Bổ sung đánh giá sơ bộ về an toàn hồ, đập và an toàn các công trình có liên quan; đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình khai thác, vận hành an toàn công trình hồ, đập và đảm bảo an sinh cho người dân hạ du khu vực dự án.
Bổ sung các bản vẽ thể hiện phương án đấu nối của dự án vào lưới điện khu vực, nhà quản lý vận hành, hệ thống công trình phụ trợ và thuyết minh các nội dung về đầu tư xây dựng của dự án đảm bảo các quy định trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng.
Để tận dụng khu vực có địa chất tốt cần nghiên cứu thiết kế và xem xét căn cứ trên số liệu điều tra, khảo sát địa chất công trình, khảo sát địa chất thủy văn nhằm đảm bảo cơ sở đề ra các giải pháp thiết kế an toàn công trình và an toàn công trình lân cận trong khu vực dự án.
Việc phân cấp các công trình của dự án cần thực hiện theo quy định tại Thông tư số 06/2021/TT-BXD ngày 30/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng.
Các nội dung liên quan tới giải tỏa công suất của hệ thống điện khu vực tỉnh Thanh Hóa cần được phân tích làm rõ để đảm bảo tính khả thi phương án đấu nối vào lưới điện khu vực. Phân tích, đánh giá đầy đủ về những khó khăn, thuận lợi và hiệu quả kinh tế-xã hội của dự án.
Rà soát để cập nhật, bổ sung các văn bản pháp luật thay thế các văn bản đã hết hiệu theo quy định.
Rà soát để cập nhật, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn thay thế các quy chuẩn, tiêu chuẩn đã hết hiệu lực. Việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn xây dựng cần đảm bảo tính đồng bộ, tính khả thi của hệ thống tiêu chuẩn được áp dụng; tuân thủ quy định tại Điều 6 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, Điều 8 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Bổ sung đánh giá tác động, dự báo tác động của dự án tới các hoạt động kinh tế-xã hội trong quá trình vận hành công trình đặc biệt liên quan đến việc khai thác sử dụng nguồn nước phục vụ nhu cầu an sinh của người dân khu vực hạ lưu. Đối với việc sử dụng đất của dự án cần tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Đất đai và các quy định của pháp luật có liên quan; đảm bảo các quy định tại Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Cần có phân tích, đánh giá về tính đặc thù nêu trên của dự án làm cơ sở để đưa ra các giải pháp kỹ thuật sơ bộ nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế-xã hội của dự án.
Rà soát, hoàn chỉnh đảm bảo các quy định tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan để làm cơ sở chuẩn bị thu xếp nguồn vốn, lập kế hoạch vốn đầu tư đảm bảo hiệu quả kinh tế-xã hội của dự án.
Bổ sung cơ sở pháp lý điều chỉnh quy hoạch đáp ứng các quy định tại Thông tư số 43/2012/TT-BCT ngày 27/12/2012 về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện và các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan.
Về đề xuất nâng công suất từ 12MW lên 14MW cần được xem xét căn cứ vào các yêu cầu kỹ thuật của hệ thống điện khu vực dự án, đảm bảo cân đối cơ cấu nguồn điện trong tổng thể phát triển ngành Điện.
Bộ Công Thương đánh giá và chịu trách nhiệm về hồ sơ quy hoạch của dự án nhằm đảm bảo tính pháp lý làm cơ sở xem xét hồ sơ điều chỉnh quy hoạch theo quy định đồng thời đảm bảo đúng mục tiêu, sự phù hợp và yêu cầu về cơ cấu nguồn điện trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được phê duyệt.
Dự án thủy điện Sông Âm đã được Bộ Công Thương phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch thủy điện nhỏ toàn quốc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tại Quyết định số 5046/QĐ-BCT ngày 03/10/2011, theo đó dự án có quy mô công suất 12MW. Dự án được đề xuất xây dựng trên sông Thác Lạn thuộc xã Tam Văn, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa.