Tuy nhiên, đồng hành với sự phát triển trong xu hướng hội nhập quốc tế, việc bảo tồn đang đứng trước nhiều thách thức. Tìm giải pháp gìn giữ và phát huy các công trình thời Pháp thuộc là một trong những nhiệm vụ mà chính quyền Hà Nội đang nỗ lực.
Quỹ di sản đô thị đặc biệt của Hà Nội
Hà Nội đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ với những công trình ngày càng hiện đại, minh chứng cho một TP phát triển năng động. Bên cạnh những công trình kiến trúc cao tầng hiện đại, Hà Nội vẫn còn đó các công trình kiến trúc có từ hàng trăm năm làm nên dáng vóc lịch sử cho Hà Thành, trong đó phải kể đến những di sản kiến trúc từ thời Pháp thuộc mang phong cách cổ điển châu Âu. Chính những công trình này xen lẫn những công trình cổ ngàn năm đã tạo cho Hà Nội sự cuốn hút lạ kỳ.
Những tuyến phố di sản
Các công trình kiến trúc thuộc địa Pháp chính là một quỹ tài sản đô thị đặc biệt của TP Hà Nội. Từ những năm 1920, các kiến trúc sư người Pháp đã đưa vào Việt Nam những kỹ thuật mới, những loại hình kiến trúc mà chúng ta chưa có (nhà thương, nhà ga, thư viện, bảo tàng, nhà hát, khách sạn…). Đây cũng cuộc hội nhập đầu tiên của xây dựng và kiến trúc dân tộc và thế giới, sau đó mới là hội nhập về văn chương, sân khấu.
Cái đẹp ở kiến trúc Pháp không phải ở sự độc đáo, mà là từ sự tinh tế của người Pháp. Các công trình không được xây dựng quá lớn, quá bề thế mà gần gũi, phù hợp với cảnh quan Hà Nội. Sự hòa quyện giữa kiến trúc Pháp và kiến trúc bản địa cũng chính từ sự tinh tế đó.
Du khách đến Hà Nội không thể để lỡ dịp ngắm nhìn những công trình kiến trúc tuyệt đẹp được xây dựng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Các công trình kiến trúc Pháp ở Hà Nội phong phú về phong cách, nhưng hài hòa trong tổng thể kiến trúc của quy hoạch vỉa hè, cây xanh và gắn với khung cảnh thiên nhiên, con người, bởi vậy đã tạo cho kiến trúc Pháp ở Hà Nội một vẻ đẹp rất riêng, không trùng lắp với bất kỳ TP nào trong khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Những công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu đầu tiên là cây cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, trước đây được đặt theo tên toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (Pont Paul-Doumer) do Công ty Dayde' et Pille' thiết kế và được hoàn tất xây dựng năm 1903. Hình ảnh cây cầu này được coi là một trong những biểu tượng văn hóa của thủ đô Hà Nội.
Trong khu vực nội thành Hà Nội hiện còn ghi dấu hàng loạt các công trình kiến trúc Pháp bề thế như: Phủ Toàn quyền Đông Dương (nay là Phủ Chủ tịch), Dinh Thống xứ Bắc Kỳ (nay là Nhà khách chính phủ), Ngân hàng Đông Dương (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), Bảo Tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam), Tòa án (nay là Tòa án nhân dân tối cao)... Mỗi công trình đều mang dáng vẻ riêng, phù hợp với cảnh quan xung quanh.
Bản thân mỗi công trình kiến trúc thời Pháp thuộc mang trong mình một giá trị lịch sử văn hóa nhất định. Kiến trúc thuộc địa Pháp ở Hà Nội, đầu thế kỷ XX vốn được ca tụng ngang với những TP đẹp nhất vùng Viễn Đông. Các công trình từ kiến trúc biệt thự, dinh thự, hay khu phố Pháp đều có thể trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn.
Lung lay các quan điểm bảo tồn
Theo KTS Nguyễn Quốc Thông: “Nhận thức về giá trị của kiến trúc Pháp ở Hà Nội đã trải qua một quá trình có thể nói là không ngắn và không ít những khó khăn. Hiện nay, kiến trúc Pháp ở Hà Nội được đánh giá là một quỹ di sản kiến trúc đô thị - một bộ phận quan trọng góp phần tạo nên hình ảnh kiến trúc đô thị đặc trưng của Hà Nội. Đó là kết quả nghiên cứu trong nhiều năm của nhiều tác giả trong và ngoài nước”. Tuy nhiên, việc quan trọng sau nhận diện đã là tìm giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị các công trình di sản đó.
Đối với các công trình văn hóa tiêu biểu như: Nhà hát Lớn Hà Nội, Viện viễn Đông Bắc cổ Pháp (nay là Bảo tàng Lịch sử cách mạng Việt Nam)… đều thực hiện những tour tham quan trải nghiệm để giới thiệu về vẻ đẹp kiến trúc, giá trị lịch sử của công trình.
Ví như năm 2021, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Công ty Lữ hành Hanoitourist tổ chức tour bộ hành “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội” và ra mắt sản phẩm ứng dụng thuyết minh tự động giới thiệu trưng bày (App Audiogiude) tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 1 Tràng Tiền, Hà Nội.
Tour bộ hành được bắt đầu từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia - một tuyệt tác kiến trúc Đông - Tây và là địa chỉ đỏ, nơi lưu giữ, trưng bày và giới thiệu lịch sử Việt Nam từ thời tiền sử đến ngày nay thông qua hệ thống tài liệu, hiện vật đồ sộ, quý giá, trong đó có nhiều hiện vật là Bảo vật quốc gia.
Điểm độc đáo của tour này là sự kết nối 3 điểm tham quan, giúp du khách có cái nhìn tổng quan, nhận diện và so sánh để thấy được giá trị nổi bật của các công trình kiến trúc, phong cách kiến trúc, sự giao thoa, tiếp biến văn hóa Việt Nam với văn hóa phương Tây đầu thế kỷ XX, đồng thời kết nối các sự kiện, hiện vật được trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử quốc gia với Nhà hát Lớn và Di tích lịch sử Bắc Bộ Phủ không chỉ dưới góc độ kiến trúc mà còn là sự kiện lịch sử tạo nên bức tranh toàn cảnh nhằm giúp du khách hiểu sâu sắc hơn cũng như những trải nghiệm mới trong tour tham quan.
“Sự kết hợp giữa mỹ thuật kiến trúc với lịch sử văn hóa sẽ giúp cho các du khách thích thú tìm hiểu. Với những nội dung phong phú, hấp dẫn hy vọng du khách sẽ tìm đến với các Bảo tàng nhiều hơn” - ông Phùng Quang Thắng - Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist chia sẻ.
Thế nhưng phải khẳng định việc phát huy thế mạnh các công trình văn hóa Pháp tại Hà Nội chưa thực hiện được nhiều do với kho tàng sẵn có.
Những xung đột giữa bảo tồn và phát triển vẫn đang hiện hữu rất nhiều câu chuyện, nhiều tranh đấu. Để rồi những tư tưởng lung lay giữ - bỏ cũng đã xảy ra. Nhưng dù có không vì xung đột lợi ích mà thế hệ hôm nay có quyền xóa bỏ đi những di sản lớn. Bởi vì cùng với những công trình kiến trúc truyền thống Việt Nam mang giá trị lớn về mặt lịch sử như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Chùa Một Cột, Khu phố cổ 36 phố phường, những công trình kiến trúc Pháp với những sắc thái riêng đã và đang góp phần làm nên nét rất riêng trong lịch sử kiến trúc Hà Nội.
Trong xu thế thủ đô Hà Nội đang mở rộng và ngày càng phát triển, việc lưu giữ những giá trị di sản văn hóa kiến trúc Pháp chính là sự gợi mở cho hướng phát triển bền vững và hài hòa của Thủ đô trong tương lai.
"Người Pháp đã đưa vào Việt Nam nhiều điều khác biệt, đó là nền kiến trúc có thiết kế, xây bằng gạch và đưa quan điểm thiết kế vào quy hoạch đô thị. Đặc biệt là người Pháp đưa vào Việt Nam nhiều công trình mà trước đây chưa hề có như: nhà ga, nhà bưu điện, nhà thờ, nhà hát, bảo tàng, khách sạn, vườn hoa, các đài phun nước…
Người Pháp đã hiện đại hóa TP Hà Nội, đặt Hà Nội vào kênh của đô thị hiện đại. Chúng ta thấy ở Hà Nội hiện nay sự hiện hữu của di sản kiến trúc Pháp từ cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, tạo ra những công trình kiến trúc nhiệt đới hóa và sau đó là nền kiến trúc phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, với truyền thống văn hóa của Việt Nam." - KTS Hoàng Đạo Kính - nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam
"Tôi ấn tượng khi lần đầu tới Nhà hát Lớn Hà Nội. Nó gợi nhắc tới nhà hát Opéra Garnier ở quê hương tôi. Công trình này đã tạo cho Hà Nội những nét đẹp như ở Paris. Rất mong những di sản có giá trị như công trình này được bảo tồn, gìn giữ, vì đó là lịch sử..." - KTS Stephane Rounet - người Pháp làm việc ở Hà Nội
Nguồn: Kinh tế & Đô thị