Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của huyện Ia Pa đạt gần 22%

07:08 07/12/2024
Quy hoạch dự báo, giai đoạn 2021-2030, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai có 1 đô thị loại V; giai đoạn 2031-2050, huyện có 2 đô thị (là đô thị huyện lỵ Ia Pa và đô thị Pờ Tó).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế đã ký Quyết định số 566/QĐ-UBND phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch vùng huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Một góc khu vực trung tâm huyện Ia Pa, Gia Lai. Ảnh: Internet

Theo quy hoạch, huyện Ia Pa là vùng cửa ngõ phía Bắc của tiểu vùng Đông Nam, liên kết với tiểu vùng trung tâm và tiểu vùng Đông Bắc tỉnh Gia Lai.

Huyện có tính chất là vùng sản xuất lương thực trọng điểm của tiểu vùng và vùng chăn nuôi tập trung ứng dụng khoa học công nghệ cao; là vùng phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với bảo vệ đa dạng sinh học; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản gắn với vùng nguyên liệu, phát triển năng lượng tái tạo thuộc tiểu vùng phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai.

Đồng thời là vùng bảo vệ, phát triển văn hóa truyền thống kết hợp điểm phát triển du lịch văn hoá, sinh thái của tiểu vùng gắn với hành lang du lịch thác Phú Cường - hồ Ayun Hạ - khu di tích lịch sử Plei Ơi theo Quốc lộ 25.

Quy hoạch cũng dự báo quy trình phát triển vùng, cụ thể: giai đoạn 2021-2030, huyện Ia Pa có 1 đô thị loại V; giai đoạn 2031-2050, huyện có 2 đô thị (là đô thị huyện lỵ Ia Pa và đô thị Pờ Tó).

Đến năm 2030, dân số toàn huyện khoảng 66.500 người; tỷ lệ đô thị hoá đạt khoảng 21,8%; đất xây dựng đô thị khoảng 400-500 ha; đất xây dựng nông thôn khoảng 740-800 ha.

Đến năm 2050, dân số toàn huyện khoảng 89.500 người; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 36,09%; đất xây dựng đô thị khoảng 950-1.080 ha; đất xây dựng nông thôn khoảng 880-1.050 ha.

Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng huyện Ia Pa đặt ra 9 nhiệm vụ để làm rõ, gồm: Lý do và sự cần thiết lập quy hoạch huyện; phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, nhân văn, hiện trạng kinh tế-xã hội vùng; xác định tiềm năng, động lực phát triển cơ hội và thách thức trong định hướng phát triển vùng.

Đồng thời dự báo phát triển kinh tế, dân số, lao động, tỷ lệ đô thị hóa, nhu cầu sử dụng đất, bảo vệ môi trường; định hướng phát triển không gian vùng; định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng huyện; đánh giá môi trường chiến lược.

Bên cạnh đó, xác định danh mục các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và bảo vệ môi trường; đề xuất giải pháp thực hiện quy hoạch sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bình luận