Định hướng không gian phát triển đô thị và nông thôn Vùng huyện Lục Ngạn

20:10 25/09/2023
Quy hoạch định hướng xây dựng Vùng huyện Lục Ngạn là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ du lịch sinh thái, văn hóa, lễ hội vùng phía Đông của tỉnh Bắc Giang.

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch xây dựng Vùng huyện Lục Ngạn đến năm 2040, tỷ lệ 1/25.000.

Theo Quyết định, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới 19 đơn vị hành chính xã thuộc huyện Lục Ngạn hiện nay; một phần diện tích xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn (phần diện tích không nằm trong phạm vi quy hoạch chung đô thị Chũ, tỉnh Bắc Giang) và một phần diện tích của xã Phúc Sơn, huyện Sơn Động với quy mô diện tích 856,88 km2.

Vườn vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tại thôn Cầu Đền, xã Thanh Hải. Ảnh: Báo bắc Giang

Cũng theo Quyết định này, huyện Lục Ngạn hình thành 4 đô thị mới gồm Phì Điền, Biển Động, Tân Sơn, Tân Mộc. Giai đoạn đến 2030, hoàn thành nâng cấp xã Biển Động thành thị trấn Biển Động. Hoàn thành nâng cấp khu vực dự kiến thành lập thị trấn Phì Điền đạt tiêu chuẩn đô thị loại V và thành lập thị trấn Phì Điền. Hoàn thành nâng cấp xã Tân Sơn thành thị trấn Tân Sơn, đô thị loại V. Giai đoạn đến năm 2040, quy hoạch và phát triển xã Tân Mộc đủ điều kiện đạt tiêu chuẩn đô thị loại V và tiến tới thành lập thị trấn.

Huyện Lục Ngạn bao gồm 14 xã: Giáp Sơn, Biên Sơn, Tân Hoa, Tân Quang, Đồng Cốc, Phú Nhuận, Tân Lập, Đèo Gia, Sơn Hải, Hộ Đáp, Cấm Sơn, Phong Vân, Phong Minh, Sa Lý. Đến năm 2030, sáp nhập xã Kim Sơn vào xã Tân Hoa.

Về mô hình xã nông thôn vùng trung tâm, cận vùng đô thị, hình thành các khu trung tâm xã (trụ sở, trung tâm thương mại, trường học, công viên, công trình TDTT, y tế, văn hóa…), cụm thôn, cụm dân cư tập trung theo các hệ thống giao thông. Tăng cường các tuyến không gian liên kết các vùng dọc Quốc lộ 31 với khu vực trung du, đồi núi. Các khu vực dân cư tập trung theo làng bản, cụm thôn. Quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp, vùng chăn nuôi, định hướng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp…

Mô hình xã nông thôn vùng đồi núi và trung du, động lực phát triển và ngành nghề chính là kinh tế vườn đồi, đặc biệt là các loại cây ăn quả, rừng sản xuất…

Không gian quy hoạch kết hợp giữa phát triển tập trung với phân tán; các khu vực dân cư tập trung theo tuyến, cụm.

Xây dựng các cụm trung tâm công cộng, dịch vụ (trụ sở, trường học, nhà văn hóa, TDTT, trạm y tế, chợ, dịch vụ bưu chính, viễn thông…), kết nối với các không gian ở và không gian sản xuất nông lâm nghiệp.  

Bình luận