Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã diễn ra vào ngày 24/3, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh.
Lựa chọn phát triển theo phương án giá trị và bền vững
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, dự thảo Quy hoạch tỉnh Kiên Giang đã xây dựng 3 kịch bản phát triển.
Thứ nhất là hướng phát triển ổn định và không có sự đột phá, đây là phương án tăng trưởng thấp trong điều kiện bất lợi, Kiên Giang không phát huy được tất cả các tiềm năng.
Thứ hai, là phát triển giá trị và bền vững, là phương án tăng trong điều kiện bình thường, Kiên Giang trở thành điểm đến hấp dẫn cho doanh nghiệp và lao động, là trung tâm kinh tế biển hàng đầu khu vực.
Thứ ba, Kiên Giang sẽ phát triển theo hướng tận dụng tối đa những điều kiện thuận lợi, đây là phương án tăng trưởng cao trong điều kiện thuận lợi nhất, đưa Kiên Giang trở thành nơi cung cấp chất lượng sống hàng đầu khu vực Tây Nam bộ.
Qua cân nhắc và đánh giá tổng thể các điều kiện, tỉnh lựa chọn phát triển theo phương án 2 - giá trị và bền vững.
Dự thảo Quy hoạch tỉnh xác định, mục tiêu đến năm 2030, Kiên Giang là tỉnh có chất lượng sống cao của vùng Tây Nam bộ; có hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội và môi trường đầu tư vượt trội để thu hút nhà đầu tư hàng đầu về du lịch và dịch vụ, bất động sản và công nghệ; trở thành điểm đến hấp dẫn nhất trong vùng ĐBSCL đối với du khách.
Kiên Giang là trung tâm kinh tế biển của Quốc gia, trong đó Phú Quốc là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh mang tầm quốc tế; Rạch Giá là thành phố thương mại, dịch vụ xanh; Hà Tiên là đô thị di sản; Rạch Giá - Hà Tiên - Phú Quốc hình thành tam giác phát triển chính của nền kinh tế đô thị, thương mại dịch vụ hướng biển.
Tầm nhìn đến năm 2050, Kiên Giang trở thành nơi cung cấp chất lượng sống cao ở khu vực Tây Nam bộ, là điểm đến hấp dẫn cho doanh nghiệp và lao động trong lĩnh vực dịch vụ và công nghệ, là trung tâm du lịch sinh thái biển đảo hàng đầu tập trung ở các trung tâm hành chính ven biển và các đảo.
Người dân sống tại Kiên Giang có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao, môi trường giáo dục đào tạo nhân văn, môi trường sống xanh và an toàn. Hệ thống kết cấu hạ tầng và đô thị phát triển hiện đại, thông minh, kết nối với các trung tâm kinh tế trong vùng.
Quy hoạch tỉnh cũng xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm và 4 đột phá phát triển, gồm: (1) Thúc đẩy sự sáng tạo, nâng cao hiệu quả quản trị của địa phương; (2) Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; (3) Tập trung vào cải thiện chất lượng tăng trưởng, phù hợp với xu thế chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh, giá trị gia tăng tạo ra trên vốn đầu tư, năng suất của lao động, tri thức, công nghệ; (4) Kết nối các không gian phát triển, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; (5) Hỗ trợ phát triển hoạt động ĐMST, tạo điều kiện để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp mới; (6) Khôi phục và bảo tồn di sản, phát triển giá trị văn hóa nhân văn của con người Kiên Giang; (7) Nâng cấp nhanh và thu hút đầu tư nhiều hơn vào hệ thống chăm sóc y tế, phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giữ chân và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; (8) Đảm bảo sử dụng có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu theo tinh thần “thuận thiên”. Giải quyết vấn đề ô nhiễm, rác thải do sản xuất và hoạt động sinh hoạt, đặc biệt ở các đảo và các đô thị trung tâm.
Trong số 4 đột phá, đột phá thứ nhất của Kiên Giang là hình thành khu kinh tế biển phía Tây, phát triển kinh tế đất liền hướng biển. Khu kinh tế biển này sẽ là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm phát triển là du lịch, dịch vụ, đô thị, công nghiệp ven biển, nuôi trồng và khai thác hải sản, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; khu vực phát triển đô thị dịch vụ, du lịch, công nghiệp thông minh bền vững gắn với hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại; cực tăng trưởng đối trọng của tỉnh Kiên Giang và khu vực Tây Nam Bộ, liên kết chặt chẽ và toàn diện với sự phát triển chung của thành phố Rạch Giá và vùng phụ cận và là cửa ngõ giao thương quốc tế, đầu mối giao thông quan trọng của vùng ĐBSCL với các nước tiểu vùng sông Mê Kông.
Đột phá thứ hai là phát triển Phú Quốc theo cơ chế đặc thù. Đó là: (1) chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng nhằm tăng tính kết nối; (2) quản lý và phát triển nguồn nhân lực; (3) các ưu đãi liên quan đến tài chính như ưu đãi thuế, chính sách tài chính tiền tệ, tiền lương, hàng hóa xuất nhập khẩu, ưu đãi đất đai và xúc tiến đầu tư; (4) phát triển lĩnh vực văn hóa xã hội; (5) bảo đảm an ninh quốc phòng; (6) đầu tư và hợp tác quốc tế.
Đột phá thứ ba là chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao trong các hoạt động kinh tế của tỉnh và xây dựng chính phủ số.
Đột phá thứ tư là lấn biển theo định hướng sáng tạo. Các địa phương lấn biển bao gồm: TP. Rạch Giá, Hà Tiên, Kiên Lương, Phú Quốc, Kiên Hải. Trong đó, lấn biển và xây dựng các đảo nhân tạo ở Hà Tiên sẽ đáp ứng tiêu chuẩn để Hà Tiên đạt chuẩn đô thị loại II. Tuy nhiên, việc lấn biển cần phải cẩn trọng đến các vấn đề về môi trường, tránh để lại hậu quả cho hệ sinh thái ven bờ, chất lượng nguồn nước, và hoạt động kinh tế biển của Kiên Giang.
Nghiên cứu kỹ hơn về đề xuất cơ chế đặc thù phát triển Phú Quốc và vấn đề lấn biển
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Hội đồng, Thứ trưởng Trần Quốc Phương yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang lưu ý làm rõ các tồn tại, hạn chế lớn, các “điểm nghẽn”. Trong đó, đặc biệt lưu ý vấn đề về cân đối cơ cấu kinh tế, phát triển đô thị của tỉnh và khả năng, giải pháp tăng cường liên kết với các tỉnh lân cận trong vùng ĐBSCL. Đồng thời tập trung làm rõ tiềm năng, lợi thế, cơ hội của tỉnh Kiên Giang về tận dụng lợi thế là với bờ biển dài trên 200km, vùng biển rộng hơn 63.000km, có 5 quần đảo với hơn 143 đảo nổi lớn nhỏ, trong đó đảo lớn nhất là Phú Quốc, thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam.
Cùng với đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu bổ sung luận chứng, làm rõ về tính khả thi của kịch bản phát triển được lựa chọn, trong đó cần xác định rõ các động lực, đột phá của tăng trưởng, đóng góp của từng ngành, lĩnh vực vào tăng trưởng chung của tỉnh.
Về quan điểm phát triển trong quy hoạch, tính đột phá, xác định nhiệm vụ trọng tâm phát triển, Thứ trưởng yêu cầu nghiên cứu kỹ hơn 2/4 đột phá, đó là đề xuất với Trung ương xây dựng cơ chế đặc thù phát triển cho TP Phú Quốc và vấn đề lấn biển theo định hướng sáng tạo.
Thứ trưởng lưu ý, thẩm quyền quyết định về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Phú Quốc do Trung ương hoặc Quốc hội, trong khi quy hoạch tỉnh do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về việc lấn biển, theo Báo cáo trong giai đoạn 10 năm (2010 - 2020) tỉnh Kiên Giang đã lấn biển tại TP Rạch Giá và TP Hà Tiên được khoảng 300ha. Trong khi đó, đề xuất lấn biển trong thời kỳ quy hoạch với diện tích rất lớn khoảng gần 5.000ha. Theo ý kiến của chuyên gia, cần thiết phải giải trình, làm rõ trong quy hoạch lấn biển ở những vị trí nào, diện tích khoảng bao nhiêu, nguồn đất cát ở đâu để lấn biển và việc ảnh hưởng đến môi trường, đa dạng sinh học ra sao.
Thứ trưởng yêu cầu, UBND tỉnh hoàn thiện hồ sơ quy hoạch đảm bảo chất lượng, tiến độ trên cơ sở tiếp thu giải trình toàn bộ ý kiến tham gia thẩm định và Báo cáo thẩm định theo đúng quy định hiện hành; chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, số liệu trong Báo cáo Quy hoạch và hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch; nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các Bộ, ngành, chuyên gia phản biện để hoàn thiện Quy hoạch đảm bảo chất lượng, tiến độ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tại Hội nghị, Hội đồng thẩm định đã tiến hành bỏ phiếu thông qua Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kết quả 100% thành viên Hội đồng nhất trí thông qua với điều kiện tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện theo kết luận của Hội đồng.