TS Hoàng Văn Phương - nhà kinh tế BĐS và kinh tế vĩ mô, Giám đốc Công ty HousingMarketAustralia - kể trên VnExpess rằng, có người bạn ở Việt Nam hỏi về xu hướng giá chung cư tại Hà Nội, khi giá rao bán tại một số khu vực tăng từ 50 triệu đ/m² lên 80 triệu đ/m², tức là tăng 60% trong khoảng một năm qua.
Trong khi giá tăng với tốc độ không thể hiểu nổi thì việc tiếp cận thông tin đáng tin cậy về thị trường cũng là một rào cản đối với người mua nhà. Thông tin từ sàn giao dịch, môi giới hay các nền tảng trực tuyến thường khác nhau, khiến người mua nhà khó xác định được tính chính xác của xu hướng thị trường. Điều này làm gia tăng rủi ro tài chính cho người mua nhà và làm giảm hiệu quả hoạt động của thị trường BĐS …
Vậy việc thực hiện Nghị định 94/2024/NĐ-CP liệu có đem lại tính khả quan trong thực tiễn để khắc phục tình trạng này?
Theo quy định, đối tượng áp dụng của Nghị định là các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS. Như vậy là rất rộng, nếu không có những ràng buộc trách nhiệm cụ thể thì rất dễ lâm vào tình trạng ai cũng hiểu nhưng không ai làm!
Từ lâu, Bộ Xây dựng đã xuất bản thường xuyên hằng quý Thông cáo công bố thông tin về nhà ở và thị trường BĐS. Tại đây, nhiều thông tin đáng tin cậy đã được công bố công khai, như các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội đã được cấp phép trong quý, các dự án đang triển khai, các dự án đã hoàn thành; lượng giao dịch nhà ở, chung cư, đất nền; lượng tồn kho... Không những thế, Thông cáo còn thống kê mức giá bình quân ở những địa phương và dự án trọng điểm, dư nợ ngân hàng, dòng vốn FDI... cùng với những phân tích nguyên nhân và đề xuất các giải pháp trong thời gian tới...
Tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng nội dung trên những bản Thông cáo hằng quý ấy rất hữu ích trong phân tích và định hướng cho việc hoạch định chính sách thị trường BĐS ở tầng vĩ mô, nhưng để khai thác và áp dụng vào cuộc sống thường ngày của người dân thì vẫn còn khoảng cách khá lớn.
TS Hoàng Văn Phương cho biết, ở Australia, chỉ với địa chỉ một căn nhà, người dân có thể tra cứu toàn bộ lịch sử giao dịch, thông tin kỹ thuật như số lượng phòng, diện tích, năm xây dựng, vật liệu sử dụng, và mức giá của từng lần giao dịch, và căn nhà hiện nay có đang rao bán không.
Với dữ liệu tin cậy của hàng chục triệu căn nhà và hàng chục nghìn khu vực tại Australia, các căn nhà đang rao bán thường được để ở mức giá thị trường, tức là mức giá mà có xác suất giao dịch thành công cao nhất. Do đó, hầu hết nhà đang bán đều tìm được người mua sau khoảng 30 ngày. Người mua không lo bị mua đắt, người bán không lo bán giá thấp, và nhà nước dùng giá giao dịch thành công để tính các loại thuế và phí người mua và bán phải nộp.
Việc này cần bắt đầu với nhập mã định danh từng căn nhà, bổ sung về lịch sử giao dịch căn nhà từ nhiều nguồn như mức giá giao dịch thực tế, thông tin về căn nhà từ các hợp đồng vay thế chấp... vào một cơ sở dữ liệu tập trung. Mỗi căn nhà được rao bán trên thị trường phải kèm với mã định danh BĐS, kèm theo mã định danh của môi giới để loại trừ thông tin ảo…
Thiết nghĩ, nếu làm được như vậy mới có thể đạt được mục tiêu sâu xa nhất khi thực hiện Nghị định 94/2024/NĐ-CP của Chính phủ.