt từ 55% trở lên.
Để hiện thực hoá các mục tiêu trên, Tây Ninh tập trung thực hiện 7 đột phá chiến lược: (1) phát triển hạ tầng; (2) phát triển nguồn nhân lực; (3) về thể chế; (4) phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; (5) phát triển bền vững: Tây Ninh xanh; (6) phát triển du lịch; (7) phát triển kinh tế dịch vụ.