Không chờ Nghị định ban hành mới soạn thảo văn bản hướng dẫn
Theo ông Hoàng Hải, triển khai thực hiện các VBQPPL hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh BĐS 2023, Bộ Xây dựng đã trình lên Chính phủ 5 Nghị định của Chính phủ, 2 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Về cơ bản, đáp ứng tiến độ ban hành các VBQPPL này trong tháng 7/2024.
Hai dự án Luật này rất quan trọng, có tác động đến nhiều chủ thể trong nền kinh tế và có nhiều quy định mang tính đổi mới, tiến bộ được người dân và xã hội kỳ vọng tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó giúp tạo ra nguồn cung về NƠXH, NƠTM; giải quyết những tồn tại nhiều năm về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; giải quyết vấn đề về nhà ở cho lực lượng vũ trang, người có công với cách mạng, cho những đồng bào khó khăn ở những vùng khó khăn; các chính sách làm lành mạnh và minh bạch hoá thị trường BĐS.
Chính vì những tác động tích cực to lớn này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt và yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT lần đầu tiên xây dựng một Luật điều chỉnh 4 Luật ngay cả khi 4 Luật chưa có hiệu lực thi hành, nhằm đẩy sớm hiệu lực thi hành của 4 Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15, có hiệu lực từ ngày 01/8/2024.
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2024 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Bộ Xây dựng, ông Hoàng Hải đề nghị các Sở Xây dựng địa phương tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành hướng dẫn thực hiện các Nghị định của Chính phủ trong tháng 7/2024. Ví dụ, đối với Luật Nhà ở, các địa phương gồm UBND và HĐND sẽ phải ban hành tổng số 10 văn bản liên quan đến Luật Nhà ở về các nội dung liên quan đến việc dành quỹ đất để phát triển NƠTM, quy định về giá cho thuê NƠXH, giá bán NƠXH, các quy định về đường để tiếp cận các phương tiện PCCC đối với nhà ở riêng lẻ, nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ… Liên quan đến Luật Kinh doanh BĐS, HĐND, UBND ban hành 01 nội dung…
Việc dự thảo các văn bản hướng dẫn của địa phương nên được thực hiện song song với các Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh BĐS 2023, không chờ các Nghị định được ban hành mới hoàn thiện văn bản hướng dẫn của địa phương. Sở Xây dựng có thể cập nhật dự thảo các Nghị định gần nhất của cơ quan dự thảo để dự thảo văn bản hướng dẫn của địa phương, làm sao bảo đảm ban hành văn bản hướng dẫn đồng thời ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định.
Đơn giản tiêu chí dự án
Liên quan đến việc triển khai Đề án 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng có thu nhập thấp, công nhân ở các KCN giai đoạn 2021-2030, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 1699 ngày 23/4/2024 về đơn giản tiêu chí dự án khi tiếp cận nguồn vốn. Trong đó đã rút từ 4 điều kiện xuống 2 điều kiện liên quan đến chủ trương, lựa chọn nhà đầu tư; bỏ điều kiện về GPMB, cấp phép. Các Sở Xây dựng địa phương lưu ý hướng dẫn cho doanh nghiệp.
Đáng chú ý, liên quan đến việc ban hành các văn bản hướng dẫn Nghị định của Chính phủ triển khai Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh BĐS 2023, bà Tống Thị Hạnh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế cũng đồng thời khuyến nghị các địa phương khẩn trương ban hành các văn bản để triển khai thi hành 2 dự án Luật là Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh BĐS 2023.
Bà Tống Thị Hạnh cho biết, đến thời điểm hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ của Vụ Pháp chế, mới có một số địa phương gửi dự thảo về Bộ Xây dựng, chưa có địa phương nào dự thảo được văn bản quy định chi tiết.
Trong khi đó, để bảo đảm văn bản hướng dẫn của địa phương có hiệu lực đồng thời với Nghị định của Chính phủ từ ngày 01/8/2024, chắc chắn HĐND và UBND cấp tỉnh phải ban hành văn bản quyết định cho những văn bản hướng dẫn Nghị định của Chính phủ được thực hiện theo trình tự thủ tục rút gọn, thì mới bảo đảm các văn bản hướng dẫn có thể được ban hành và có hiệu lực đồng thời được với Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh BĐS 2023.
Về kết quả thực hiện NƠXH, cả nước đang có khoảng 10.200 ha đất phát triển NƠXH, so với năm 2020 tăng 6.400 ha đất. Một số tỉnh có quỹ đất cho phát triển NƠXH lớn như: Đồng Nai có khoảng 1.000 ha, TP.HCM có khoảng 600 ha, Quảng Ninh 774 ha, Hải Phòng có khoảng 870 ha.
Về số lượng dự án NƠXH, cả nước có 561 dự án đang triển khai, có 82 dự án đã hoàn thành, khởi công 132 dự án, đã chấp thuận chủ trương đầu tư 347 dự án. Một số địa phương rất tích cực phát triển NƠXH như: Bắc Ninh có 16 dự án, Hải Phòng có 9 dự án, Bình Dương có 7 dự án, Đồng Nai có 8 dự án và Thanh Hoá có 10 dự án…