Ngày 25/10, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Tạp chí Xây dựng đã tổ chức Hội thảo “Hướng đi xanh cho doanh nghiệp xi măng phát triển bền vững và giảm dấu chân carbon” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, thu hút sự tham gia đông đảo của các Bộ, ngành, nhà khoa học, chuyên gia và doanh nghiệp, với mục tiêu góp phần đưa ra các giải pháp phát triển bền vững và giảm thiểu tác động của BĐKH trong ngành Xây dựng.
Mở ra cơ hội phát triển kinh tế tuần hoàn
Theo TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ KHCN & MT, trong bối cảnh Việt Nam cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, trong đó ngành Xây dựng đóng góp quan trọng với mục tiêu giảm tối thiểu 74,3 triệu tấn CO2 vào năm 2030. Tuy nhiên, lượng đóng góp của ngành Xây dựng theo Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) 2022 cần cao hơn để đạt mục tiêu này.
Bên cạnh đó, ngành xi măng cũng phải đối mặt với các quy định quốc tế, như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU, dự kiến sẽ áp dụng từ 2026, ảnh hưởng đến cả các doanh nghiệp sản xuất trong nước và xuất khẩu.
Tại Việt Nam, các quy định pháp lý liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính (KNK) đã được ban hành nhằm điều chỉnh hoạt động sản xuất của các ngành công nghiệp. Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn, các quyết định liên quan đều nêu rõ các tiêu chí giảm phát thải cho từng lĩnh vực, từ công nghiệp nặng đến năng lượng. Trong đó các doanh nghiệp có lượng phát thải từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên mỗi năm đều phải tuân thủ quy định kiểm kê KNK và nộp báo cáo cho cơ quan quản lý.
TS Hoàng Hữu Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng cho biết, Việt Nam đang đối diện với những thách thức không nhỏ trong việc điều chỉnh cơ cấu năng lượng, giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch và chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo. Điều này không chỉ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế tuần hoàn và thúc đẩy các ngành công nghiệp liên quan như xi măng, điện và VLXD.
Một số giải pháp giảm phát thải cho ngành xi măng
Ngành xi măng là một trong những ngành có tỷ lệ phát thải lớn, chiếm gần 75% lượng phát thải của lĩnh vực sản xuất VLXD - đang được xem là mục tiêu chính trong nỗ lực giảm phát thải KNK. Nhiều quy định đã được đưa ra nhằm giảm lượng phát thải trong sản xuất xi măng và clinker.
Ông Dương Ngọc Trường - Trưởng Ban An toàn và môi trường Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) cho biết, VICEM đã và đang triển khai hàng loạt biện pháp giảm phát thải KNK, từ việc tối ưu hóa quy trình sản xuất đến sử dụng các nguyên liệu thay thế thân thiện với môi trường. VICEM đã đầu tư vào các công nghệ hiện đại như phát điện từ nhiệt thừa khí thải, giảm sử dụng nguyên liệu hóa thạch và tăng tỷ lệ sử dụng phụ gia như tro, xỉ, thạch cao nhân tạo để thay thế clinker.
Việc giảm tỷ lệ clinker trong xi măng là một giải pháp quan trọng để giảm cường độ phát thải KNK. Theo đó, VICEM đã sử dụng tro, xỉ và thạch cao nhân tạo trong sản xuất xi măng, góp phần xử lý các phế thải công nghiệp và bảo vệ môi trường. Tính đến năm 2024, tỷ lệ sử dụng tro, xỉ trong sản xuất của VICEM đạt hơn 10%, giúp giảm đáng kể lượng phát thải CO2.
Trước xu hướng toàn cầu về chuyển đổi xanh, ông Nguyễn Công Bảo - Giám đốc điều hành Công ty CP Xi măng FiCO Tây Ninh (Fico-YTL) cho biết, Fico-YTL đã tập trung vào nghiên cứu và phát triển các sản phẩm xi măng hàm lượng clinker thấp để giảm phát thải CO2 trong sản xuất.
Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, Fico-YTL đầu tư vào việc hiểu rõ các ứng dụng cụ thể của xi măng trong từng công trình. Việc kiểm soát hoạt tính clinker và công nghệ nghiền riêng là yếu tố then chốt để tối ưu chất lượng sản phẩm.
Theo đó, Fico-YTL đã nghiên cứu khả năng tận dụng khoáng chất trong các phế phẩm công nghiệp và tăng hiệu quả của phụ gia hóa học nhằm tạo ra các sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường.
Ông Nguyễn Công Bảo đề xuất một số giải pháp trọng điểm để thúc đẩy ngành xi măng bền vững hơn, trong đó cần có quy hoạch cung cầu và cơ cấu ngành bền vững, đảm bảo hiệu quả kinh tế và giảm phát thải; khuyến nghị ưu tiên sử dụng xi măng hỗn hợp thay cho Portland để giảm lượng CO2, cùng với tận dụng năng lực đồng xử lý bằng cách sử dụng phế liệu và chất thải làm nhiên liệu thay thế.
Đại diện của Fico YTL cũng đồng thời nhấn mạnh việc sớm ban hành tiêu chuẩn công trình xanh quốc gia để thúc đẩy các công trình ít phát thải, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.
Tác động của CBAM đối với các doanh nghiệp Việt Nam
Ông Tô Thanh Sơn - Giám đốc Phát triển bền vững SGS Việt Nam cho biết, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của châu Âu (CBAM) được dự báo sẽ có tác động sâu rộng đến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực như xi măng, thép và nhôm. Theo quy định, các nhà nhập khẩu vào châu Âu sẽ phải báo cáo thông tin phát thải KNK trong sản phẩm nhập khẩu, và đến năm 2026, họ sẽ phải mua chứng chỉ CBAM tương ứng với lượng phát thải hàng năm.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn chưa nhận thức rõ về CBAM, trong khi một số doanh nghiệp lớn đã bắt đầu nghiên cứu và chuẩn bị cho quy định này. Để ứng phó với CBAM, các doanh nghiệp cần tăng cường năng lực giám sát và báo cáo phát thải KNK, đồng thời lập kế hoạch giảm phát thải KNK theo lộ trình CBAM.
Liên quan đến CBAM, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp cần có lộ trình giảm phát thải carbon phù hợp hơn với cơ chế CBAM, các doanh nghiệp xi măng cần tích cực tham gia thị trường tín chỉ carbon, áp dụng các công nghệ thu hồi carbon và năng lượng tái tạo để giảm thiểu phát thải. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như CBAM, mà còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Các diễn giả tại Hội thảo cũng đề xuất tăng cường đối thoại công - tư để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững. Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ tài chính, ưu đãi thuế và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh.
Việc hợp tác với các tổ chức quốc tế như UNFCCC, World Bank và các tổ chức tài chính quốc tế khác là cần thiết để doanh nghiệp có thể tiếp cận được các nguồn lực tài chính và kỹ thuật. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần nhận được sự hỗ trợ về đào tạo và nâng cao năng lực, giúp họ sẵn sàng đối mặt với những thách thức liên quan đến BĐKH và phát thải KNK.
Hội thảo “Hướng đi xanh cho doanh nghiệp xi măng phát triển bền vững và giảm dấu chân carbon” mang lại nhiều giá trị quan trọng cho doanh nghiệp và các cơ quan quản lý trong việc thực hiện cam kết Net Zero.
Sự hợp tác giữa các bên, cùng với áp dụng các giải pháp công nghệ xanh và thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động của BĐKH.